Theo đề xuất của bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, có hai loại tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường.
Theo dự thảo Nghị định về sàn giao dịch carbon trong nước, hướng dẫn việc giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon trong nước của Bộ Tài chính, hai loại hàng hóa chính được giao trên thị trường giao dịch carbon: Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon – gồm tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án trong nước và quốc tế theo cơ chế trao đổi, bù trừ.
Theo đó, đây là bước quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thiết lập khung pháp lý cho hoạt động mua bán tín chỉ carbon, và thực hiện lộ trình vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon theo Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 21/01/2025 của Thủ tướng.
Dự thảo cũng nêu rõ tất cả hàng hóa phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận, ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia trước khi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Các hàng hóa này sẽ bị loại khỏi hệ thống khi đáo hạn hoặc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quy định về giao dịch
Các chủ thể tham gia thị trường cần mở tài khoản giao dịch tại thành viên giao dịch để thực hiện mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Thành viên giao dịch phải thông báo kết quả thực hiện giao dịch ngay sau khi hoàn tất, đồng thời cung cấp sao kê tài khoản hàng tháng hoặc theo yêu cầu của khách hàng.
Sau khi giao dịch hoàn tất, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ cung cấp thông tin kết quả cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam để tiến hành thanh toán.
Sau khi giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được xác lập và hoàn tất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội có trách nhiệm cung cấp thông tin về kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện hoạt động thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.

Giao dịch thị trường carbon theo 02 hình thức: Thoả thuận điện tử và thoả thuận thông thường (Ảnh minh hoạ)
Phương thức giao dịch
Dự thảo quy định giao dịch trên thị trường carbon theo phương thức các bên tự thỏa thuận, gồm:
Thỏa thuận điện tử: Các chủ thể nhập lệnh chào mua, chào bán vào hệ thống và thực hiện giao dịch dựa trên lệnh đối ứng phù hợp.
Thỏa thuận thông thường: Bên mua và bên bán tự thỏa thuận trước, sau đó báo cáo kết quả lên hệ thống giao dịch.
Hoạt động giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon sẽ tuân theo quy chế của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Quy trình thanh toán giao dịch
Tất cả giao dịch trên hệ thống carbon được thanh toán theo phương thức tức thời, không áp dụng cơ chế đối tác bù trừ trung tâm. Thành viên lưu ký phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thanh toán để thực hiện các giao dịch này.
Căn cứ vào kết quả giao dịch từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam sẽ:
- Kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch.
- Phong tỏa số lượng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon đã bán.
- Thông báo kết quả giao dịch hợp lệ cho thành viên lưu ký.
- Xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và hàng hóa, gửi thông tin thanh toán đến ngân hàng thanh toán.
- Tiến hành thanh toán tức thời theo từng giao dịch trong cùng ngày giao dịch.
Tín chỉ carbon xuất phát từ Nghị định thư Kyoto (1997) nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính. Đây là chứng nhận quyền phát thải khí CO2 hoặc khí nhà kính khác quy đổi sang CO2.
Các quốc gia tham gia cam kết sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời được phép trao đổi quyền phát thải carbon với nhau trên thị trường quốc tế thông qua tín chỉ carbon.
Từ đó, thị trường carbon toàn cầu, nơi các công ty hoặc quốc gia phát thải nhiều hơn mức quy định có thể mua tín chỉ từ các tổ chức, dự án hoặc quốc gia có lượng phát thải thấp hơn hoặc hấp thụ carbon như một trong các cách thức để đạt được các mục tiêu giảm phát thải.
Mỗi tín chỉ tương ứng với một tấn CO2 hoặc khí nhà kính quy đổi.
https://vtcnews.vn/de-xuat-hai-loai-tin-chi-carbon-duoc-giao-dich-tren-thi-truong-ar930613.html