Tôi sinh ra và lớn lên từ làng. Nhưng xa làng đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Xa, nhưng tình cảm của tôi, hồn vía của tôi thì vẫn vương vấn trong cái ngõ nhỏ xạc xào bóng tre xanh. Tôi thích xem chương trình “Sinh ra từ làng” của Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh VTV6. Thích vì nó làm sống lại những kỷ niệm thuở ấu thơ. Thích vì vô cùng khâm phục tài trí của nhiều bạn trẻ hôm nay.
Họ còn trẻ lắm. Có tỷ phú mới 20 tuổi thôi. Em kiếm được khá nhiều tiền nhờ vào việc trồng một loài cây không có gì đặc biệt - cây ngâu. Còn hầu hết các đại gia chân đất cũng bắt đầu từ những nghề tưởng ai cũng có thể làm. Em Hồ Văn Đoan ở Lục Nam, Bắc Giang, khởi nghiệp từ 5 đôi chim bồ câu. Sau bốn năm đã nhân lên thành đàn chim hơn 20 nghìn con. Tương tự như thế, anh Lý Văn Diểng, dân tộc Sán Dìu, đã thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho gà. Các nhà khoa học lấy làm lạ, đổ về đây xem cái cách rất đơn giản mà Diểng đã làm. Anh rủ rỉ kể, con gà nó có tài đạp mái vài chục con một ngày, nhưng “đậu” ít lắm. Mình biết thế, mình tìm cái cách cho nó “đậu” nhiều hơn. Sắp tới Diểng sẽ thử sức thụ tinh nhân tạo cho giống gà Đông Cảo ở Hưng Yên. Vì con gà này là gà quý, đắt tiền nhưng cái chân nó to quá, rất khó làm “chuyện ấy”. Ô, nghe chuyện cứ như không, mà Diểng đã bắt tay làm mấy năm rồi, được mọi người gọi là kỹ sư, ngượng chết đi được!
Ngày ngày ta thấy khối chị, khối anh ở làng thu tiền triệu từ măng tây, từ chè xanh, ngô, khoai lang, chuối và cả từ cuống sen, rơm, rạ. “Đỉnh” nhất phải kể đến ông Hai Lúa ở Bình Dương, mặc quần xà lỏn, mình trần, cuốn thuốc rê hút phào phào mà chế tạo được cả… máy bay trực thăng.
Hỏi chuyện những tỷ phú làng, họ đều một mực nói rằng, đói thì đầu gối phải bò thôi ạ. Thật ra bây giờ người dân xứ đồng chiêm trũng ngày xưa làm gì có chuyện đói nữa. Thật ra là, thành phố chưa có chỗ cho mình thì đành kiếm tiền từ cánh đồng làng, từ cái sân, cái vườn nhà mình. Người ta tên tuổi sáng lòa bia đá. Mình cứ là tấm bia trắng vậy thôi. Rồi sẽ có lúc người đời tặng mình mấy chữ, thế là quý lắm. Văn hóa làng bồi tụ bao năm theo cách ấy. Từ không đến có, có ít, rồi có nhiều, từ hạt cát mà thành con đê.
Xem những đoạn phim ngắn của VTV6 thường ít thấy lời bình. Có lẽ cũng là cách của những tấm bia còn để trắng. Nhưng người xem thì nghĩ ngợi nhiều. Nghĩ rằng: Sao người Việt mình tài giỏi thế, đất đai của mình phì nhiêu thế mà đến nay nước ta vẫn chưa trở thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp? Tỷ phú có vài chục tỷ trên đồng đất thì đã có, nhưng vài trăm thì chưa. Việc đấy là của nhà khoa học, nhà nước, nhà băng, của các bộ, ngành hữu quan. Các nhà khoa học bằng cấp đầy mình, các vị đâu cả rồi? Làm thế nào để đưa nhanh khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tạo ra công nghệ mới, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ? Điều đó từng nông dân đơn lẻ không làm được. Làm sao nhân rộng các “sao” sinh ra từ làng? Đó là những hạt giống quý, nhưng vẫn còn ít. Lại liên quan đến sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ ở tầm vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới tính trạng làm ra sản phẩm mà không có thị trường. “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là cách làm tự phát của lối sản xuất tự cấp tự túc, thiếu bàn tay người tổ chức.
Qua những câu chuyện cụ thể, đặc sắc, thiển nghĩ, ở đây, không chỉ có chuyện người nông dân chịu khó chịu thương, thông minh sáng dạ, bắt kịp ngọn gió lành thời đổi mới. Hơn thế, chúng ta cùng suy nghĩ về làng quê Việt, một thiết chế độc đáo, từ làng mà ra nước, còn làng còn nước, dẻo dai vấn vít như tay tre bện lấy tay tre mà nên lũy nên thành./.
Trần Quang
![]() |
"Bà Tân Vlog" và các kênh nông dân hướng dẫn nấu ăn bùng nổ trên mạng "Bà Tân Vlog" đang trở thành hiện tượng mạng khi có hơn 1 triệu người theo dõi chỉ sau 20 ngày xuất hiện. Ngay lập ... |
![]() |
Ông chủ hãng drone lớn nhất Trung Quốc muốn đổi đời cho nông dân Peng Bin cho biết ông muốn thay đổi cái nhìn của người dân Trung Quốc về ngành nông nghiệp và muốn mang đến cho họ ... |