Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng rất yêu thích một vài bộ phim nhất định và mong muốn lưu giữ thứ gì đó liên quan tới phim, như một tấm poster quảng cáo phim hay ảnh dàn diễn viên, để làm kỷ niệm. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn chạm tay vào các đạo cụ làm phim, họ nên cân nhắc tới việc phải bỏ ra hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu đô la.
Thú chơi của thế hệ mới
“Các thế hệ trước đây thích sưu tầm tranh quý của các danh họa Renoirs và Cézannes” - Dan Lanigan nói - “Chúng tôi thì mua mũ của lính stormtrooper trong phim “Star Wars” và các bao proton đeo lưng từ phim “Ghostbusters””. Khi thốt lên những câu đó, nhà sản xuất phim truyền hình nổi tiếng này muốn nói về thú vui sưu tầm đạo cụ làm phim, đang ngày càng trở thành một thú chơi gây nghiện và tốn kém. “Với thế hệ của tôi, đây mới là nghệ thuật cao cấp”.
Thực vậy, sưu tầm đạo cụ làm phim từng chỉ là một thú vui tự phát. Nhiều người lặng lẽ sưu tầm đạo cụ, nhưng chẳng có mấy ai nói về hoạt động này - không chỉ bởi họ thấy xấu hổ khi thừa nhận mình có trong tay những thứ như cái dây xích đeo cổ của Charlton Heston trong phim “Planet of the Apes” mà còn vì những thứ này là tài sản của các hãng phim nên sở hữu chúng là hành động phi pháp.
Tuy nhiên tất cả những điều này đã thay đổi vào năm 1970, khi hãng MGM dọn bớt các đạo cụ bằng một màn đấu giá kéo dài 3 ngày. Trong số các đạo cụ và đồ đạc cổ bị đem bán có 2 món đạo cụ làm phim viễn tưởng được nhiều người yêu thích: Một cỗ máy gắn trên thân giúp con người di chuyển xuyên thời gian trong phim “The Time Machine” (1960) và một mô hình thu nhỏ của con tàu United Planets Cruiser C-57D, còn được biết tới với tên đĩa bay, trong phim “Forbidden Planet”. Sau cuộc đấu giá, chiếc máy thời gian được bán với giá gần 10.000 USD. Dù không ai biết chiếc đĩa bay màu bạc được bán với giá bao nhiêu, cách đây 8 năm nó đã đổi chủ với giá 76.700 USD!
Kể từ thời điểm MGM bán bớt đạo cụ, mức giá của một số đồ làm phim được săn lùng nhiều nhất đã thường đạt mức 6 con số. Đơn cử như trong tháng 10.2015, hoạt động bán đấu giá mô hình mini của một con tàu vũ trụ thuộc Phe nổi dậy dùng trong phim “Star Wars” phần IV đã thu về số tiền lên tới 450.000 USD. Gần đây nhất, vào ngày 25.11.2017, mô hình cao 2,1m của robot Robby trong phim Forbidden Planet đã được bán với mức giá lên tới hơn 5 triệu USD!
Như thế, sưu tầm đạo cụ đã không chỉ còn là thú vui nữa. Những ai lưu giữ nhiều đạo cụ giá trị có thể xem chúng như một khoản đầu tư, càng để lâu càng lãi lớn. Giới sưu tầm đạo cụ đều biết tới câu chuyện về khẩu súng PKD Blaster trong phim “Blade Runner”, đã biến mất bí ẩn suốt 24 năm trời. Fan thậm chí còn tin chắc rằng khẩu súng huyền thoại này đã vĩnh viễn biến mất, giống như giọt nước mắt bị mưa cuốn đi vậy. Nhưng rồi đột nhiên trong sự kiện 2006 Worldcon, khẩu súng bỗng xuất hiện trở lại, nằm sau những lớp kính bảo vệ dày cộp.
Sử dụng tới 170 bức ảnh có độ phân giải cao, chụp mọi con ốc, mọi vết xước và vết gỉ sét để phân tích khẩu súng này, các nhà sưu tầm giàu kinh nghiệm trên trang RPF cuối cùng cũng phải thừa nhận rằng đó là bản gốc và ngay lập tức, tin này đã gây xôn xao. Cần biết rằng PKD Blaster rất đặc biệt vì nó có vẻ ngoài và cảm giác giống như một khẩu súng thật khi cầm vào. Nguyên nhân do khẩu súng này có những thành phần làm từ súng thật. Cụ thể, phần thép nằm trên nòng súng và phần đế phía dưới báng súng được lấy từ khẩu súng trường Steyr-Mannlicher SL bắn đạn cỡ 222 (số serie 5223 từ khi xuất xưởng vẫn được giữ lại). Các phần khác của khẩu súng được lấy từ một khẩu Charter Arms Bulldog bắn đạn cỡ 44.
3 năm sau thời điểm tái xuất, khẩu súng đã về tay Dan Lanigan với giá 270.000USD. Là người nổi tiếng vì chuyên mua các đạo cụ đã vượt qua “bài kiểm tra của mẹ” - ý nói tới những đạo cụ nổi tiếng khiến ngay cả những phụ nữ lớn tuổi như mẹ Lanigan cũng nhận ra ngay - ông đã có trong tay một bộ sưu tập rất đáng nể. Mỗi một món đồ đều có kèm những câu chuyện thú vị về lịch sử của chúng.
Gươm ánh sáng, người máy sát thủ, đĩa bay
Trong bộ sưu tập đó có ED-209, một người máy trong phim “RoboCop” ăn khách. Cần phải nói thêm rằng tâm điểm của bộ phim là sĩ quan cảnh sát Alex Murphy, một viên cảnh sát nửa người nửa máy có nhiệm vụ dọn dẹp các con phố tội lỗi ở Detroit. Nhưng nhân vật thực sự thu hút sự chú ý của công chúng lại là ED-209 - con robot được gắn những khẩu pháo 20mm đủ sức thổi bay nhiều thứ - song lại gặp sự cố khi hoạt động dẫn tới việc nó giết người tùy tiện.
Dan Lanigan mua bản mẫu ED-209 trực tiếp từ người giám sát kỹ xảo của “RoboCop” là Phil Tippett. Đây là một trong số 2 phiên bản ED-209 cỡ nhỏ được chế ra cho bộ phim. Điều đặc biệt ở chỗ nó là phiên bản duy nhất được tái sử dụng trong 2 phim Robocop 2 và 3.
Trông giống như đứa con lai giữa máy bay trực thăng Bell UH-1 Huey và một dự án mờ ám của Bộ Quốc phòng Mỹ, con robot cao hơn 20cm này là một phiên bản sao chép đúng theo kích cỡ và hình dáng thực của phiên bản ED-209 to hơn (cao 2m1, nặng 150kg) được làm từ sợi thủy tinh và gần như chỉ đứng im một chỗ. Phiên bản mini được dùng để tạo các cảnh hành động của ED-209.
Phiên bản mini được làm vô cùng cẩn thận, chú ý tới từng chi tiết nhỏ, từ giàn thủy lực điều khiển từng chiếc chân cho tới thiết bị trao đổi nhiệt, các ống hút, xả khí và thiết bị tỏa nhiệt. Việc này nhằm đảm bảo phiên bản minh trông hoàn toàn giống phiên bản kích cỡ lớn hơn khi lên phim. Tới nay phiên bản ED-209 thuộc sở hữu của Lanigan có giá dao động từ 60.000 - 80.000USD, cao hơn rất nhiều so với lúc ông bỏ tiền ra mua.
Một món đạo cụ đáng giá nữa là gương mặt của người máy hủy diệt T-800 trong phim “Terminator 2” (1991). Gần như mọi thế hệ đều bị ám ảnh bởi những con quái vật, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự ra mắt của phim “Terminator” vào năm 1984 đã mở màn cho sự ra đời của một “ông kẹ” mới trên màn bạc và cả trong các băng video VHS: Robot hủy diệt T-800. 7 năm sau, phần hai của bộ phim là “Terminator 2: Judgment Day” càng khiến hình ảnh của T-800 khắc sâu trong lòng khán giả.
Tuy nhiên ít ai biết rằng chỉ có 4 bộ khung xương của T-800 được tạo ra nhằm phục vụ việc làm phim. Hai trong số đó được lắp nhiều khớp để thực hiện các cử động, bao gồm xoay đầu và thể hiện cảm xúc trên gương mặt. Hai khung xương còn lại đảm nhiệm vai trò “đóng thế”, dùng trong các cảnh có tác động tàn phá.
Một bộ khung xương gốc cỡ lớn của T-800 từng được đem ra bán hồi năm 2007. Giá khởi điểm là 80.000USD đã nhanh chóng tăng vọt lên mức 488.750USD. Con số này hoàn toàn áp đảo mức ước tính ban đầu là 120.000USD. Tại sao người ta lại bỏ ra ra một đống tiền lớn như thế để mua một “con rối sáng bóng” như T-800?
Bởi vì đó là con T-800 diễn viên chính, một trong hai mẫu robot có khớp cử động, đã tham gia thủ diễn trước camera. Ngoài ra, nó được xem như bức họa Mona Lisa của Stan Winston - phù thủy kỹ xảo quá cố đã sáng tạo ra rất nhiều đạo cụ phục vụ một loạt bộ phim lừng danh Hollywood như “Jurassic Park III”, “Aliens”, “Predator”, “Predator 2”, “A.I.”, Edward Scissorhands. Một trong 4 giải Oscar (cụ thể là giải Kỹ xảo xuất sắc 1992) mà ông giành được là nhờ bộ xương máy T-800 này.
Giống như trong thế giới của những người sưu tầm đồ cổ, luôn có một số thương hiệu siêu hiếm luôn khiến người ta phải bỏ ra vô khối tiền. Trong thế giới sưu tầm đạo cụ, nhất là với các phim viễn tưởng, thương hiệu đó là “Star Wars”. Ví dụ mô hình thu nhỏ của một chiếc chiến đấu cơ TIE dùng trong phim “Star Wars: A New Hope” đã được bán với giá 402.500USD, gần gấp đôi mức giá kỳ vọng.
Ấn tượng hơn, vào năm 2005, một thanh gươm ánh sáng được Mark Hamill sử dụng trong cùng bộ phim này đã được bán với giá 200.600 USD, gấp 3 lần mức ước tính. Thanh gươm đó thuộc thế hệ đầu, do Roger Christian tạo ra dựa trên tay cầm đèn flash cũ của một chiếc máy ảnh hiệu Graflex. Trong những phần phim sau này, người ta thường tạo ra một mẫu gươm ánh sáng mới rồi nhân bản chúng lên bằng phương pháp đúc, sử dụng vật liệu cao su, nhựa hoặc thậm chí là kim loại. Việc này nhằm đảo bảo diễn viên có thể thoải mái thể hiện vai diễn mà không lo làm hỏng đạo cụ.
Là một trong những bộ phim có tác động văn hóa rất lớn, “Ghostbuster” dù đã ra đời cách nay hơn 3 thập niên vẫn khiến người ta rùng mình vì cảm xúc hoài niệm mỗi khi xem lại. Điều đó lý giải vì sao các đạo cụ của phim, như bao proton đeo lưng, lại được các nhà sưu tầm đạo cụ đặc biệt săn lùng. Lấy cảm hứng từ chiếc súng phun lửa của quân đội Mỹ, “nhà tư vấn phần cứng” Stephen Dane đã mua lại một chiếc giá buộc balô đeo lưng hàng quân nhu và sau một số động tác chỉnh sửa đã có nguyên mẫu ban đầu của bao proton. Sau khi đạo diễn Ivan Reitman tự thay tiến hành điều chỉnh bao proton này, một huyền thoại trên màn bạc đã ra đời.
Lớp vỏ của bao proton, làm từ vật liệu sợi thủy tinh, được gắn vào phần đế làm từ nhôm. Phần đế này sau đó tiếp tục được gắn vào giá buộc balô. Dane đã thêm sơn, dòng chữ cảnh báo “Nguy hiểm, điện cao thế 1KV”, các đèn nháy, tay quay và một số phụ kiện điện để khiến thiết bị nổi bật trên màn bạc.
Phần lớn các linh kiện điện sau đó đã được fan nhận diện nhờ các bức ảnh có độ phân giải cao chụp chi tiết bao proton. Chúng gồm các điện trở của hai công ty Sage và Dale. Các ống dẫn khí Clippard, đèn báo của Arcolectric và đinh ốc Legris. Bao proton này khá nặng, với trọng lượng lên tới hơn 15kg.
Để giảm nguy cơ chấn thương cho các diễn viên, hai phiên bản bao proton nhẹ hơn đã được chế tạo, với một sử dụng nhiều vật liệu đúc có trọng lượng nhẹ để mô phỏng bao gốc và một được làm hoàn toàn từ mút xốp để phục vụ trong các cảnh hành động. 4 năm trước, một bao proton đã được Lanigan mua về với mức giá 169.900USD.
Những động lực thúc đẩy một đam mê tốn kém
Ngoài giá trị về kinh tế khi sưu tầm đạo cụ làm phim, vốn chỉ đóng vai trò rất phụ, động lực chính thúc đẩy những người như Lanigan mở rộng bộ sưu tập chính là vì mỗi món đồ mua được luôn gợi nhớ một ẩn ức về quá khứ, về thời tuổi trẻ đã trôi qua. Nó còn thể hiện bản sắc riêng của từng nhà sưu tầm, cho thấy nỗ lực bảo tồn quá khứ của họ. Và dù nhiều nhà sưu tầm không thừa nhận, việc này còn động chạm tới sự tôn thờ thần tượng nằm sâu thẳm trong tâm trí họ.
Cũng giống như mọi lĩnh vực sưu tầm khác, vấn nạn hàng giả đang bắt đầu đe dọa giới sưu tầm đạo cụ. Là một thương hiệu mạnh như “Star Wars”, rất nhiều đạo cụ của phim truyền hình nổi tiếng “Star Trek” (1966-1969) bị làm giả và tung ra thị trường. Tuy nhiên một trong những đạo cụ nguyên bản còn tồn tại chính là khẩu súng Phaser, được làm từ các vật liệu nhôm, sợi thủy tinh và nhựa.
Bộ phim dùng nhiều mẫu súng Phaser tương tự trong các cảnh quay khác nhau và chúng đều là bản đúc từ sợi thủy tinh. Duy chỉ có khẩu súng gốc này luôn được dùng trong các cảnh cận, vì mức độ chi tiết và tinh xảo của nó. Điều thú vị là tới nay chủ nhân của khẩu súng Phaser gốc này vẫn chưa bán nó nên bất kỳ phiên bản nào khác đang trôi nổi trên thị trường đều là hàng nhái.
Trong làng phim, một số đạo cụ được rất nhiều nghệ sĩ góp sức tạo ra, tiêu tốn không ít công sức và trí não của họ. Trong khi đó, cũng chẳng hiếm những đạo cụ được tạo ra bằng phương pháp đúc đơn giản. Điều này đặc biệt đúng với các bộ phim sử dụng đạo cụ chủ lực là súng. Matt Damon đã không thể dùng báng của khẩu súng Sig Sauer thật bắn đạn 9mm trong màn cận chiến tại phim “The Bourne Identity”.
Nguyên nhân bởi một khẩu súng thật chỉ được sử dụng trong các cảnh quay cận và cảnh bắn đạn mã tử. Để quay cảnh đánh bằng báng súng, bộ phận sản xuất hậu cảnh phải đúc một khẩu Sig Sauer làm từ cao su mềm. Ngoài họ còn có các phiên bản Sig Sauer làm từ cao su cứng, nhựa thông và thậm chí là kim loại, nhằm phục vụ các cảnh phim khác nhau.
Trong cộng đồng mê sưu tầm đạo cụ, những khẩu súng đúc đó là thứ ai cũng muốn sở hữu. Tuy nhiên thường thì khi đã mua được một bản mẫu, người ta sẽ đúc lại chúng và đem bán kiếm lời. Vì thế có rất nhiều phiên bản nhái tồn tại, với những phiên bản nhái về sau càng lúc càng có chất lượng kém hơn trước - điểm không thể tránh khi bản đúc không dựa trên bản gốc.
Đó là lý do khi nhà sưu tầm Adam Savage muốn sở hữu một khẩu súng Samaritan, đạo cụ trong phim “Hellboy”, anh đã tới gặp Guillermo del Toro, đạo diễn của bộ phim. Không giống nhiều đạo cụ nổi tiếng, chẳng có mấy bản nhái của khẩu Samaritan trên thị trường. Del Toro là người duy nhất sở hữu khẩu súng Samaritan gốc, được đúc bằng nhôm tại xưởng Weta Workshop lừng danh ở New Zealand. Ông cũng có một khẩu Samaritan khác đúc bằng cao su cứng nên đã đổi nó lấy một bản sao khẩu PKD Blaster, được Adam Savage đặt hàng làm theo giống hệt bản gốc.
Được chế tạo dựa hoàn toàn trên ý tưởng của nhà thiết kế hình ảnh TyRuben Ellingson về vũ khí của siêu nhân “Hellboy”, Samaritan là một trong những khẩu súng đạo cụ nặng nhất từ trước tới nay. “Khẩu Samaritan của tôi nặng khoảng 2,5 tới 3kg”, Savage tự hào nói. “Guillermo đã cho đúc khẩu súng này bằng cao su cứng, bởi ông muốn diễn viên cảm thấy sức nặng khi nhấc nó lên”. Xưởng Weta đã xử lý chi tiết súng rất tốt, tới mức nếu nhìn kỹ người ta vẫn nghĩ đây là khẩu súng gốc đúc từ nhôm. “Mức độ tinh xảo của khẩu súng đạo cụ này thật đáng kinh ngạc”, Savage chia sẻ. “Khi sờ vào khẩu súng đó, tôi thấy mình thật có diễm phúc”.
Thú sưu tầm "bệnh hoạn" của ông trùm ma túy núp bóng vỏ bọc doanh nhân
Như báo ANTĐ đã đưa tin về vụ việc Công an phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội bắt giữ đối tượng Đặng Huy ... |
Người sưu tập 50 máy hát nhạc cổ ở Vũng Tàu
Sau hàng chục năm sưu tầm, ông Võ Văn Hùng (56 tuổi, Vũng Tàu) có 50 chiếc máy hát, 1.000 băng đĩa nhạc xưa các ... |