Theo Phật giáo, có ba loại bố thí: bố thí cho ăn xin, bố thí cho bạn hữu và bố thí cho vương giả. Bố thí cho ăn xin là lấy phần dư, tiền lẻ, quần áo cũ không dùng nữa của mình cho bớt. Bố thí cho bạn hữu thì có đầu tư thêm chút đỉnh, nhưng vẫn giữ lại cho mình phần lớn, phần đẹp, phần ngon hoặc chí ít cũng ngang bằng nhau. Còn bố thí cho vương giả giống như người có món gì siêu lạ, siêu ngon dù bản thân chưa nếm thử nhưng vẫn dâng lên cho người trên trước...
Chia sẻ cho người - để dành cho mình - Ảnh minh họa |
Thiết nghĩ, biết bố thí, cúng dường đã là tử tế rồi, chỉ là mức độ sâu cạn có phần sai khác, tùy tâm người. Quan sát, trải nghiệm và đọc sách, nhất là có một số câu chuyện cổ tích Phật giáo ám ảnh tâm trí tôi về hạnh bố thí. Câu chuyện đầu tiên kể về một gia đình nghèo, đói khổ, sẵn sàng nhường nửa chén cơm cuối cùng cho một vị khách lạ dừng chân tại nhà, để rồi sau đó cả gia đình chết vì đói. Câu chuyện thứ hai kể về một cô gái ăn xin vô tư cúng dường những đồng tiền ít ỏi cuối cùng trong túi sau đó nhận được phước báu làm hoàng hậu nhưng khi làm hoàng hậu, trở lại cúng dường với nhiều tài sản quý giá mà phước báu lại ít ỏi. Câu chuyện thứ ba kể về một vị sư thực hành đức bố thí rộng khắp, nhưng khi có một phụ nữ nghèo khó cùng với vài con chó đến xin cơm, sư đã nổi giận vì bà làm phiền mình chỉ để xin cơm cho các con chó nhưng không ngờ đó là Phật Bà Quán Thế Âm hiện ra để thử khả năng tu tập của sư…
Con đường dẫn đến hạnh phúc thế gian hay xuất thế gian đều cần sự nâng đỡ của phước báu. Nhưng nếu chỉ chuyên chú vào phước báu, chúng ta dễ đánh mất những điều đẹp đẽ giản đơn ngay tại thời điểm mình đang bước trên con đường này. Để hạt phước nảy mầm sum suê, chúng ta cần ruộng tốt để gieo trồng và ruộng ấy chính là Tam bảo. Nhưng chúng ta quên rằng, chỉ có ruộng tốt mà hạt giống lép thì cũng vô nghĩa. Cho nên trước khi tìm ruộng phước ở bên ngoài, sao chúng ta không quay vào quy hoạch lại ruộng phước trong mình, bởi “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Biết đâu, quay về với ruộng phước trong mình, chúng ta sẽ tìm ra được hạt giống chắc khỏe ẩn tàng bấy lâu bên trong…
Thật ra, chúng ta gieo trồng hạt giống thiện lành vào các ruộng phước xung quanh cũng là để mở rộng ra và làm khỏe hơn hạt giống thiện lành và ruộng phước bên trong mình. Và khi ruộng phước trong mình được tươi tốt không chỉ mình nhận lãnh niềm an lạc mà trong sự tương tức, những ruộng phước khác cũng theo đó phì nhiêu, màu mỡ hơn…
Khi nhỏ, tôi luôn tự hào, vui vẻ kể chuyện về bản thân với những may mắn bất ngờ nhờ nhiều quý nhân lạ lẫn quen giúp đỡ. Gần đây, tôi nghe thêm một câu thần chú: “Biến tha nhân thành quý nhân”, ý là nên đối xử hòa nhã, tử tế với người khác dù họ xa lạ, biết đâu một mai, họ trở thành quý nhân của mình. Rồi đến một lúc, tôi tự hỏi, sao trước giờ mình chỉ trông chờ gặp quý nhân mà mình không ao ước, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện bản thân để có thể trở thành quý nhân của người khác? Cũng như, sao mình cứ mong cầu ruộng của hàng xóm ra hoa quả ngọt và mình chỉ hùn vốn ít nước, ít phân,… mà không tự đào xới, chăm bón ruộng của mình rồi dâng hoa quả ngọt ấy làm lộc cho đời?
Và từ đó, bố thí hay cúng dường cũng không còn nặng về hình thức, ngôn từ nữa và cũng không có sự khác biệt vì trong mỗi người đã có hạt giống của Phật tánh và đã là con người thì chí ít đều có ruộng phước. Vì có ruộng phước nên mới được làm người. Tùy thể tánh mỗi người, sẽ có những hạt giống riêng biệt… Cụ thể, có người gieo được hạt phước về dung nhan, hạt phước về âm thanh, hạt phước về tính kiên nhẫn, hạt phước về sự tập trung, hạt phước về sự đoan trang, hạt phước về sức khỏe, hạt phước về tuổi thọ, hạt phước về sự lành lặn, hạt phước về hạnh phúc lứa đôi, hạt phước về con cháu hòa thuận, hạt phước về trí nhớ tốt, hạt phước về tiền tài…
Học bố thí, cúng dường là chúng ta cũng đang học cách buông xả, giải phóng tâm phân biệt, học cách sống tri túc, không phung phí, biết ơn và trân quý từng bộ đồ mình bận, hạt cơm mình ăn, giọt nước mình uống, kể cả cọng cỏ, ngọn rau, con kiến… và cũng là học cách trở thành quý nhân chứ không chỉ ngồi chờ quý nhân...
Bố thí độ
Người hành đạo Bồ-tát nói riêng, Phật tử nói chung đều sống theo tinh thần từ bi[1], đều lấy từ bi làm động lực chính ... |
Bố thí máu
Danh từ ngoài đời gọi là hiến máu hay cho máu. Đây là cách nội thí dễ làm nhất, không tốn đồng xu nào mà ... |