Sự gian dối, tham nhũng, kiếm tiền trên lưng người bệnh, làm kiệt quệ ngân sách Nhà nước vốn đang phải tập trung cứu dân khỏi thảm họa dịch bệnh là tội ác khó dung.
Trong lúc tin tức về dịch COVID-19 vẫn nóng với 15 - 16 nghìn ca mắc mới mỗi ngày, dư luận sững sờ khi công an khởi tố “Đại gia thiết bị y tế” Phan Quốc Việt (CEO công ty Việt Á), Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến do cấu kết “thổi” giá kit test COVID lên cao hơn nhiều lần so với giá thành. Nhưng Việt Á không chỉ bán kit test này cho mỗi Hải Dương. Công ty đã cung ứng sản phẩm cho CDC và các cơ sở y tế của 62 tỉnh thành. Theo khảo sát của báo Tuổi Trẻ, còn nhiều nơi mua kit test của Việt Á với giá bằng hoặc cao hơn mức 470.000 đồng/test PCR mà Hải Dương đã mua, chẳng hạn như Nam Định mua 13.536 bộ với giá 509.250 đồng/bộ.
Phan Quốc Việt và bộ kit test COVID-19 của Việt Á. |
Với tổng trị giá hợp đồng của Việt Á và CDC Hải Dương là 115 tỷ đồng, số tiền phần trăm chi cho Giám đốc CDC Hải Dương đã là 30 tỷ. Điều này đủ thấy giá bộ test đã bị thổi lên quá nhiều so với giá trị thực thế nào. Trong doanh thu gần 4.000 tỷ đồng từ kit test COVID-19 của Việt Á, có mấy nghìn tỷ là tiền ăn chặn, trấn lột từ người dân đang kiệt quệ vì mấy năm dịch bệnh, từ ngân sách Nhà nước đang như núi lở vì kinh phí chống dịch?
Trong khi những kẻ thổi giá kit xét nghiệm trở thành đại gia, nhiều công nhân một nhà máy ở Bình Dương đang trở nên bần cùng khi đồng lương ít ỏi của họ bị trừ hết cho chi phí xét nghiệm. Họ phải trả từ 1,3 đến 1,9 triệu đồng cho một lần xét nghiệm COVID-19 ở công ty, nhiều người phải test vài ba lần. Chưa rõ bộ test họ sử dụng được mua từ đâu, có phải họ bị ăn chặn 2 lần bởi cả nhà cung cấp lẫn công ty hay không, chỉ thấy rằng thổi giá vật tư, thiết bị y tế để kiếm tiền trên bệnh tật và nỗi khổ của người khác không còn là chuyện cá biệt.
Trước đó, dư luận đã nhiều lần sôi sục vì những vụ việc tương tự. Cuối năm 2020, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm đã bị tuyên án 10 năm tù do đơn vị này mua hệ thống Realtime PCR tự động để xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 với giá hơn gấp 3 lần giá nhập, theo hình thức chỉ định thầu. Chiếc máy nhập về Việt Nam với giá hơn 2 tỷ đồng đã được CDC Hà Nội trả hơn 7 tỷ đồng để mua, do động cơ vụ lợi của giám đốc và những người liên quan.
Cũng trong năm ngoái, một chuyện động trời tương tự được phanh phui: Máy robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật sọ não sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bị thổi giá từ 7,6 tỷ đồng lên thành 39 tỷ đồng. Những con người khốn khổ mắc bệnh hiểm nghèo đến đây điều trị bị ăn cướp 19 triệu đồng cho mỗi ca mổ (họ phải trả 23 triệu đồng thay vì 4 triệu). Điều này diễn ra suốt 7 năm trời.
Một vụ nâng khống giá thiết bị y tế khác cũng bị khui ra ở Hà Tĩnh vào năm 2020, khiến hàng loạt giám đốc bệnh viện và lãnh đạo công ty bị khởi tố vào đầu năm nay. Được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua máy giặt, máy sấy phục vụ việc giặt giũ, chăm sóc bệnh nhân, cả 5 bệnh viện đa khoa huyện (Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn và Nghi Xuân) đều mua hàng của Công ty Cổ phần Đầu tư Trang thiết bị Y tế Hà Tĩnh. Mặc dù tổng giá sau thuế của cặp máy này chỉ hơn 587 triệu đồng nhưng ngân sách tỉnh đã phải chi 2,5 tỷ đến 3 tỷ đồng cho đơn hàng của mỗi bệnh viện.
Có quá nhiều vụ "ăn trên xương máu người bệnh" được phát hiện chỉ trong một thời gian ngắn. Khoản lợi nhuận bất chính được kiếm quá dễ dàng khiến người ta trở nên thất đức. Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, hành vi của những kẻ đó càng thể hiện sự táng tận lương tâm, độc ác, khốn nạn tột cùng. Nó như một cái tát dành cho nỗ lực của cả cộng đồng chung tay góp sức trong cuộc chiến chống “giặc” COVID. Nó là sự xúc phạm các y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an, các tình nguyện viên và lực lượng chống dịch mấy năm trời không nghỉ, hy sinh cuộc sống riêng tư, sức khỏe và tính mạng bản thân. Nó là sự nhạo báng độc ác dành cho những shipper, người lao động phải cắn răng chi tiền xét nghiệm, trích từ nguồn thu ít ỏi của mình, để được phép hành nghề mưu sinh, hay những bệnh nhân phải bán cả gia tài để được chữa bệnh hiểm nghèo bằng dụng cụ, máy móc tân tiến nhất...
Pháp luật đã thể hiện sự nghiêm minh khi y án 10 năm tù cho Nguyễn Nhật Cảm trong phiên tòa xử phúc thẩm. Liên quan đến vụ "thổi" giá robot phẫu thuật sọ não ở Bệnh viện Bạch Mai, 3 cựu lãnh đạo bệnh viện đã bị bắt giam để điều tra. Công an Hà Tĩnh cũng khởi tố thêm những kẻ liên quan đến vụ nâng khống giá máy móc ở 5 bệnh viện huyện. Với vụ kit test COVID-19 của công ty Việt Á, mong rằng cơ quan điều tra nhanh chóng, quyết liệt đi đến cùng, tiếp tục khui ra những kẻ bắt tay cấu kết với Phan Quốc Việt ở nhiều địa phương khác.
Tất cả những kẻ đó cần phải nhận hình phạt thật xứng đáng. Gian dối, tham nhũng đã là tội nặng, nhưng gian dối, tham nhũng để kiếm tiền trên lưng người bệnh, để làm kiệt quệ ngân sách Nhà nước vốn đang phải tập trung để cứu dân khỏi thảm họa dịch bệnh, là tội ác khó dung.