Tín chỉ carbon châu Phi đang bị bán rẻ bèo, chỉ 3 USD mỗi tấn

Ngân hàng Phát triển châu Phi cảnh báo, các công ty nước ngoài đang trả mức “giá bèo” cho khả năng hấp thụ carbon và tài nguyên môi trường của lục địa này.

Ông Akinwumi Adesina, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), cho biết: Trong khi giấy phép khí thải ở châu Âu có thể lên tới 200 euro (khoảng 5,8 triệu đồng)/tấn, thì tín chỉ carbon tại châu Phi chỉ được mua với giá khoảng 3 USD (80.000 đồng)/tấn. Sự chênh lệch này khiến các quốc gia châu Phi mất đi những diện tích rừng và đất đai khổng lồ mà không nhận lại giá trị tương xứng.

Tín chỉ carbon tại châu Phi chỉ được mua với giá khoảng 3 USD/tấn. (Ảnh minh hoạ)

Tín chỉ carbon tại châu Phi chỉ được mua với giá khoảng 3 USD/tấn. (Ảnh minh hoạ)

"Chúng tôi chưa thấy một xu nào từ lượng carbon mà những cánh rừng của chúng tôi hấp thụ," ông Rudolph Merab, lãnh đạo Cơ quan Phát triển Lâm nghiệp Liberia bày tỏ, đồng thời, họ chỉ được đề nghị mức giá 1 USD cho mỗi tấn CO₂.

Trước thực trạng đó, ông Adesina kêu gọi cải cách cách tính GDP, đưa giá trị tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản, đa dạng sinh học và carbon vào thống kê kinh tế. Theo ông, nếu làm được điều này, các quốc gia châu Phi sẽ có thêm cơ hội vay vốn với chi phí thấp hơn, thay vì bị giam hãm trong đói nghèo giữa những tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD.

 

Bên cạnh vấn đề carbon, ông Adesina cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác tiềm năng nhiên liệu hóa thạch của châu Phi. Ông cho rằng, châu Phi không nên bị ràng buộc bởi tư duy cao về năng lượng tái tạo. Thay vào đó, cần tận dụng đồng thời cả nguồn nhiên liệu hóa thạch lẫn năng lượng sạch để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông cũng để ngỏ khả năng người kế nhiệm sẽ cân nhắc nới lỏng quy định hiện tại, vốn cấm AfDB tài trợ cho các dự án thăm dò dầu khí.

Ông Akinwumi Adesina, Chủ tịch AfDB cho rằng châu Phi cần đầu tư thay vì lệ thuộc vào viện trợ. (Nguồn: AFP)

Ông Akinwumi Adesina, Chủ tịch AfDB cho rằng châu Phi cần đầu tư thay vì lệ thuộc vào viện trợ. (Nguồn: AFP)

Trước bối cảnh viện trợ quốc tế đang giảm sút và môi trường thương mại toàn cầu trở nên căng thẳng, Chủ tịch AfDB cho rằng châu Phi cần phải chủ động thích ứng, tối ưu hóa nguồn tài chính sẵn có và chuyển hướng sang thúc đẩy thương mại, đầu tư thay vì lệ thuộc vào viện trợ.

"Cắt giảm viện trợ từ Mỹ và châu Âu nên được xem là hồi chuông cảnh tỉnh. Châu Phi không thể phát triển bằng cách đi xin. Phải phát triển bằng thương mại và đầu tư," ông Adesina nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - cố vấn cho 20 quốc gia châu Phi thông qua Viện Đổi mới Toàn cầu - cũng khuyến nghị rằng phương Tây cần điều chỉnh chiến lược viện trợ, tập trung vào hỗ trợ phát triển dài hạn thay vì các chương trình cứu trợ ngắn hạn.

Châu Phi đang nổi lên như một trong những “kho dự trữ” tín chỉ carbon lớn nhất toàn cầu nhờ sở hữu diện tích rừng tự nhiên khổng lồ và khả năng hấp thụ carbon mạnh mẽ. Với hơn 600 triệu ha rừng – chiếm khoảng 17% diện tích rừng thế giới – lục địa đen mỗi năm hấp thụ khoảng 600 triệu tấn CO₂, đóng vai trò then chốt trong việc cân bằng sinh thái toàn cầu.

Theo đó, sáng kiến Thị trường Carbon châu Phi (ACMI) đặt mục tiêu tăng sản lượng tín chỉ carbon của khu vực lên gấp 19 lần vào năm 2030, với tiềm năng tạo ra tới 6 tỷ USD doanh thu hàng năm và hỗ trợ khoảng 30 triệu việc làm. Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, giới chuyên gia nhấn mạnh cần ưu tiên đảm bảo tính minh bạch, đồng thời, việc triển khai cần đi kèm quản trị hiệu quả, đảm bảo quyền lợi công bằng để tránh nguy cơ "mất trắng" tài nguyên carbon vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

https://vtcnews.vn/tin-chi-carbon-chau-phi-dang-bi-ban-re-beo-chi-3-usd-moi-tan-ar936645.html

 

Thanh Trà(Nguồn: Carbon Herald) / VTC News