Tác động kinh tế khủng khiếp của đợt dịch đang tàn phá Trung Quốc

Một nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc cảnh báo tác động kinh tế từ đợt bùng phát dịch mới nhất gấp 10 lần so với đợt dịch ở Vũ Hán hồi đầu năm 2020.

Theo Xu Jianguo, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, những gián đoạn do COVID-19 gây ra đối với hoạt động kinh tế, bao gồm đóng cửa các thành phố, hạn chế giao thông đã ảnh hưởng đến 160 triệu người trong năm nay và gây thiệt hại 18.000 tỷ nhân dân tệ (2,68 nghìn tỷ USD).

Trong khi đó, đợt dịch ban đầu ở Vũ Hán cách đây 2 năm ảnh hưởng tới 13 triệu người, gây thiệt hại 1.700 nghìn tỷ NDT cho nền kinh tế Trung Quốc. 

"Mức độ nghiêm trọng của đợt bùng dịch năm nay gấp 10 lần năm 2020 xét về quy mô dân số bị ảnh hưởng và chi phí kinh tế", ông Xu nói tại một hội thảo hôm 7/5. 

Trong khi các nước đang sống chung với COVID-19 thì Trung Quốc là quốc gia duy nhất vẫn áp dụng chính sách "Zero COVID-19" nghiêm ngặt. Các biện pháp chống dịch cứng rắn của quốc gia tỷ dân gây áp lực lên hàng loạt lĩnh vực như dịch vụ, bán lẻ, sản xuất và hậu cần.

1-08444151
Một con đường vắng người qua lại ở Bắc Kinh do phong tỏa phòng dịch. (Ảnh: Reuters)

"Không giống như đợt bùng dịch năm 2020 ở Vũ Hán, trong đợt dịch này, một số thành phố lớn và quan trọng nhất của Trung Quốc bị phong tỏa bao gồm Thượng Hải, Tô Châu, Thâm Quyến, Đông Quan và thủ đô Bắc Kinh đều là những mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp", ông Xu cho biết.

Theo thống kê mới đây của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong tháng 4 chỉ ở mức 3,9%, thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Con số này khiến nhiều chuyên gia, trong đó có Xu lo ngại Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% như Bắc Kinh đề ra hồi đầu năm. 

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,3%. 

Các nhà kinh tế cũng hạ dự báo của họ về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 của Trung Quốc trong khi các nhóm doanh nghiệp nước ngoài cho rằng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đang khiến nền kinh tế thứ 2 thế giới trở thành điểm đến kém hấp dẫn hơn đối với đầu tư.

Theo ông Xu, các chính sách hỗ trợ tài chính và tiền tệ hiện yếu hơn so với năm 2020. Các lĩnh vực xuất khẩu và bất động sản vốn là những động lực chính giúp phục hồi kinh tế hai năm trước cũng đang dần mất đi động lực.

Trong khi đó, Xiao Lisheng, nhà kinh tế học tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một cuộc suy thoái và có thể sẽ chạm đáy trong 2-3 tháng tới. 

Tuy vậy, Xiao vẫn lạc quan cho rằng: "Nếu các đợt bùng phát có thể được kiểm soát trong quý 2 hoặc quý 3 của năm, không loại trừ việc đầu tư sẽ tăng mạnh và tiêu dùng cũng có khả năng tăng nếu không có quá nhiều đợt bùng phát mới trong năm tới".