Tầng lớp trung lưu

Hơn nửa thế kỷ trước, ông ngoại tôi bị kiểm soát gắt gao vì mở trường học tư. Ông cuối cùng buộc phải đóng cửa trường.

Hơn nửa thế kỷ trước, ông ngoại tôi bị kiểm soát gắt gao vì mở trường học tư. Ông cuối cùng buộc phải đóng cửa trường.

Ông là Nguyễn Hữu Lương, một trong số ít giáo sư toán ở Hà Nội trước năm 1950. Trường tư thục Trần Quốc Tuấn ông mở ra là một trong số ít trường tư của người Việt thời đó. Ông cũng là một trong những trí thức đầu tiên biên soạn sách toán phổ thông bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt cho dễ hiểu, gần gũi với học sinh Việt Nam. Các cuốn sách giáo khoa đó được dùng phổ biến, được những nhà xuất bản lớn như Khai Trí phát hành trên cả nước, tái bản hơn hai mươi lần.

Thế nhưng hoạt động giáo dục của ông tôi bị kiểm soát và hạn chế gắt gao, vì không được phép có trường tư và vì học sinh chỉ được học một bộ sách giáo khoa duy nhất của nhà nước. "Tư nhân" trong tư duy của chính quyền khi ấy vẫn là một cụm từ rất đáng e dè. Cuối cùng, đến giữa thập niên 1950, bị gây khó khăn, ông tôi buộc phải đóng cửa trường trong nuối tiếc của nhiều thế hệ học trò. Sau này, ông vẫn nói với chúng tôi rằng nếu được mở trường tiếp, ông còn có thể viết thêm được nhiều sách và dạy thêm được nhiều học trò hơn.

Không phải mình ông tôi bị lao đao thời kỳ lịch sử đó. Nhiều nơi ở nông thôn, cuộc cải cách ruộng đất đã gần như xóa xổ tầng lớp trung lưu hay "địa chủ", dẫn tới sự thiệt hại lớn về kinh tế và nhân lực, niềm tin cho cả đất nước những năm sau này.

Chúng ta đã có những ngộ nhận đáng tiếc về vai trò tích cực của tầng lớp trung lưu như chuyện của ông tôi. Trong quá khứ, đã có những lúc "cái mác tiểu tư sản" bị gắn vô tội vạ vào sơ yếu lý lịch, làm ảnh hưởng tới sự nghiệp, học vấn của nhiều người.

Trong một chuyến công tác về Việt Nam gần đây, tôi đi cùng giáo sư hướng dẫn luận án tiến sỹ của mình. Ông là người Mỹ, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực kinh tế phát triển, rất yêu Việt Nam và đã nghiên cứu về Việt Nam trong vài thập kỷ qua. Mỗi khi chúng tôi gặp nhau, ông rất thích kể đi kể lại một chuyện đến mức tôi gần thuộc lòng.

Ông bảo, hơn 30 năm trước, lúc ông đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM để làm việc với các cơ quan chính phủ trong các dự án xóa giảm đói nghèo, đường phố vắng vẻ hơn nhiều so với bây giờ. Trên đường chỉ có xe đạp là chính, gần như không có ô tô, taxi, chẳng mấy ngã tư có đèn xanh đèn đỏ. Việt Nam hồi ấy cũng hoàn toàn vắng bóng các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại nhộn nhịp và không nhiều tiệm ăn ngon. Còn bây giờ, ông bị choáng ngợp trước những thay đổi. "Thầy thấy nhiều người ở Việt Nam còn giàu hơn thầy rất nhiều", ông chân thành nói.

Tôi hiểu cảm xúc của ông. Sự "giàu hơn" của nhiều người Việt sau ba chục năm qua mà giáo sư chứng kiến là một lát cắt trong quá trình đất nước tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới với hơn một nửa dân số sống dưới chuẩn nghèo đầu thập kỷ 1990 đã nhanh chóng giảm nghèo, hiện chỉ còn dưới 10%.

Tăng trưởng kinh tế đã dần dần hình thành rõ nét hơn tầng lớp trung lưu. Theo định nghĩa: mỗi người trong một gia đình trung lưu chi tiêu ít nhất 15 USD một ngày - khoảng 450 USD mỗi tháng, báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới ước tính có khoảng 10% dân số Việt Nam thuộc nhóm trung lưu vào năm 2015. Một số ước tính mới hơn cho rằng hiện con số này vào khoảng 15%. Chỉ nhìn những người quen của tôi ở Hà Nội. Cách đây 30 năm, họ cũng có mức sống khiêm tốn giống gia đình tôi, thì nay có lối sống khá giống với một gia đình trung lưu ở Mỹ. Ví dụ, họ sẵn sàng mua thực phẩm và hàng hóa chất lượng tốt với giá thậm chí cao hơn mặt bằng ở Mỹ, đặt hàng hiệu từ nước ngoài chuyển về, chi trả tới nghìn USD mỗi tháng cho việc học của con, thường xuyên du lịch nước ngoài.

Đây là tin vui. Các kinh tế gia đều thống nhất rằng tầng lớp trung lưu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhóm này thúc đẩy sức cầu nhờ tiêu dùng lớn, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội và giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Giai cấp trung lưu cũng đầu tư vào giáo dục nhiều hơn, lại thường sinh ít con hơn nên chất lượng giáo dục của thế hệ tương lai được cải thiện. Giai cấp trung lưu càng lớn càng tạo ra nhiều động lực cho quốc gia về văn hóa, thu nhập, kinh tế và tri thức, giúp nâng cao mặt bằng dân trí.

Nhìn lại lịch sử của chúng ta, không thể phủ nhận những đóng góp của tầng lớp trung lưu về kinh tế, văn hóa và xã hội. Ngay từ thời Pháp thuộc, các hội nhóm trí thức "tiểu tư sản" như Tự lực văn đoàn đã góp phần cải cách xã hội, đẩy lùi các thói hư tật xấu cổ hủ và giúp phát triển tiếng Việt. Khi Việt Nam giành lại độc lập từ Pháp, những trí thức đi đầu trong xây dựng đất nước như chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, bác sĩ Tôn Thất Tùng hay đại tướng Võ Nguyên Giáp đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Cho đến nay, chúng ta có nhiều trí thức, nghệ sỹ lớn cũng xuất thân từ các gia đình có nền tảng học vấn cao, kinh tế khá giả.

Nhìn vào chính sách của các quốc gia phát triển, tầng lớp trung lưu được đặt vào trung tâm của nền kinh tế, được động viên và khuyến khích, bởi họ kéo các nhóm khác tiến lên. Nếu còn quan niệm cho rằng nhóm trung lưu gia tăng sẽ gây chia rẽ, bất bình đẳng trong xã hội là rất không hợp thời.

Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam hiện nay chủ yếu bao gồm nhà quản lý, cán bộ nhà nước cấp trung và cao, người làm công việc có trình độ cao (bác sỹ, kỹ sư, luật sư), nhân viên công ty, tổ chức nước ngoài, đặc biệt nhóm doanh nhân đang tăng nhanh bao gồm cả tiểu thương buôn bán nhỏ. Tức đa số họ đều phải nỗ lực để có thành quả mới có thể gia nhập tầng lớp trung lưu. Theo Ngân hàng thế giới, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước giàu hơn trong khu vực như Malaysia với 66%, Thái Lan với 35% hay Trung Quốc với 19%. Nhưng theo quy luật phát triển, nhóm này đang tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam, có thể tới trên 20% trong tương lai gần.

Thủ tướng chính phủ gần đây đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu trong vòng 10 năm tới. Tôi cho rằng đây là một quan điểm tích cực. Như tôi đã viết, nền kinh tế sẽ vận hành hiệu quả nếu chúng ta chấp nhận sự bất bình đẳng về kết quả, và một trong các kết quả đó là sự phân chia tầng lớp kinh tế. Cái mà chúng ta cần giảm để tránh bóp méo nền kinh tế hay gây bất an xã hội là sự bất bình đẳng cơ hội.

Kêu gọi của Thủ tướng có lẽ cần thêm hành động, các chính sách quản lý hợp lý để khuyến khích mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể phát huy hết tiềm năng để cải thiện cuộc sống của chính họ và đóng góp tối đa cho xã hội. Tôi hy vọng đó là một ưu tiên của chính sách quốc gia trong năm mới.

Đặng Hoàng Hải Anh

tang lop trung luu Nỗi lo của giới trung lưu Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
tang lop trung luu \'Cơn sốt\' trung lưu Việt
/ vnexpress.net