Tái thiết Làng Nủ - Một nhiệm vụ cấp bách

Chiều muộn ngày 12/9, sau một hành trình dài đi kiểm tra, thị sát các vùng thiên tai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có mặt tại Làng Nủ. Chứng kiến những mất mát của người dân, người đứng đầu Chính phủ bật khóc, rồi ngay lập tức ra chỉ thị: Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của chính quyền Lào Cai đối với vùng tâm lũ là sớm ổn định đời sống người dân, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Và quan trọng nhất là tái thiết cuộc sống người dân Làng Nủ sau lũ.

Đảm bảo an toàn, ổn định lâu dài cho bà con là ưu tiên hàng đầu

Anh Hoàng Văn Voi (35 tuổi), là một trong số những người dân Làng Nủ trực tiếp được Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện thăm hỏi, động viên. Gia đình anh có 5 người thì vợ và con trai đã không còn nữa, còn mẹ và con gái anh bị thương nặng phải cấp cứu. Là người thay mặt bà con Làng Nủ nói lên tâm tư nguyện vọng với Thủ tướng, anh Voi cho biết, sau trận lũ dữ, bà con đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thức ăn, quần áo đầy đủ và lo hậu sự cho người thân. Tuy nhiên, hiện giờ nhiều gia đình không còn gì nữa, mong Nhà nước giúp đỡ về đất đai, nhà cửa an toàn. Chứng kiến những đau thương, mất mát của người dân Làng Nủ, người đứng đầu Chính phủ đã bật khóc.

lang_nu-1726615959638.jpg
Làng Nủ hoang tàn sau trận lũ dữ.

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chính quyền tỉnh Lào Cai khẩn trương khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn với sự tham gia ý kiến khoa học của các cơ quan chuyên môn, để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất 31/12 phải hoàn thành, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời lo công ăn, việc làm, sinh kế, bố trí đất sản xuất để người dân sớm ổn định cuộc sống. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chậm nhất đến ngày 31/12, người dân còn sống ở Làng Nủ phải có chỗ ở, nơi sinh sống ổn định, có điện nước, khu vui chơi, cây xanh… đảm bảo môi trường sống an toàn lành mạnh. Việc này giao cho tỉnh, cấp ủy, chính quyền, vướng mắc gì cần báo cáo Chính phủ ngay”. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài và an toàn cho người dân sau thảm họa thiên tai.

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, về lâu dài, tỉnh xác định dành quỹ đất khoảng 20ha để tái thiết cuộc sống cho người dân. Ngay trong chiều 12/9, vào thời điểm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn vẫn đang diễn ra, một nhóm cán bộ kỹ thuật địa chính đã tiến hành đo đạc thực địa, cắm mốc định vị khảo sát khu đất dành cho việc tái thiết Làng Nủ.

“Tạo ra một nơi ở mới an toàn, tiện nghi cho người dân với đầy đủ điều kiên sinh hoạt như điện, nước... và môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Đây là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài và an toàn cho người dân sau thảm họa thiên nhiên”, Chủ tịch Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh. Có cùng nỗi niềm, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Trần Trọng Thông khẳng định: “Việc xây dựng khu nhà ở mới cho các hộ dân bị ảnh hưởng được coi là nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn và ổn định lâu dài cho bà con”.

Không chậm trễ, sau khi chốt phương án bố trí khu tái định cư trong cuộc họp tối 15/9 với sự đồng thuận của 100% người dân, ngay trong sáng 16/9, các hoạt động đo đạc, quy hoạch, thống kê đền bù, san lấp mặt bằng, thi công đã được triển khai tại khu vực đồi sim cách làng cũ khoảng 2km, ra phía ngoài trung tâm xã nhưng vẫn thuộc thôn Làng Nủ. Nơi đây có diện tích khoảng 10ha với địa hình cao, rộng rãi, an toàn, thuận lợi bố trí hạ tầng giao thông, điện nước… 40 nhà ở được xây dựng 2 tầng với diện tích gần 1.000m2/căn, thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người dân tộc Tày cùng các công trình phụ (bếp, nhà vệ sinh…).

Ngoài ra, trong khu tái định cư, nhà văn hóa, trường học, các công trình hạ tầng (đường, điện, nước…) cũng sẽ được xây dựng để đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, các hộ dân hiện đang sinh sống ở các khu vực thấp trong vùng cũng có thể chuyển tới sống tại khu tái định cư, chứ không chỉ riêng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét.

17_9_2024_langnu_khutaidinhcu.jpg -0
Khu tái định cư được xây dựng trên quả đồi.

Về công tác triển khai thi công, tỉnh Lào Cai sẽ đảm nhận việc giải phóng mặt bằng, thực hiện công tác quy hoạch tổng thể; khẩn trương thông xe các tuyến đường để đơn vị thi công vận chuyển máy móc thiết bị, nhân công; vận chuyển vật liệu; rà soát khả năng cung cấp vật liệu tại chỗ; bố trí hạ tầng điện, nước… phục vụ công tác thi công… Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam sẽ bố trí kinh phí xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ để xây dựng các khu tái định cư. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đảm nhận phương án thiết kế nhà ở. Khi xây xong, người dân sẽ được bốc thăm chọn nhà để đảm bảo công bằng, dân chủ.

Và để có thể hoàn thành trước ngày 31/12 theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị bà con nhân dân tham gia giúp đỡ công nhân trong quá trình xây dựng để có thể nhanh chóng tái thiết một Làng Nủ mới đẹp hơn, khang trang hơn Làng Nủ cũ. Đồng chí Trịnh Xuân Trường cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh thực hiện gia cố các tuyến đường giao thông; bố trí kinh phí để dẫn nước, điện đến các địa điểm dự kiến xây dựng khu tái định cư; khảo sát khả năng cung ứng vật liệu; khẩn trương bố trí khu nhà điều hành, lán trại… tạo mọi điều kiện thuận lợi, sẵn sàng để các đơn vị thi công triển khai xây dựng.

Và để ổn định cuộc sống cho người dân trước khi khu tái định cư hoàn thành, chính quyền huyện Bảo Yên đã triển khai xây dựng một khu tạm định cư từ ngày 15/9 tại địa điểm cách nơi bị sạt lở do cơn lũ dữ khoảng 2km. Tại đây, mỗi hộ dân được bố trí từ 30 - 40m2 diện tích đất ở tạm cư, có đầy đủ công trình phụ, điện nước… Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Trần Trọng Thông cho biết sau khi trao đổi, bàn bạc và đi tới thống nhất với người dân có 25 hộ đang cần nhà tạm cư cấp thiết, 10 hộ khác đi ở nhờ nhà người thân. Khu vực tạm cư này dự kiến sẽ được hoàn thiện trong khoảng 1 tuần.

Lên phương án xây dựng khu tái định cư

Gương mặt thất thần còn nguyên nỗi kinh sợ với đôi mắt trũng sâu sau nhiều ngày không ngủ, anh Sầm Văn Bóng (SN 1980) nghẹn ngào: “Cơn lũ dữ đã cướp đi 5 người trong gia đình tôi gồm vợ tôi, con trai cả cùng vợ, con gái và cháu nội tôi mới được 38 ngày tuổi”. Dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của các cấp chính quyền và được sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng đến sáng 14/9, thi thể của toàn bộ 5 người trong gia đình anh đã được tìm thấy và được an táng chu toàn theo phong tục của địa phương.

Anh chia sẻ: “Mặc dù, lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người và của đối với người dân Làng Nủ, song với sự động viên, hỗ trợ kịp thời về vật chất, tinh thần của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị và các đoàn thiện nguyện đã một phần nào xoa dịu nỗi đau của chúng tôi. Điều quan trọng nhất, là các cấp chính quyền địa phương đã nhanh chóng lên phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ sớm ổn định cuộc sống”.

17_9_2024_langnu_nguoidandongtinh.jpg -0
Phương án xây dựng khu tái định cư nhận được sự ủng hộ của 100% người dân.

Cũng như anh Sầm Văn Bóng, anh Nguyễn Văn Thước (SN 1987) là một trong những nạn nhân may mắn sống sót trong trận lũ quét đau đớn tâm sự với chúng tôi: “Vì cuộc sống mưu sinh tôi cùng vợ con rời làng đi làm ở Vĩnh Phúc nên may mắn thoát chết. Nhưng, bố đẻ của tôi đã không kịp chạy thoát khỏi trong vụ sạt lở. Tang thương lắm, cả dòng họ tôi có 9 người bị thiệt mạng và đang còn 6 người hiện vẫn mất tích”.

Những ngày qua, gia đình anh Thước ở nhờ nhà người quen, ngóng chờ tin tức của những người thân còn mất tích, mong muốn chính quyền sớm xây dựng khu tái định cư ở nơi an toàn giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Hay như anh Voi, người đàn ông 35 tuổi này chia sẻ, không biết tới đây anh phải làm gì để lo cho 2 bà cháu khi nhà mất, không còn một tài sản gì đáng giá trong tay. Rồi trường hợp anh Nguyễn Văn Cai, 48 tuổi, một trong số ít những gia đình làm kinh tế giỏi trong thôn. Khi chúng tôi tới nhà anh, anh đang mò mẫm lần tay vạch những bao tải. Đây là kho chứa thóc của gia đình. Vụ gặt vừa mới thu hoạch vài tháng trước. Cơn lũ dữ đã cướp đi toàn bộ người thân của anh và khiến anh không còn tài sản gì đáng giá trong tay.

Đó chỉ là số ít mảnh đời éo le sau trận lũ dữ. Ở ngoài kia, còn nhiều số phận khác giống họ. May mắn thoát được lưỡi hái tử thần, nhưng họ đang phải đối diện với những mất mát và đau thương quá lớn. Trong ánh mắt của họ, không chỉ có nỗi đau mất người thân, mà còn là nỗi hoang mang không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Những bàn tay run rẩy đào bới từng lớp bùn tìm kiếm những gì còn lại của cuộc đời trước kia, nhưng tất cả dường như đã bị dòng nước dữ cuốn trôi. Với họ, điều đáng làm nhất bây giờ là làm thể nào để vơi bớt đi nỗi đau thương, mất mát và hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Rất mong, với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền và sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, sự chung tay giúp đỡ của các tổ chức xã hội, công tác khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh Lào Cai nói chung cũng như của thôn Làng Nủ nói riêng sẽ đạt được những kết quả khả quan, sớm đưa cuộc sống của người dân dần ổn định.

https://cand.com.vn/doi-song/tai-thiet-lang-nu-mot-nhiem-vu-cap-bach-i744342/

Khổng Hà – Hoàng Phong / cand.com.vn