- Dự án điện gió, mặt trời, thủy điện vào “tầm ngắm” Kiểm toán Nhà nước
- Dự án du lịch, nghỉ dưỡng hơn 5.200 tỷ đồng “đắp chiếu” gần 15 năm
- Khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài
Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh là một trong các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030. Thế nên, mọi vấn đề xoay quanh dự án triển khai như thế nào, thu hồi bao nhiêu đất từ các địa phương, đền bù cho dân ra sao đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ dự án khoảng 27,6 tỷ đồng
Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh-Nha Trang có tổng chiều dài khoảng 996km đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố gồm Nghệ An (không thu hồi đất), Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (không thu hồi đất), Thừa Thiên Huế (không thu hồi đất), Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (không thu hồi đất), Khánh Hoà (không thu hồi đất). Dự án này thuộc trường hợp phải xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định.
Theo Văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng diện tích đất thu hồi tại 5 tỉnh, thành phố là 228.346m2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 117.825m2, diện tích đất ở là 3.031m2 và diện tích đất phi nông nghiệp khác (đất sản xuất kinh doanh, đất giao thông, đất thuỷ lợi, đất nghĩa địa và đất chưa sử dụng) là 107.490m2.
Cụ thể trên địa bàn từng tỉnh, thành phố như tại tỉnh Hà Tĩnh, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 108.617m2; Quảng Bình là 46.761m2; Đà Nẵng dự kiến thu hồi 27.217m2; Quảng Ngãi dự kiến thu hồi 14.054m2; Bình Định dự kiến thu hồi 31.697m2. Số người sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi khoảng 136 hộ (với khoảng 579 người). Giá đất bồi thường đối với từng loại đất thu hồi tại các tỉnh, thành phố như Hà Tĩnh đất nông nghiệp từ 62.400đ/m2 đến 114.500đ/m2 và giá đất ở là 315.000đ/m2.
Tại Quảng Bình số tiền dự kiến có phần thấp hơn khi giá đất nông nghiệp dự kiến bồi thường từ 11.000-20.000đ/m2, giá đất ở thì từ 350.000đ- 511.000đ/m2 và giá đất rừng là 4.000đ/m2. Giá đền bù cao nhất là tại thành phố Đà Nẵng, giá đất ở dự kiến bồi thường từ 3.790.000đ/m2 đến 4.548.000đ/m2; Quảng Ngãi là từ 2.000.000-2.400.000đ/m2. Được biết, giá đất để tính bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND các tỉnh, thành phố quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Với số hộ như trên, sau khi thẩm tra khung chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, tái định cư, Bộ GTVT dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ dự án khoảng 27,6 tỷ đồng. Cùng đó, từ quý II năm 2022 đến quý I năm 2023 các đơn vị sẽ bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến thời gian và kế hoạch di chuyển, bàn giao mặt bằng dự kiến bắt đầu từ Quý IV năm 2022.
Giá đất tính bồi thường khu vực giáp ranh không chênh quá 30%
Đóng góp thêm ý kiến về dự án, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Bộ GTVT nên kiểm tra, rà soát số liệu dự kiến kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho thống nhất với các số liệu ước tính chi tiết chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn các xã thuộc các tỉnh/thành phố.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát số liệu diện tích đất thu hồi, số người bị ảnh hưởng bởi dự án. Giá đất tính bồi thường, nhất là giá đất bồi thường khu vực giáp ranh giữa các tỉnh đảm bảo mức chênh lệch giá đất khu vực giáp ranh không quá 30% theo quy định, giá bồi thường tài sản gắn liền với đất, diện tích và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi đúng quy định để không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tại địa phương.
Trước đó, chia sẻ về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư, quản lý 3 trong 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt) cho hay, khó khăn trong giải phóng mặt bằng tại các dự án này là do dự án nằm trải dài trên phạm vi rộng, trong khi đó diện tích giải phóng thấp nên mất rất nhiều thời gian cho công tác này.
Bên cạnh đó, hiện trạng tuyến đường sắt Bắc - Nam đã có từ lâu đời, phạm vi dọc tuyến đường sắt vẫn còn tồn tại các diện tích đất tranh chấp giữa hành lang bảo vệ đường sắt và các hộ dân chưa được rõ ràng. Tình trạng tách nhập hộ khẩu, lấn chiếm, chuyển quyền sử dụng đất đai trong phạm vi đường sắt nhằm mục đích trục lợi vẫn còn xảy ra. Địa phương rất khó khăn trong xác định nguồn gốc đất để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Một khó khăn nữa trong giải phóng mặt bằng các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc – Nam, theo chia sẻ của đại diện Ban Quản lý, đó là việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tại các địa phương được thực hiện trong điều kiện chính sách bồi thường hỗ trợ còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với giá thị trường nhưng chậm được điều chỉnh. Vẫn còn nhiều ý kiến khiếu nại với phương án giải phóng mặt bằng của các hộ dân có phạm vi ảnh hưởng...
Theo quy hoạch, mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 gồm: 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới, tổng chiều dài 2.362km. Mạng lưới đường sắt quốc gia quy hoạch đến năm 2050 gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354km gồm các tuyến đường sắt hiện có và hoàn thành các tuyến đường sắt mới trên các hành lang trọng yếu; từng bước xây dựng các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch…
Quy hoạch xác định các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 gồm: 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM thuộc tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP.HCM; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối (ưu tiên xây dựng các tuyến kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối Hà Nội).
https://cand.com.vn/Giao-thong/thu-hoi-hon-228-000m2-dat-tai-5-tinh-thanh-pho-i652286/