Cuộc tấn công của Quân đội Ukraine vào khu vực Kursk ở Nga hồi đầu tháng 8 vừa qua đã gây chấn động và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả giới chính trị và công chúng quốc tế. Mặc dù, về cơ bản, chiến dịch đã thành công trong ngắn hạn, nhưng nó đã gián tiếp đẩy Kiev vào một tình thế vô cùng nguy hiểm.
Kịch bản tệ nhất
Cuộc tấn công của Ukraine đã gây bất ngờ cho cả các quan chức Mỹ, đánh dấu một bước đi táo bạo của Kiev và được đánh giá là đòn phản công đầu tiên vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Tổng Tư lệnh Quân đội Ukraine, Tướng Oleksandr Syrsky hồi tuần trước đã tiết lộ về chiến lược quân sự đằng sau cuộc nhập Kursk. Theo đó, các mục tiêu chính của chiến dịch gồm: ngăn chặn Nga sử dụng khu vực này làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mới; chuyển hướng lực lượng Nga khỏi các khu vực khác; tạo ra một vùng an ninh (vùng đệm) và ngăn chặn việc pháo kích vào các mục tiêu dân sự tại Ukraine.
Ngoài ra, chiến dịch còn nhằm khôi phục tinh thần quốc gia, củng cố vị thế của Tổng thống Volodymyr Zelensky, gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga và củng cố lòng tin cũng như tạo áp lực lên các đối tác quốc tế, thúc đẩy họ cung cấp thêm viện trợ. Tóm lại, cuộc tấn công vào Kursk không chỉ là một chiến lược quân sự mà còn là một ước đi chiến lược về mặt chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, cuộc tấn công vào Kursk cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với Ukraine.
Thứ nhất, việc tấn công vào lãnh thổ Nga có thể dẫn đến việc kéo giãn lực lượng quân sự của Ukraine, khiến họ dễ bị tổn thương trong các cuộc phản công dài hạn. Thứ hai, nếu Nga quyết định tập trung lực lượng vào khu vực này, Ukraine có thể đối mặt với viễn cảnh tổn thất nghiêm trọng. Ngoài ra, việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không chỉ mang lại nguy cơ chiến lược mà còn đẩy tình hình vào một chu kỳ leo thang căng thẳng mới.
Nga có thể coi đây là cái cớ để thực hiện các biện pháp trả đũa mạnh mẽ hơn, bao gồm việc gia tăng tấn công vào các khu vực trọng yếu của Ukraine. Những phản ứng từ Nga có thể làm xấu đi tình hình an ninh không chỉ ở Ukraine mà còn ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực và toàn cầu.
Thực tế cho thấy, việc Ukraine đột kích vào Kursk cũng mở ra một cơ hội cho Nga, cho phép Moscow tiến công với tốc độ nhanh bất thường trên mặt trận miền Đông. Một số nhà phân tích tin rằng, điều này một phần là do Kiev đã chuyển một số nguồn lực dự trữ và đạn dược của mình tại đây sang chiến dịch tấn công Kursk. Trong khi đó, quân đội Nga đã di chuyển ổn định về phía TP Pokrovsk - một trung tâm hậu cần trọng yếu và vượt qua các tuyến phòng thủ của Ukraine. Cuộc tiến công của Moscow cũng đe dọa làm gián đoạn tuyến tiếp tế của Kiev cho khu vực Donbass và làm tăng cơ hội đạt được đột phá lớn dọc tiền tuyến tại đây.
Các quan chức Ukraine cho biết họ hy vọng cuộc tấn công vào Kursk sẽ kéo các lực lượng của Nga khỏi mặt trận Pokrovsk, hiện đang đứng trước sức ép vô cùng dữ dội. Tuy nhiên, ít nhất là cho đến nay, Moscow vẫn chưa sập bẫy. Thay vào đó, họ chọn dồn một số nguồn lực sẵn sàng chiến đấu nhất tiếp tục tiến quân vào Pokrovsk thay vì tập trung đẩy lùi Quân đội Ukraine khỏi lãnh thổ của mình ở Kursk. Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 5/9 đã xác nhận Điện Kremlin chọn ưu tiên tiến công vào Pokrovsk. Hầu hết các nhà phân tích quân sự độc lập đều tin rằng hiện còn quá sớm để xác định liệu canh bạc của Ukraine ở Kursk có thành công hay không.
Một số người ủng hộ Ukraine ở phương Tây đã mô tả cuộc đột kích vào Kursk là một chiến thắng lớn sẽ thay đổi đáng kể tiến trình và kết quả của cuộc xung đột. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc tấn công đã thất bại trong các mục tiêu của chính nó và thực sự có thể gây hại nghiêm trọng cho vị thế của Ukraine trên chiến trường. Cuộc tấn công của Ukraine không chiếm được bất kỳ trung tâm giao thông quan trọng nào của Nga. Nó có lẽ có ý nghĩa nhất định trong việc nâng cao tinh thần của người dân Ukraine nói chung, nhưng theo các báo cáo của phương Tây từ miền Đông Ukraine, nó không giúp tăng cường tinh thần chiến đấu của các lực lượng ở đây. Có những bằng chứng cho thấy Nga, chứ không phải Ukraine, đang củng cố vị thế quân sự của mình cho các cuộc đàm phán cuối cùng và hoàn toàn không rõ liệu các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga của Ukraine có thể thay đổi đáng kể xu hướng này hay không.
Vượt qua lằn ranh đỏ
Bằng cuộc tấn công vào Kursk, Ukraine không chỉ vượt qua biên giới Nga mà còn vượt qua cả những lằn ranh đỏ được Mỹ đặt ra. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Washington đã liên tục nhấn mạnh rằng, mục tiêu của họ là giúp Kiev bảo vệ lãnh thổ và tồn tại như một quốc gia có chủ quyền. Bất kỳ gợi ý nào cho rằng, cuộc chiến có thể diễn ra trên đất Nga đều bị xem là nguy hiểm.
Cụ thể, khi xung đột nổ ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra cho chính quyền của mình hai mục tiêu. Mục tiêu đầu tiên là hỗ trợ Ukraine. Nhưng mục tiêu thứ hai là tránh Thế chiến III. Nếu buộc phải lựa chọn giữa hai mục tiêu đó, Washington rõ ràng sẽ chọn mục tiêu thứ hai. Điều này được thể hiện rõ ở việc Mỹ luôn thận trọng về các loại vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine. Khi tên lửa tầm xa HIMARS lần đầu tiên được cung cấp cho Ukraine, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đặt ra giới hạn về phạm vi sử dụng chúng.
Mãi cho đến tháng 5 vừa qua, Washington mới cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để chống lại các mục tiêu bên trong nước Nga. Những lệnh cấm đó vẫn còn hiệu lực, dù Ukraine đang tìm mọi cách để chúng được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, Mỹ biết rằng, Nga đã công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và Moscow đã liên tục thực hành sử dụng chúng trong các cuộc tập trận quân sự. Và có thể những lời đe dọa công khai đó đủ nghiêm trọng để Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Nga về “hậu quả thảm khốc” nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, với cuộc tấn công vào Kursk, Tổng thống Volodymyr Zelensky dường như đã xem thường những hạn chế mà Mỹ áp đặt lên các nỗ lực chiến tranh của Ukraine, lên án “khái niệm ngây thơ, ảo tưởng về cái gọi là lằn ranh đỏ của Nga, vốn chi phối cách một số đối tác của chúng tôi đánh giá về cuộc chiến.” Theo ông, quan điểm đó hiện đã “sụp đổ”. Cuộc tấn công vào Kursk cũng đã bác bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân của Nga.
Chuyên gia Phillips OBrien của Đại học St Andrews lập luận rằng, việc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga luôn được cho là lằn ranh đỏ cuối cùng của việc sử dụng vũ khí hạt nhân – và người Ukraine đang … vượt qua lằn ranh đó”.
Về phía Ukraine, có thể họ đã học theo Israel – bằng cách thực hiện một chiến dịch quân sự chưa được Mỹ chấp thuận. Giả định của cả Kiev và Tel Aviv là: nếu chiến dịch thành công, nó có thể được Mỹ chấp nhận sau. Còn nếu thất bại, thì sau cùng Mỹ cũng sẽ giúp họ giải quyết hậu quả.
Tuy vậy, Mỹ hiện vẫn duy trì thái độ thận trọng lạc quan về cuộc tấn công Kursk – dù người ta vẫn nghi ngờ về việc lực lượng Kiev có thể giữ vững được vùng đất đã chiếm và chống lại các cuộc tấn công của Nga ở miền Đông Ukraine hay không. Đối với Washington, một thành công của Kiev cũng không có khả năng khiến họ mất cảnh giác. Vì, suy cho cùng, người Mỹ vẫn có ý định tránh xung đột trực tiếp với Nga và vẫn xem trọng mối đe dọa xung đột hạt nhân.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/the-nguy-hiem-cua-ukraine-i743522/