Thí nghiệm Little Albert đầu thế kỷ 20 lần đầu tiên chứng minh phần lớn hành vi của con người được học và có điều kiện, không phải bẩm sinh.
Thí nghiệm được John Broadus Watson tiến hành năm 1920. Đối tượng thí nghiệm là cậu bé Albert B., được chọn vào lúc 9 tháng tuổi. Không ai phản đối việc lựa chọn cậu bé làm vật thí nghiệm vì chẳng có ai ở đó để phản đối. Albert là một đứa trẻ mồ côi. Cậu bé có sức khỏe rất tốt, cả về thể chất và tinh thần.
Cách thức thí nghiệm là Albert được cho xem một loạt con vật để có thể tìm ra kích thích trung tính. Cậu nhìn một con chuột bạch, một con thỏ, một con khỉ, một con chó, chiếc mặt nạ có và không có tóc, bông gòn trắng. Kết quả, cậu bé không có nỗi sợ hãi bẩm sinh về những đồ vật này.
Kích thích vô điều kiện là tiếng ồn lớn. Người ta dùng hai thanh thép đập vào nhau tạo ra âm thanh ồn ào và khiến Albert khóc. Loại phản ứng này được gọi là phản ứng vô điều kiện bởi không cần phải học. Đó là một phản ứng bẩm sinh tự nhiên cho mọi người.
Albert không có cảm giác sợ hãi bẩm sinh với những con vật hay đồ vật được đặt cạnh. Ảnh: Amiraeltaggy. |
Ngày đầu tiên của thí nghiệm, Albert được xem một con chuột bạch và một thanh thép. Cậu bé tỏ ra thân thiết với con chuột và cố gắng chạm vào nó, trong khi đó có tiếng ồn được tạo ra từ thanh thép. Quá trình này được lặp lại ba lần.
Một tuần sau, quy trình trên lặp lại đến bảy lần. Sau đó, Albert được cho xem con chuột mà không có tiếng ồn từ thanh thép. Phản ứng của cậu bé rất khác so với những lần trước: bắt đầu khóc, quay đi và thậm chí cố gắng bỏ đi. Nỗi sợ chuột đã được thiết lập vào trong đầu cậu bé.
Bước tiếp theo trong thí nghiệm là xem ngoài nỗi sợ chuột, đứa trẻ có xuất hiện cảm giác này với những con vật hay đồ vật tương tự khác không. Vì vậy, hai tuần sau, Albert lại được thử nghiệm một lần nữa. Bé được cho nhìn một con thỏ trắng và kết quả là phản ứng rất giống với cách cậu phản ứng với con chuột: cúi xuống, thút thít và bật khóc. Khi con thỏ trắng được cho chạm vào Albert, bé lập tức bò đi và khóc.
Quá trình này được lặp lại, thay bằng một con chó, áo khoác lông trắng, bông trắng, mái tóc xám của Watson và mặt nạ ông già Noel. Tất cả đồ vật này đều gây sợ hãi cho cậu bé Albert.
Sau đó thực nghiệm được tiến hành trên các môi trường khác nhau. Dù được tạm dừng trong 31 ngày, khi thực hiện lại, Albert vẫn có phản ứng sợ hãi như vậy. Điều này chứng tỏ nỗi sợ hãi đã được điều kiện hóa thành công trong trí não của một cậu bé chưa tròn một tuổi.
Đứa trẻ bắt đầu có phản ứng sau khi tiếp xúc với con vật có thêm các điều kiện tác động. Ảnh: Shells and pebbles |
Thí nghiệm này bị nhiều người phản đối do tiến hành trên một chủ thể còn quá nhỏ tuổi, không có sự giám hộ từ cha mẹ, cũng như cách thức tiến hành thực nghiệm. Tuy vậy các nhà khoa học cho rằng thực nghiệm đem lại một số kết luận đáng lưu ý.
Kết luận đầu tiên là cảm xúc có thể được điều kiện hóa thông qua các kỹ thuật kích thích phản ứng đơn giản giống như hành vi được thực hiện trong thí nghiệm. Tiếp theo, ngoài nỗi sợ hãi, các cảm xúc khác cũng có thể được học bằng cách sử dụng kỹ thuật kích thích phản ứng giống như trong thí nghiệm. Kết luận thứ ba mà các nhà nghiên cứu rút ra là nỗi ám ảnh, sự tôn sùng hoặcphản ứng cực đoan phát triển theo cách tương tự như nỗi sợ hãi có điều kiện, dù chúng phức tạp hơn nhiều.
Kết luận cuối cùng chứng minh rằng những rối loạn cảm xúc ở tuổi trưởng thành không phải lúc nào cũng do sang chấn tính dục xảy ra trong thời thơ ấu.
Nguyễn Phương (Theo Psychology-Degrees)