Đảm bảo sự ổn định chiến lược tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là mục tiêu tiên quyết trong việc thành lập AUKUS, một cơ chế đối tác an ninh 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ vừa được chính thức ra mắt.
Theo giới chuyên gia, sự ra đời “lịch sử” của tam giác AUKUS có tính răn đe lớn đối với những bên có tham vọng bành trướng và hành động gây hấn, khiêu khích tại khu vực quan trọng này.
Sáng 16/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu chung, trực tiếp thông báo về việc các nước này thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS, nhằm cùng nhau nâng cao năng lực an ninh và quốc phòng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Gọi đây là dấu mốc lịch sử, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của yêu cầu đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực năng động này trong dài hạn. Tương lai của chúng ta và thế giới phụ thuộc vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch và quan trọng bậc nhất thế giới”.
Đồng tình với quan điểm của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Scott Morrison còn cho rằng, mục tiêu đảm bảo sự ổn định đặt ra rất nhiều thách thức nên việc nâng cấp quan hệ an ninh 3 bên là điều tất yếu. Tuy nhiên, AUKUS sẽ mang lại lợi ích cho tất cả bởi cơ chế này “gắn kết và không loại trừ, đóng góp và không chiếm đoạt, cho phép và trao quyền, không kiểm soát hoặc ép buộc”.
Ông Morrison mô tả đây là mối quan hệ đối tác thế hệ tiếp theo, được xây dựng trên nền tảng vững chắc của sự tin tưởng đã được chứng minh. Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson tái khẳng định nhiều lần, rằng khi 3 bên có chung mục tiêu và đều bày tỏ mong muốn được góp sức, thì khoảng cách địa lý sẽ không ngăn nổi quyết tâm của họ.
Cụ thể, The Guardian dẫn tuyên bố chung của AUKUS nêu rõ, liên minh sẽ đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin và công nghệ với nhau, thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở nghiên cứu và chuỗi cung ứng an ninh và quốc phòng. Theo đó, kế hoạch đầu tiên của AUKUS là tập hợp các tướng lĩnh hải quân và chuyên gia kỹ thuật đến từ 3 quốc gia thành viên. Họ sẽ làm việc chung trong vòng 18 tháng để chuyển cho Australia công nghệ nguyên tử phát triển tàu ngầm hạt nhân, đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng lại có năng lực hạt nhân trên biển.
Giới phân tích chính trị thế giới đánh giá, công nghệ này sẽ cho phép các tàu ngầm của Australia cải thiện năng lực tác chiến trong khu vực. Charles Edel, chuyên gia về các vấn đề an ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương phân tích: “Dù AUKUS khẳng định tàu ngầm của Australia sẽ chỉ có động cơ đẩy là áp dụng công nghệ nguyên tử, nhưng chỉ như vậy thôi cũng đủ để tạo nên lợi thế chiến thuật đáng kể như thời lượng hoạt động lâu hơn, có khả năng duy trì hoạt động ở vùng nước sâu, giảm tiếng ồn nên khó bị phát hiện”.
Bà Jennifer Moroney, chuyên gia hợp tác về an ninh tại Australia thì cho rằng, dù không nhắc tới Trung Quốc, nhưng AUKUS dường như được thành lập để đối trọng với Bắc Kinh. Việc Trung Quốc mở rộng phạm vi tiếp cận trong khu vực đã thúc đẩy các khoản đầu tư quân sự mới đối với một quốc gia có ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ như Australia. Một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết, công nghệ này “cực kỳ nhạy cảm” và Nhà Trắng coi thỏa thuận với Australia là “ngoại lệ”.
Trước đó, Mỹ từng chia sẻ một lần duy nhất năng lực tàu ngầm hạt nhân với Anh hồi năm 1958 để phát triển hạm đội nước này. Hiện chưa rõ sẽ có bao nhiêu tàu ngầm được chế tạo và Australia có thể bắt đầu vận hành chúng vào lúc nào. Quá trình phát triển các tàu ngầm sẽ mất nhiều năm và đây là một công việc đầy thách thức. Mặc dù Australia là nước sản xuất urani hàng đầu thế giới nhưng nước này chưa bao giờ vận hành các nhà máy điện hạt nhân.
Cùng ngày, khi được yêu cầu bình luận về sự hình thành khối liên minh an ninh này, Liu Pengyu, Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington cho rằng: “Không nên xây dựng một khối liên minh nhằm vào hoặc gây tổn hại cho lợi ích của các bên thứ ba”. Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Pháp Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định, việc Australia hủy bỏ hợp đồng ngầm trị giá 90 tỷ USD với tập đoàn Naval Group của Pháp trái với "nghị định thư và tinh thần hợp tác giữa" Canberra và Paris.
Ngoài vấn đề tàu ngầm, tuyên bố mới của ông Le Drian và ông Florence Parly cũng nhấn mạnh việc Mỹ loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi cấu trúc an ninh với Australia vào thời điểm Paris đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hết sức đáng tiếc.
EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hôm 16/9, Liên minh châu Âu chính thức công bố chiến lược mới nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, chính trị và quốc phòng ... |
AUKUS - Gọng kìm mới siết Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Mỹ, Anh, Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh lịch sử nhằm tăng cường năng lực quân sự ở Ấn Độ - Thái ... |
Trung Quốc: Trung tâm bất ổn tại Ấn Độ - Thái Bình Dương
Nhìn bao quát khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ thấy Trung Quốc là tâm điểm của nhiều vấn đề tiềm ẩn các ... |