"Thủ khoa chăn bò" ở Đồng Nai nuôi giấc mơ kỹ sư cơ điện

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ước mơ thành nhà sáng chế máy móc thôi thúc Danh miệt mài đèn sách. 

Vượt qua nhiều học sinh giỏi trường chuyên, có điều kiện ở thành phố, Đỗ Ngọc Thành Danh (cựu học sinh lớp 12A1 trường THPT Tân Phú, huyện Định Quán) là thủ khoa khối A toàn tỉnh Đồng Nai với 28,15 điểm (Toán 9,4; Vật lý 9,25 và Hoá học 9,5).

Hình ảnh "thằng Danh chăn bò" đạp xe hàng chục km mỗi ngày để tìm con chữ vốn quá quen thuộc với người dân xã miền núi Gia Canh. Năm ngoái thấy xe đạp của học trò quá cũ kỹ, nhà trường tặng chiếc xe mới để giúp Danh đến trường thuận lợi hơn.

Sống bao năm ở vùng đất khô cằn, kinh tế gia đình Danh phụ thuộc vào nương rẫy và đồng lương công nhân ít ỏi của người mẹ. Nhà có ba anh em, trong đó người anh học đại học ở Sài Gòn, cậu em út học lớp 8, nên ngoài giờ đến trường Danh thường xuyên phải dọn dẹp chuồng trại, cắt cỏ, chăn bò...

"Những lần nằm trên bãi cỏ chăn bò nhìn hoàng hôn, em ước mơ sau này sẽ thành nhà sáng chế. Khi đó không chỉ giúp cho ba mẹ mà còn giúp người nông dân thoát nghèo nhờ tự động hoá trên vùng đất cằn cỗi này", Danh tâm sự.

thu khoa chan bo o dong nai nuoi giac mo ky su co dien
Chân dung chàng thủ khoa khối A tỉnh Đồng Nai và mẹ. Ảnh: Thái Hà.

Ngoài 12 năm liền học sinh giỏi toàn diện, Danh còn đạt nhiều thành tích đáng nể của học sinh trường huyện. Năm lớp 10, em xuất sắc được giải nhất cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, lớp 11 đạt giải nhì môn Toán dành cho lớp 12, trong năm học cuối cấp, bất ngờ lại đạt giải nhì môn Hoá. "Thi học sinh giỏi chỉ để thử sức chứ em không đề cao thành tích", Danh cho biết.

Nói về bí quyết học tập, chàng thủ khoa chia sẻ, trước khi bắt đầu với một kiến thức mới, luôn tìm hiểu thật kỹ để hiểu sâu về nó. "Việc lắng nghe thầy cô giảng bài là mấu chốt, nếu chủ quan lơ là thì mình sẽ không phát hiện ra được lỗ hổng kiến thức, về sau sẽ gặp khó khăn với bài học mới", Danh nói.

Mỗi ngày Danh thường dành 4 đến 6 giờ để học bài ở nhà, một ít sẽ dành cho việc học thêm những môn còn yếu. "Em không cố định thời gian học mỗi môn, nhưng đặt mục tiêu cụ thể. Khi hứng thú với môn nào sẽ lấy môn đó ra học, vì như thế sẽ dễ tiếp thu hơn khi não bộ đang cảm thấy phấn khích", Danh cho biết.

Với Danh, để làm tốt môn thi trắc nghiệm cần nắm chắc lý thuyết trong sách giáo khoa và làm quen các dạng đề thử. Trước kỳ thi cậu đã giải hơn 60 đề mỗi môn từ trên mạng và sách tham khảo, nhằm quen với kiểu đề và làm nhanh hơn phần lý thuyết.

Cô Nguyễn Thị Xuân Dung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Danh không giấu được vui mừng khi cậu học trò đạt thủ khoa khối A của tỉnh.

"Dù gia đình khó khăn nhưng Danh rất có nghị lực để đạt được ước mơ của mình. Ngoài việc là học sinh giỏi toàn diện của trường thì Danh luôn hòa đồng, thường xuyên giúp đỡ bạn bè trong học tập cũng như cuộc sống", cô Dung nói

.

Những cơn mưa ngút trời tháng 7 ở miền núi như nỗi lòng của Danh, nặng trĩu. Chỉ vài ngày nữa cậu nhập học khoa Cơ điện tử (ĐH Bách khoa TP HCM), song gia đình vẫn canh cánh nỗi lo chi phí. "Em sẽ đi làm thêm để phụ giúp gia đình", giọng cậu bé chăn bò đầy quyết tâm.

thu khoa chan bo o dong nai nuoi giac mo ky su co dien Á khoa khối A kỳ thi THPT quốc gia: Mình học vì đam mê thôi
thu khoa chan bo o dong nai nuoi giac mo ky su co dien 'Thủ khoa đầu vào được người ta nhắc đến nhiều nhất một tháng là cùng'
thu khoa chan bo o dong nai nuoi giac mo ky su co dien Một lớp học ở Hà Tĩnh, hai thủ khoa toàn quốc
/ vnexpress.net