Cùng với các mức chế tài phạt nặng và xử nghiêm đối với các đối tượng điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu năm 2020 cũng quy định các mức chế tài đối với những hành vi như lái xe máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính)…
Trên thực tế, việc sử dụng điện thoại khi lái xe hiện đang xảy ra khá phổ biến đối với các tài xế xe ôm công nghệ.
Các tài xế này, nhiều người gắn hẳn chiếc điện thoại vào tay lái để dễ dàng dùng mắt theo dõi bản đồ khi đang trong hành trình, hoặc thỉnh thoảng còn dùng ngón tay (khi đó chỉ còn 1 tay cầm lái) zoom màn hình và chạm để kéo qua trái/phải, trên/dưới để xem đích đến đón khách và trả khách.
Vậy các tình huống trên thì tài xế xe ôm công nghệ có đang sử dụng điện thoại là hành vi bị cấm và bị chế tài theo Nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP hay không?
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật Gia TPHCM - quy định của luật là đã dùng điện thoại di động thì phải dừng xe. Còn nếu đang di chuyển mà vẫn sử dụng điện thoại di động, thứ nhất là có thể không làm chủ được tốc độ, thứ hai là không bảo đảm an toàn giao thông đặc biệt là khi có chở khách.
Khi mắt phải theo dõi trên màn hình điện thoại, theo luật sư Hậu, tài xế sẽ khó mà quan sát một cách bao quát và đầy đủ xung quanh trong khi ở phía trước có thể có rất nhiều người xe đông đúc, rất dễ dẫn đến tai nạn.
Trường hợp sử dụng ngón tay để zoom màn hình điện thoại hay kéo màn hình theo các chiều, luật sư Hậu cho rằng đó là lỗi vi phạm đã quá rõ ràng.
Theo nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước, việc tài xế đang lái xe mà cứ nhìn vào màn hình điện thoại có thể là hành vi vi phạm nghiêm trọng và cũng có thể còn dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng vì người lái xe lúc đó không thể quan sát được phía trước và xung quanh.
Tài xế xe ôm công nghệ nhìn vào điện thoại trong lúc đường phía trước đông đúc xe cộ. Ảnh: PK |
Mức phạt đối với hành vi lái xe sử dụng điện thoại khi đang lưu thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. |
So với tài xế xe ôm công nghệ thì các tài xế taxi công nghệ ngồi trong xe ôtô, việc nhìn hoặc dùng tay để chạm vào điện thoại khó bị quan sát hơn. Tuy nhiên, đó vẫn là hành vi vi phạm.
Chính vì thế, luật sư Hậu cho rằng, các doanh nghiệp đang vận hành ứng dụng gọi xe cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tài xế, là đã sử dụng điện thoại dù bằng tay, mắt hay tai đều nên dừng xe và tắp vào lề để bảo đảm an toàn.
Theo Nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi vi phạm sử dụng điện thoại khi lái xe, đối với xe máy là từ 600.000-1 triệu đồng, còn đối với ôtô là từ 1-2 triệu đồng.
Các tài xế xe ôm công nghệ, nếu để bị dính mức phạt như thế, chắc chắn toi công lao động kiếm tiền trong ít nhất cũng vài ngày đến cả tuần.
Trao đổi với chúng tôi, người phụ trách truyền thông của Go-Viet cho biết, tới thời điểm này chưa nắm được thông tin có trường hợp tài xế Go-Bike nào bị phạt vì sử dụng điện thoại trong lúc lái xe hay không. Còn phía Grab thì cho biết đang kiểm tra thông tin.
Theo thống kê chưa chính thức, đội ngũ tài xế xe công nghệ phải luôn “ôm điện thoại” để hành nghề hiện nay là rất lớn, khoảng trên dưới 400.000 người. Trong đó, một tỉ lệ không nhỏ vẫn sử dụng điện thoại ở mức độ thấp khi đang trên hành trình đón và trả khách.
Thế Lâm