Tăng mạnh ca bệnh tay chân miệng nặng

Tại miền Bắc đã ghi nhận hơn 1.200 ca bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong đó, chủng virus EV71 gây bệnh rất nặng, khiến nhiều trẻ vào viện đã ở mức độ 3, biến chứng viêm màng não, nguy kịch.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 20 tỉnh phía Nam vào sáng 23/6 cho biết, dịch tay chân miệng đang tăng rất mạnh tại phía Nam (tăng 23%) và đã có nhiều ca tử vong. Trong khi đó, nguồn cung ứng một số loại thuốc đặc trị đang gặp khó khăn do khan hiếm toàn cầu, khiến nhiều bệnh viện lo lắng.

Nhiều trẻ biến chứng thần kinh do nhiễm chủng EV71

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, trong số hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, đã có gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 20-30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

12-1687654568345
Trẻ bị tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus (A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời".

Vào viện trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt phỏng ở tay chân và miệng, giật mình nhiều khi ngủ, cháu T.A.N (hơn 2 tuổi, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc tay chân miệng, có biến chứng viêm não. Theo người nhà của bệnh nhi, đầu năm cháu đã mắc tay chân miệng một lần nhưng biểu hiện nhẹ hơn, chỉ điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Lần này mắc lại, cho rằng con không bị nặng, nên vẫn để bé ở nhà. Khi có dấu hiệu chuyển nặng, gia đình mới đưa đến bệnh viện. May mắn cho cháu bé, do đến viện kịp thời, nên hiện tại cháu đã tỉnh táo và sắp được ra viện.

Tương tự, bé N.M.Q (12 tháng, Vĩnh Phúc) trước khi nhập viện 2 ngày có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Khi trẻ bắt đầu giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì được chẩn đoán mắc tay chân miệng chủng virus EV71, có biến chứng viêm não.

ThS.BS Đỗ Thị Thuý Nga, Phó trưởng Khoa Nội Tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: "Có 2 biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay, Khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não".

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần phải nhận biết dấu hiệu chuyển nặng của con để nhanh chóng đưa đến bệnh viện như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ…; giật mình nhiều (2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Tìm biện pháp thay thế nếu thiếu thuốc

Trong khi các ca mắc tay chân miệng đang tăng mạnh trong 3 tuần gần đây, nhiều bệnh viện ở phía Nam lo ngại thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân nặng. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã trực tiếp giám sát công tác phòng chống tại đây. Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng với 20 tỉnh khu vực phía Nam vào sáng 23/6, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh tay chân miệng đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng EV71, 2 trường hợp tử vong khác. Hiện số ca thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế.

Vào chiều 22/6, báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, điều đáng lo ngại là nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng như lmmunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm toàn cầu. Đầu tháng 6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và hiện đã có một số thuốc đang chờ kiểm nghiệm, dự kiến trong thời gian tới sẽ có khoảng 4.000 lọ lmmunoglobulin để phân phối đến các bệnh viện. Nếu trong trường hợp lmmunoglobulin bị hạn chế thì dựa vào ý kiến chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành TP sẽ siết chặt hơn các giai đoạn điều trị. Việc nhận biết các dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị sớm là rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay một số loại thuốc điều trị bệnh tay chân miệng phụ thuộc vào nguồn sinh phẩm, vùng nguyên liệu cũng như yêu cầu ngặt nghèo trong quá trình sản xuất, nên phải dự tính được nhu cầu trước để có thể đặt hàng. Vì vậy, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các cơ sở khám chữa bệnh có thể dự báo được nhu cầu sử dụng của các loại thuốc, để phối hợp với các đơn vị cung ứng, sắp xếp nhập thuốc theo số lượng phù hợp. Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế về dược để quản lý và sử dụng tốt hơn, không để xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu thuốc trong điều trị.

Để xử lý vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, các bệnh viện cần dự kiến nhu cầu thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh mới nổi để ngành y tế địa phương kết nối các nhà cung ứng, chủ động lập kế hoạch nhập khẩu. Các bệnh viện cần cập nhật tình trạng thuốc hiện tại, Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn cụ thể, trước mắt có thể dùng những thuốc thay thế khác.

Trong bối cảnh nguồn cung một số thuốc đặc trị cho các ca bệnh nặng khan hiếm, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, đây là bệnh chuyển biến nhanh, khó lường, nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng mà tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Trần Hằng / CAND