- Trung Quốc tiếp tục tập trận xung quanh Đài Loan
- Trung Quốc tập trận, các hãng hàng không châu Á bị ảnh hưởng thế nào?
Cả Liên minh châu Âu (EU) và Indonesia đều ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương hiệu quả với cốt lõi là Liên hợp quốc. Đây là thông điệp được EU đưa ra ngày 16/8 sau khi kết thúc cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trên biển Arab với Indonesia.
Các quan chức EU nhận định, cuộc tập trận không chỉ truyền đi thông điệp về việc tuân thủ luật lệ quốc tế, mà còn phản ánh rằng khối này coi Indonesia nói riêng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung là trọng tâm của chiến lược hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Truyền thông quốc tế ngày 16/8 đồng loạt đưa tin, không để lỡ nhịp trong cuộc đua tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa EU và Indonesia từ 14-15/8 trên biển Arab đã thành công tốt đẹp. Cuộc tập trận chung có sự tham gia của tàu hộ tống KRI Sultan Iskandar Muda của Hải quân Indonesia và EU NAVFOR Somalia, tàu khu trục ITS Virginio Fasan của chiến dịch Atalanta.
Dựa trên kịch bản của một chiến dịch chống cướp biển, cuộc tập trận bao gồm các đợt đổ bộ trực thăng và nhiều diễn biến chiến thuật phức tạp trên biển lên các tàu khả nghi, đồng thời thử nghiệm khả năng bổ sung nhiên liệu trên biển. Đây là một phần trong dự án của EU về các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (CRIMARIO), qua đó cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin trong khu vực nhằm kết nối những người tham gia tập trận.
The Guardian dẫn lời các nghị sĩ hàng đầu EU cho biết, cuộc tập trận đã truyền đi một thông điệp rõ ràng, rằng EU và Indonesia cam kết thực hiện một trật tự tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được củng cố bằng việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, dân chủ, pháp quyền, minh bạch, tự do hàng hải và hàng không, không bị cản trở hợp pháp thương mại và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ngoài ra hai bên cũng tuân thủ và khẳng định tính ưu việt của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Có ba lý do chính để EU lựa chọn Indonesia cho cuộc tập trận chung này. Thứ nhất, tàu Quốc vương Indonesia KRI Iskandar Muda vừa hoàn thành nhiệm vụ cùng Lực lượng đặc nhiệm hàng hải của Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Liban. Thông qua những đóng góp tích cực trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, Indonesia có những đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Thứ hai, EU và Indonesia thường xuyên tiến hành đối thoại về chính sách an ninh. Cuộc đối thoại lần thứ sáu giữa hai bên đã diễn ra vào tháng 11/2021, tập trung về an ninh hàng hải cùng với cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, chống ma tuý, gìn giữ hòa bình và quản lý khủng hoảng, an ninh mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và quản lý thiên tai. Và quan trọng nhất, Indonesia là một trong những thành viên tích cực của ASEAN, nơi có tuyến giao thông huyết mạch nhộn nhịp thứ hai thế giới là biển Đông, chỉ đứng sau Địa Trung Hải.
Theo Reuters, mỗi ngày có khoảng vài trăm tàu qua lại tuyến đường này, khoảng 50% là tàu trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu trên 30.000 tấn, chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng biển Đông. Trong nhiều tuyên bố, EU khẳng định coi Indonesia và ASEAN là những đối tác chính để thực hiện chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, phù hợp với triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thay vì đặt mối quan hệ với ASEAN theo kiểu bên tài trợ và bên nhận tài trợ, EU hiện coi ASEAN là một đối tác bình đẳng - cán cân quyền lực quan trọng, nhằm đảm bảo hòa bình, thịnh vượng, an ninh, an toàn khu vực và thế giới.
Giới chuyên gia đánh giá cao chiến lược của EU trong việc tiếp cận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là dự án tuyến đường hàng hải CRIMARIO trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các cường quốc tại khu vực. Chiến lược này được xây dựng trên nền tảng chiến lược Kết nối châu Á - EU năm 2018, với nguyên tắc kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ quốc tế, duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Điều này góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về chính trị, quân sự, kinh tế cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh giữa EU với các nước lớn.
Được biết, EU và Indonesia dự định tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác trên biển, bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung và các chuyến cập cảng. Hai bên dự định tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm, và xây dựng năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là thông qua các dự án của EU về tăng cường hợp tác an ninh với châu Á (ESIWA) và CRIMARIO.
Hồi đầu tháng 8, đồng minh của EU là Mỹ đã cùng Indonesia tập trận “Siêu lá chắn Garuda”. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước châu Á quan ngại về hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, tuy nhiên Washington khẳng định cuộc tập trận không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, mặc dù quy mô tập trận lớn hơn đáng kể so với các cuộc tập trận trước đó.