Làm thế nào để người dân “yêu” những con tàu? Điều đáng suy nghĩ chính là chất lượng và các dịch vụ thông tin, giải trí trên tàu.
Tàu hỏa hoàn toàn có thể cạnh tranh được với máy bay nếu như chất lượng đường sắt tốt hơn chút nữa, tốc độ chạy tàu cao hơn chút nữa |
Lâu nay, dường như tôi chưa hề được nghe thông tin tích cực nào của ngành đường sắt. Vắng khách và thua lỗ - đó là những từ hay được nghe thấy nhất.
Vậy có lối thoát nào cho ngành đường sắt không nhỉ? Tôi nghĩ là có!
Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác...
Có lẽ nếu không bị trận ốm và bác sĩ cấm đi máy bay trong nửa tháng thì chắc tôi cũng chẳng ra ga Sài Gòn để mua vé tàu Thống Nhất S4 về Hà Nội.
Giá vé hoàn toàn không rẻ, nếu như không nói là còn đắt hơn vé máy bay đang khuyến mại rầm rộ. Nhưng giá vé tàu hỏa đắt bằng, thậm chí cao hơn giá vé máy bay trên cùng một khoảng cách là điều rất bình thường ở các nước có hệ thống đường sắt phát triển.
Nếu tôi nhớ không nhầm, tôi đã không đi tàu Bắc - Nam từ năm 1994.
“Tàu hỏa hoàn toàn có thể cạnh tranh được với máy bay nếu như chất lượng đường sắt tốt hơn chút nữa, tốc độ chạy tàu cao hơn chút nữa và đặc biệt, phải xây dựng được đội ngũ nhân viên phục vụ mang phong cách như… “tiếp viên hàng không”."
Nguyễn Như Phong |
Tôi đến ga Sài Gòn trước nửa giờ tàu chạy và thấy chẳng có gì là “nhà ga” cả, bởi không có sự ồn ào, náo nhiệt; không thấy có chen lấn, không có cảnh xếp hàng… Tự dưng thấy nhớ nao nao cái ngày xửa ngày xưa ấy: Mua được vé tàu là mất ngày, mất buổi xếp hàng, rồi ròng rã ba ngày, ba đêm để đi từ Hà Nội vào tới Sài Gòn. Lần nào mua được vé tàu nằm, lại chạy có 48 giờ thì mừng quá là mừng… Nói về nỗi khổ của đi tàu Thống Nhất thời xưa đó thì chắc mất nhiều trang giấy… Nhưng nhớ chuyện cũ để thấy ngành đường sắt hôm nay cũng đã đổi mới thế nào.
Tôi lên tàu về khoang giường nằm của mình và thực sự ngỡ ngàng bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp và sang trọng chả thua kém gì tàu nhanh mà tôi được đi ở Pháp, Đức… Tranh thủ lúc tàu chưa chạy, tôi đi “thám thính” và đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Các toa đều có cửa bán tự động; phòng vệ sinh khá sạch và chất thải được hút như… trên máy bay; phòng rửa mặt, đánh răng cũng rất đẹp, sạch sẽ…
Tàu chạy đúng giờ đến từng giây và tuyệt nhiên không có tiếng loa nói như quát vào tai “Đoàn tàu… sắp sửa rời ga…”
Tàu chạy, tốc độ có lúc lên hơn 70Km/h. Nhưng có lẽ chất lượng đường sắt hình như tệ hơn ngày xưa… vì bị lúc lắc ghê quá. Có lúc tưởng muốn văng xuống giường.
Thỉnh thoảng, cánh cửa lại bị mở và tiếng nhân viên nói như hét: “Cháo gà… Có ăn cháo gà không?”; Rồi có khi lại nghe “Chôm chôm, nho tím đây...”.
Lạ thật, suốt cả ngày hôm sau, tôi chưa thấy có ai gõ cửa trước khi mời chào mua đồ ăn, mua bánh kẹo, hoa quả. Và tuyệt nhiên tôi không thấy nụ cười nào hoặc một câu chào hỏi niềm nở… Tôi chỉ thấy những gương mặt lầm lũi, khắc khổ và có vẻ cam chịu bởi sự nhọc nhằn, vất vả và chắc chắn là cả vì đồng lương thấp kém.
Làm thế nào để người dân “yêu” những con tàu
Tôi lặng lẽ quan sát, để ý từng chi tiết nhỏ và phát hiện ra một điều là: Tại sao người dân không mặn mà với tàu hỏa nữa? Có phải vì tàu chạy chậm không? Có phải ngành đường sắt đã quá lạc hậu không?
Đúng là đường sắt của ta quá lạc hậu thật sự. Bởi lẽ, hình như không còn mấy quốc gia sử dụng loại đường ray khổ hẹp như Việt Nam. Đã thế, chất lượng đường sắt cũng rất kém… Đi tàu hỏa mà “xóc” hơn đi ô tô là điều không thể chấp nhận được.
Tôi không hiểu để làm cho đường sắt thật bằng phẳng, đi tàu không bị nhồi như đi thuyền trên biển thì có khó lắm không? Có đòi hỏi công nghệ quá cao siêu hay không? Và tại sao khe hở hai thanh ray lại lớn thế… Chả lẽ không có cách nào làm giảm khe hở giữa hai thanh ray được ư?
Đã thế, khách đi tàu cũng chỉ được mang hành lý nhỉnh hơn đi máy bay tý chút? Nghĩa là được 20kg. Theo tôi, đây là điều vô lý. Nên chăng, học như nước ngoài, mỗi toa tàu có một buồng chứa đồ riêng. Hành khách nào có nhiều đồ thì gửi vào đó.
Nhưng điều đáng suy nghĩ nhất trên tàu chính là: Không có dịch vụ thông tin, giải trí.
Tàu cứ đi vun vút, nhưng không biết sắp tới là đến tỉnh nào? Muốn biết phải đi ra ngoài xem đồng hồ điện tử. Nhưng cũng chỉ nói tên ga mà không chỉ ra địa danh. Thi thoảng mới thấy có tý chút thông tin. Ví dụ như đi tới ga Đồng Hới thì có vài ba phút giới thiệu trên loa về Quảng Bình và có bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”…
Tại sao trên tàu không có một cuốn tạp chí giới thiệu các địa danh nổi tiếng tàu sẽ đi qua?
Tại sao không có tạp chí của ngành đường sắt… Và nếu những toa VIP, có thêm màn hình TV, có mạng wifi thì chắc chắn sẽ làm khách hài lòng hơn.
Về dịch vụ ăn uống, chất lượng không đến nỗi nào, giá cả cũng hợp lý, nhưng quá ít món… đặc biệt là không có những món ăn mang tính “đặc sản” để giới thiệu với du khách.
Và cuối cùng, đó là chất lượng đội ngũ phục vụ trên tàu rất xoàng.
Hình như họ không được dạy về chào hỏi, về quy tắc lễ nghi, về cách tiếp đón khách hoặc chăm sóc khách đi tàu. Mà nghe nói ngành đường sắt có trường dạy lái tàu, nhưng không có trường dạy tiếp viên. Nếu đúng vậy thì đây thực sự là một thiếu sót cực kỳ lớn của ngành đường sắt.
Đi tàu, có những cái thú mà đi máy bay không thể có được. Thời gian trên tàu là thời gian được nghỉ ngơi, được đi du lịch, được mở rộng tầm mắt, được nạp thêm kiến thức về địa lý, thiên nhiên, xã hội.
Còn như ai đó cứ đòi hỏi phải có tàu nhanh, phải có đường sắt hiện đại thì mới có thể lôi kéo được hành khách thì xem ra thật đúng và phù hợp với hoàn cảnh của ngành đường sắt hiện nay.
Hy vọng lãnh đạo ngành đường sắt sớm có biện pháp, làm thế nào để người dân “yêu” những con tàu.