Thấy gì sau 4 tháng cầm quyền của Taliban?

Ngày 15-8-2021, Taliban đã tiến vào Kabul mà không phải chịu bất cứ sự chống trả nào khi mà thủ đô này bị lãnh đạo chính phủ và hầu hết các lực lượng an ninh bỏ rơi. Trong 4 tháng đầu tiên nắm quyền, nhóm nổi dậy đã cố gắng hoạt động theo các đường nét của một nhà nước hiện đại, không quá khác biệt so với nhà nước mà nó đã lật đổ - ít nhất là ở vẻ bên ngoài.

Những tuần đầu cầm quyền của Taliban cho thấy hình ảnh một tổ chức phiến quân đang vật lộn với hàng loạt thách thức và khủng hoảng, đối mặt với nhiều vấn đề mà do thiếu kinh phí hoặc năng lực nên họ đã không thể giải quyết một cách hiệu quả. Taliban đã bộc lộ tính bảo thủ chậm chạp trong quá trình ra quyết định tham vấn, xây dựng sự đồng thuận của lãnh đạo…

Quá trình chuyển đổi

Trong hai tuần sau khi Taliban tiến vào Kabul, việc sơ tán lực lượng Mỹ, cộng đồng quốc tế và hàng loạt các đối tác và nhân sự của chính quyền cũ ở Afghanistan được triển khai trong một bối cảnh đầy hỗn loạn và bế tắc ở Kabul, còn Taliban thì nhanh chóng tràn ngập khắp nơi để khẳng định chủ quyền tại thủ đô nhưng lại trì hoãn quyền kiểm soát sân bay để dành lại cho quân đội Mỹ. Hai lực lượng từng đối mặt với nhau với tư cách là đối thủ quân sự, đã bước vào giai đoạn chung sống kéo dài hai tuần căng thẳng nhưng khá hợp tác, ngay cả khi xảy vụ đánh bom của Nhà nước Hồi giáo ISK tại sân bay khiến cả hai bên phải nâng cao các biện pháp an ninh.

Thấy gì sau 4 tháng cầm quyền của Taliban? -0

Sau ngày 15-8-2021, các chiến binh Taliban từ các vùng nông thôn xa xôi đã tràn ngập Kabul và các thành phố lớn khác.

Lực lượng Taliban tràn vào Kabul từ khắp các ngả của đất nước, đi cùng với họ là các nhân vật lãnh đạo Taliaban đến rải rác theo đường hàng không và đường bộ. Khi hàng ngũ Taliban ở Kabul gia tăng và sự hiện diện quốc tế ngày càng thu hẹp, các quan chức chính phủ và quân đội Mỹ cho biết nhóm này bắt đầu khẳng định quyền hạn của mình đối với các điều khoản và điều kiện đã thỏa thuận của quá trình sơ tán. Việc phê duyệt danh sách người Afghanistan và người nước ngoài cho các chuyến bay thường bị tắc nghẽn bởi sự thay đổi quy tắc đến chóng mặt của các chỉ huy Taliban khi đưa ra các yêu cầu mới về những thông tin bổ sung, đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn nhau và nhiều lỗi khác.

Việc củng cố những thành tựu mới và việc nhanh chóng đạt được quyền lực tối cao dường như đã định hướng hành vi của Taliban trên một phạm vi trải dài từ bạo lực tàn bạo đến ôn hòa một cách đáng ngạc nhiên. Trong khi các chiến binh Taliban nổ súng giết chết ba người trong cuộc biểu tình đầu tiên chống Taliban ở Jalalabad thì các nhà lãnh đạo của họ lại gặp gỡ công khai và ôn hòa với một số nhà lãnh đạo của chính quyền cũ, nhanh chóng chấp nhận lời thề trung thành, hoặc ít nhất là thông điệp hợp tác ngầm từ những kẻ thù cũ.

Khi lá cờ Tiểu vương quốc Hồi giáo của Taliban bắt đầu mọc trên các mái nhà và những bức tường sơn xịt, người dân Kabul đã quay trở lại đường phố và tiếp tục một số chức năng của cuộc sống hàng ngày. Các chiến binh Taliban từ các vùng nông thôn xa xôi đã tràn ngập các thành phố lớn, họ cư trú tại các đồn cảnh sát và văn phòng cũ của chính phủ, thực hiện các cuộc tuần tra liên tục và đột kích định kỳ, và chỉ đạo giao thông và những “công nhân cần thiết khác”. Các công chức chính phủ cũ và các nhân viên y tế công cộng, ngân hàng... đã được khuyến khích trở lại làm việc

Những đặc trưng cố hữu

Gắn kết trong nội bộ. Sự hối hả của Taliban trong việc xây dựng và củng cố chính quyền độc quyền là một trong số những định hướng được thể hiện rõ nét trong suốt 4 tháng đầu tiên của họ với tư cách là những người cầm quyền mới của đất nước. Một định hướng khác, cũng in đậm nét trong các hành vi của họ trên thực tế kể từ khi lên nắm quyền: lưu tâm đến bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào có khả năng phá hủy sự gắn kết trong tổ chức của họ. Sự kiên quyết của Taliban trong việc duy trì sự gắn kết sẽ là thước đo hữu ích cho các nhà quan sát: bất kỳ áp lực bên ngoài hoặc những lựa chọn chính sách nào có thể làm chia rẽ hoặc làm tan rã tổ chức này đều là một “lằn ranh đỏ” không được phép vượt qua.

Thấy gì sau 4 tháng cầm quyền của Taliban? -0

Tại cuộc họp báo ở Kabul (5-10-2021), các quan chức Taliban tuyên bố sẽ bắt đầu cấp lại hộ chiếu cho công dân Afghanistan sau nhiều tháng bị trì hoãn.

Sự mơ hồ. Sự mơ hồ trong chính sách và các thông điệp công khai là một đặc trưng khác từ lâu đã gắn liền với Taliban. Bộ phận truyền thông của Taliban - kể từ ngày 15-8, liên tục ban hành các sắc lệnh đôi khi mâu thuẫn nhau - họ sử dụng hàng loạt các luận điểm bóng bẩy được tạo ra chỉ để xoa dịu dư luận quốc tế, nhưng bên cạnh đó vẫn tiếp tục tung ra những lời tán dương bạo lực và hủy diệt như một đường lối chính thống của phong trào nổi dậy này. 4 tháng sau khi nắm quyền, Taliban vẫn chưa phân định rõ ràng về quy mô, phạm vi và nhiệm vụ của nhà nước mà họ đã bắt đầu thành lập.

Điều này cho thấy Taliban vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết xung đột giữa một bên là hệ tư tưởng được luôn được xưng tụng với một mô hình cơ quan quyền lực tập trung mạnh mẽ và có sự phục tùng tuyệt đối của Emir ul-Mu'minin và một bên là thực tế của Afghanistan khi mà sự phân quyền cho các chính quyền địa phương đã tạo ra một khả năng ứng phó linh hoạt và sự mở rộng nhanh chóng của phong trào trên khắp Afghanistan, yếu tố đã đem tới chiến thắng vang dội của họ.

Hoang tưởng về các mối đe dọa. Một quan điểm dường như vẫn chiếm ưu thế trong hàng ngũ lãnh đạo của Taliban: Ám ảnh về mối đe dọa và nỗi lo lắng về những tổn thất nặng nề luôn có khả năng xảy ra trong suốt hai thập niên khi quân nổi dậy tiến hành một cuộc chiến chống lại một siêu cường quân sự vượt trội về công nghệ. Ám ảnh về mối đe dọa này khiến cho lối hành xử kiểu quân đội đã bám rễ ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều thành viên: bạo lực là phương tiện mặc định / ưa thích để giải quyết các mối đe dọa. Nhưng đặc điểm này có ý nghĩa sâu rộng đối với tương lai của chính phủ Afghanistan và cách nó tương tác với người dân.

Sự hình thành chính phủ và phong cách điều hành

Người đứng đầu chính phủ của Taliban và hàng chục bộ trưởng chủ chốt, được xem như một nội các lâm thời, đã không được chính thức nêu tên trong ba tuần, ngay cả sau khi chính phủ mới đã được tuyên bố thành lập. Có nhiều tin đồn về sự rạn nứt giữa các nhân vật có ảnh hưởng trong các cuộc bổ nhiệm và chuyến thăm Kabul vội vã của Cục trưởng Cục Tình báo Pakistan, được cho là nhằm hòa giải các phe phái. Sự cân bằng quyền lực của Taliban giữa các thành phần khác nhau, mặc dù đã được cân chỉnh cẩn thận trong nhiều năm, vẫn luôn nghiêng về phía một số phe nhóm và một số cá nhân nhất định; một số yếu tố mang tính bộ lạc nhưng những yếu tố khác thì mang tính cá nhân nhiều hơn, bắt nguồn từ mối quan hệ của họ với người sáng lập nhóm, Mohammad Omar.

Mặc dù các cuộc đấu tranh để phân bổ quyền lực chắc chắn đóng một vai trò nào đó, nhưng lý do xác đáng nhất để giải thích cho việc chậm trễ trong việc thành lập chính phủ đó là vì Taliban bị bất ngờ hay chính xác hơn là thiếu chuẩn bị cho việc tiếp quản cấp tốc một bộ máy chính quyền. Các nhân vật cấp cao của Taliban thú nhận rằng họ bất ngờ trước sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Kabul. Trong bối cảnh đó, việc Taliban quyết định thành lập một chính phủ chỉ bao gồm các nhân vật chủ chốt của Taliban là không có gì đáng ngạc nhiên, ngay cả trong bối cảnh có những lời kêu gọi dai dẳng từ các quốc gia tài trợ, các cường quốc khu vực và của xã hội dân sự Afghanistan mong muốn có một chính phủ mang “tính toàn diện” hơn.

Thấy gì sau 4 tháng cầm quyền của Taliban? -0

Người dân Afghanistan xếp hàng dài trước máy ATM ở thủ đô Kabul để chờ rút tiền mặt.

Việc thỏa hiệp và chia sẻ quyền lực với kẻ thù để tiếp cận Kabul mà không đổ máu là một đề xuất khả dĩ, nhưng chia sẻ quyền lực một cách tự nguyện, sau khi đã tiến quân thắng lợi vào thủ đô và chiếm lĩnh mọi vị trí quyền lực mà không hề bị thách thức, thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Việc tự nguyện chia sẻ quyền lực sẽ khuyến khích những suy đoán trong hàng ngũ Taliban rằng ban lãnh đạo của họ đang liên minh với các nhà lãnh đạo chính trị “tham nhũng, bù nhìn” của chế độ cũ, hoặc tệ hơn nữa là họ đang phục tùng các yêu cầu của ngoại bang.

Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của sự hình thành chính phủ của Taliban là việc giữ nguyên cơ cấu của chính phủ cũ ngoại trừ Bộ Phụ nữ được thay bằng Bộ Truyền bá và Duy trì Đạo đức. Như vậy Taliban đã ngầm chấp nhận cấu trúc của nhà nước Afghanistan hiện đại được xác định bởi chính phủ trước đây do phương Tây hậu thuẫn. Trong âm thầm, một số bộ đã triệu tập các nhà kỹ trị cũ và các chuyên gia trở lại làm việc hoặc để tham vấn bắt buộc.

Các quan chức mới được bổ nhiệm, bao gồm cả quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mullah Yaqoub (con trai của người sáng lập Omar), đã tuyên bố rằng Taliban sẽ thành lập một quân đội quốc gia độc lập, mạnh mẽ, kèm theo một loạt video về các chiến binh Taliban mặc quân phục, diễu hành với kỷ luật quân đội tại các cơ sở của chính phủ đã tiếp quản. Taliban tuyên bố họ sẽ tổ chức tái hòa nhập quân đội chính phủ cũ, nhưng trên thực tế chưa có động thái nào để minh chứng cho việc này. Một nhà báo, đang phỏng vấn các chỉ huy Taliban ở một số tỉnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10- 2021, cho biết rằng họ vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể từ lãnh đạo ở Kabul về việc họ thuộc bộ nào, Nội vụ hay Quốc phòng

Tương lai nào cho Afghanistan?

Taliban đã bước vào những tháng đầu tiên áp đặt lại quyền thống trị đối với Afghanistan khi phải đối mặt với những thách thức đáng kinh ngạc trên một số mặt trận. Họ dường như nhận thức được nhiều vấn đề và các nhà lãnh đạo của họ thậm chí hy vọng sẽ giải quyết được chúng, nhưng phong trào này thực sự không có khả năng hoặc nguồn lực cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng cấp bách nhất và có tác động rộng rãi nhất đang ngày một tới gần: sự sụp đổ kinh tế.

Những lo âu đến từ những thách thức do ISK đặt ra, những khó khăn trong việc giữ cho mọi thành phần trong phong trào của họ được gắn kết chặt chẽ, cơn phẫn nộ âm ỉ của nhiều cư dân thành thị Afghanistan đều sẽ bị lu mờ bởi những tác động của một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ khiến hơn 95% dân số Afghanistan lâm vào cảnh nghèo đói vào năm tới.

Những khó khăn chồng chất khi tài trợ nước ngoài ngừng đột ngột, tài sản lưu động đóng băng và tác động của các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác đã tạo nên một tình huống khiến Taliban không thể sống sót nổi nếu không phản bội lại cái mục tiêu cơ bản mà phong trào Taliban vẫn đeo đuổi bấy lâu nay: loại bỏ ảnh hưởng của nước ngoài khỏi Afghanistan.

Các lãnh đạo Taliban được trả lương như thế nào? Các lãnh đạo Taliban được trả lương như thế nào?

Lực lượng Taliban mới đây đã phê duyệt tiền lương cho các thành viên chính phủ, Tòa án tối cao, Văn phòng Tổng công tố, ...

Không quân Afghanistan lần đầu tập trận dưới thời Taliban Không quân Afghanistan lần đầu tập trận dưới thời Taliban

Không quân Afghanistan lần đầu tập trận dưới thời Taliban có sự tham gia của các máy bay trực thăng Mi-17 của Nga do Mỹ ...

Áp lực nào có thể tạo ra căng thẳng nội bộ trong hàng ngũ Taliban? Áp lực nào có thể tạo ra căng thẳng nội bộ trong hàng ngũ Taliban?

Trong những ngày gần đây, có khá nhiều thông tin về tranh chấp trong nội bộ Taliban khi chính phủ lâm thời bắt đầu hình ...

/ antg.cand.com.vn