Câu chuyện giáo dục của tỉnh địa đầu tổ quốc trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cả nước.
Dư luận ồn ào, phân tích bình luận rất nhiều nhưng gần như chỉ theo một hướng: Không chấp nhận kết quả cao vút của các thí sinh Hà Giang. Nói như giới trẻ là "có cái gì đó sai sai...".
Nếu chỉ là một em học sinh của vùng cao Hà Giang, có thành tích học tập ổn định, đạt điểm cao nhất kỳ thi THPT Quốc gia hoặc có một số môn thi đạt điểm 10 tuyệt đối, chắc chắn em học sinh ấy sẽ trở thành tấm gương cho cả ngành giáo dục tỉnh nhà cũng như cả nước.
Nếu điểm số trung bình của tất cả các thí sinh Hà Giang trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi tăng lên vài điểm so với năm trước, chắc chắn dư luận sẽ ngả mũ kính phục và có nhiều người công tác trong ngành giáo dục của Hà Giang được vinh danh.
Nhưng kết quả thông báo điểm thi lại không diễn ra như mọi người hình dung hay suy luận. Điểm trung bình của thí sinh Hà Giang vẫn thấp như thường lệ và nằm trong tốp cuối của cả nước. Chỉ có một nhóm thí sinh của Hà Giang lại có số điểm cao bất thường. Nhóm thí sinh đó có công đưa Hà Giang lên tốp đầu các địa phương có thí sinh đạt điểm cao.
Trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang, nơi có nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi
Và dư luận đã nghi ngờ, nghi ngờ còn to hơn cả dấu chấm hỏi khổng lồ. Một khi đã nghi ngờ, dư luận tự cho nó có cái quyền đưa ra các giả định và rà soát lại quy trình từ coi thi, lưu trữ bài thi và chấm thi.
Nhưng xem xét quy trình thì đương nhiên vấp phải tường đồng vách sắt rồi. Quy trình bao giờ cũng....đúng bởi lẽ nó là sản phẩm của cả hệ thống. Vậy nên, xét đi xét lại, quy trình của kỳ thi THPT Quốc gia, về mặt lý thuyết, vẫn vô cùng chặt chẽ, đại diện ngành giáo dục vẫn liên tục khẳng định gần như không có khả năng để gian lận.
Bên cạnh đó, 2 trường hợp giả sử được nêu ra lúc đầu, sẽ được vinh danh sẽ được ủng hộ vì chẳng thể nghi ngờ, nói cách khác những trường hợp đó không thể có khả năng gian lận. Cũng theo suy luận lý thuyết thì một thí sinh khó lòng có thể gian lận với tất cả các môn thi để đạt được số điểm gần như tuyệt đối. Ngược lại cũng không thể tất cả các thí sinh của một tỉnh đều gian lận ở tất cả các môn thi để nâng được điểm trung bình của cả tỉnh Hà Giang lên một tầm cao mới. Nhưng với trường hợp thứ 3, khả năng có thể gian lận đã tăng lên đáng kể.
Để có một cá nhân kiệt xuất, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố liên quan đến cá nhân đó như truyền thống gia đình, gien di truyền, chỉ số IQ, ý chí nghị lực bản thân... và xét trên phương diện xã hội đó có vẫn là một hiện tượng ngẫu nhiên. Nhưng để có một “lớp nhân tài” chắc chắn là kết quả tất yếu của sự đổi mới, đột phá của một nền giáo dục mà ở đây cụ thể là ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang.
Nhìn vào phổ điểm của thí sinh Hà Giang đặt trong mối tương quan với thí sinh cả nước, dư luận cũng đã có rất nhiều điều để nói từ chuyện tỷ lệ thí sinh đạt điểm 9 ở Hà Giang cao gấp 14 lần tỷ lệ trung bình cả nước, số thí sinh Hà Giang có tổng 3 môn Toán Lý Anh đạt 27 điểm trở lên chiếm 50% của cả nước...
Khi nghi ngờ, dư luận cũng chỉ có quyền nêu nghi vấn và đặt câu hỏi, nêu giả thuyết, việc xử lý vẫn thuộc về cơ quan chức năng và đến thời điểm này là Bộ GD&ĐT.
Nhưng cũng có thể nói, dư luận đã phần nào tác động đến những động thái của các nhà quản lý giáo dục.
Từ khi xảy ra sự kiện đáng chú ý này, dường như những động thái phản ứng của những nhà quản lý giáo dục hoàn toàn không dựa trên chính nội dung sự kiện đó.
Ngay sau khi công bố điểm thi, lẽ ra các nhà quản lý giáo dục với bề dày kinh nghiệm và nhân lực vật lực trong tay phải là người đầu tiên nhìn ra "hiện tượng Hà Giang" và nên có lời giải thích mang tính chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhưng ngành giáo dục chỉ phản ứng dựa trên phản ứng của dư luận. Động thái ban đầu chỉ là những phát biểu, khẳng định tính chặt chẽ của kỳ thi, khi dư luận tiếp tục lên cao, ngày 13/7 Bộ GD&ĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi tỉnh Hà Giang kiểm tra. Tuy nhiên, khi dư luận đạt “cao trào”, ngay ngày hôm sau, 14/7, ngày nghỉ đối với cán bộ công chức, Bộ lập tức cử đoàn cán bộ lên Hà Giang làm việc.
Vì vậy cũng dễ hiểu khi dư luận cả nước đang hết sức quan tâm và không ngừng “hiến kế” cho ngành giáo dục với mong muốn tìm ra được "kẻ thù" nào đó phù hợp với các giả định của họ.
- Trung Chính
Thí sinh Hà Giang suy sụp trước điểm thi bất thường
Sau khi điểm thi THPT quốc gia được công bố, không ít thí sinh cảm thấy buồn bã, thất vọng. Có em suy sụp khi ... |
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang: \'Đang rà soát toàn bộ khâu chấm thi\'
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho rằng việc thí sinh thi thử điểm thấp, thi thật điểm cao không có gì đặc biệt. Hội ... |
Điểm thi cao bất thường ở Hà Giang: Bộ GD-ĐT về địa phương phối hợp điều tra
Ngày 14/7, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết một đoàn công tác của bộ này đã lên Hà Giang để phối hợp làm rõ ... |