Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng 5.000km cao tốc. Để thực hiện mục tiêu này cần phải tăng cường hợp tác nhà nước tư nhân (PPP), trong đó hình thức BOT rất quan trọng.
Tuy nhiên việc huy động nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án đường cao tốc hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, do đó, Bộ GTVT đã đề nghị dùng vốn ngân sách xây dựng một số tuyến rồi nhượng quyền cho tư nhân khai thác. Tuy nhiên, đề nghị này cũng đang khiến nhiều người băn khoăn…
Nhiều dự án mắc kẹt, chưa thể thu phí
Dự án án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ có 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km có thể vận hành, khai thác độc lập. Qua tính toán sơ bộ của Chính phủ, tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỉ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021-2025 cần bố trí khoảng 139.640 tỉ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỉ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư, chi phí giữ lại bảo hành công trình) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026-2030.
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, dự kiến bố trí cho dự án khoảng 47.169 tỉ đồng, trong giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỉ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư đường bộ cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, theo phương án này, trường hợp triển khai thành công cũng chỉ thu hút được khoảng 17.275 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách (chiếm khoảng 11,7% tổng mức đầu tư dự án ), trong khi phải xây dựng cơ chế đặc thù khác so với quy định của Luật PPP (tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư). Bên cạnh đó, mặc dù các dự án này có tính khả thi cao, nhưng vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn sẽ triển khai thành công do còn phụ thuộc vào thị trường...
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 7 dự án BOT giao thông đường bộ đã hoàn thành nhưng chưa thể thu phí. Phần lớn các dự án trên bị mắc kẹt từ năm 2018 đến nay, dừng hoặc chưa được thu phí, các nhà đầu tư đã rơi vào tình trạng vỡ phương án tài chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để. Để giải quyết vướng mắc, Bộ GTVT đề xuất ngân sách nhà nước bố trí hơn 9.400 tỉ đồng để trả cho các nhà đầu tư và bỏ các trạm thu phí này theo cơ chế đầu tư phục vụ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Bộ GTVT đề xuất bố trí ngân sách để xử lý các dự án BOT đã hoàn thành nhưng vướng mắc nên nhà đầu tư chưa thể thu phí hoàn vốn với tổng vốn dự kiến khoảng 9.427 tỉ đồng để hoàn trả chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp BOT và bỏ trạm thu phí.
Cần đảm bảo lợi ích của các bên
Nhìn nhận vấn đề trên PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, phương thức đầu tư PPP là mới ở Việt Nam, hiện chúng ta chỉ biết đến mô hình BOT (xây dựng - vận hành và chuyển giao). Bản chất của PPP có 7 loại hợp đồng và hợp đồng BOT đang được áp dụng nhiều. Từ 1/1/2021, Luật PPP ra đời, tuy nhiên vẫn chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Để giảm bớt khó khăn, các nhà đầu tư đã có phản ánh lên Chính phủ và Quốc hội để có những phương án tháo gỡ.
Hiện nguồn ngân sách Nhà nước phải chia cho nhiều lĩnh vực trọng điểm, do đó cần phải huy động nhiều nguồn lực xã hội vào tham gia. Việc thời gian qua các nhà đầu tư không mặn mà đối với các dự án BOT có nhiều nguyên nhân, nhưng khó khăn nhất vẫn là thị trường vốn, huy động vốn hiện chỉ mặc định duy nhất là nguồn tín dụng, nhưng hiện ngân hàng thương mại cũng không đồng ý cho vay, do đó các nhà đầu tư "hết cửa". Theo ông Trần Chủng, điều quan trọng nhất của các DN hiện nay là cần một sân chơi bình đẳng về vốn, hiện chỉ mặc định mỗi nguồn vốn tín dụng sẽ rất khó cho DN. Nhà nước cần triển khai phát hành trái phiếu cho DN vay hoặc mở ra một quỹ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Việc Nhà nước bỏ vốn đầu tư xong nhượng quyền khai thác cho tư nhân là 1 trong 7 hình thức của đối tác công tư (Nhà nước và tư nhân cùng tham gia đầu tư). Theo đó, để giảm bớt gánh nặng về quản lý và chi phí sẽ ký hợp đồng quản lý vì đường cao tốc chi phí rất lớn với quản lý chi phí và vận hành khai thác…
Dưới một góc nhìn khác, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho hay, nếu Nhà nước đầu tư sau đó khoán lại việc thu phí cho 1 đơn vị tư nhân là việc làm bình thường, đây là việc thuê công ty tư nhân thu phí và việc lỗ lãi do Nhà nước chịu. Phương án thứ 2 là bán lại dự án cho tư nhân để hoàn vốn ngay, chúng ta chưa có tiền lệ này vì công trình giao thông là công trình của Nhà nước, nếu có thực hiện cũng rất khó khăn. Nếu bán cho tư nhân họ có quyền quyết định mức phí, việc này nhiều nước đã thực hiện, nếu bán phí cao người dân sẽ không đi và lỗ là điều chắc chắn do đó DN cần phải điều chỉnh mức giá làm sao cho người dân có thể chấp nhận được. Sở dĩ vừa qua BOT phức tạp do mức thu phí, không do cơ chế thị trường quyết định, do đó mức phí phải hài hoà lợi ích của Nhà nước - nhà đầu tư - người dân.
Theo ông Đức, muốn minh bạch cần phải có thể chế rõ ràng, hiện Luật PPP đã có và rất mở nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện thì chưa được hoàn thiện. Cần giải quyết triệt để những vướng mắc của các dự án BOT trước đây. Hiện phần lớn dự án BOT đều vay vốn ngân hàng nên hiện các ngân hàng cũng không mặn mà với việc cho vay BOT giao thông.
Về vấn đề này, nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trước thực tế khó khăn thì cần phải đầu tư công theo một cơ chế chung. Tuy nhiên, đầu tư công thì sẽ thu hồi vốn như thế nào, vì đường làm bằng ngân sách Nhà nước thì không thu phí. Nguồn ngân sách bằng thuế do đó nếu không giải quyết được vấn đề này thì thuế chồng thuế và người dân bị thiệt thòi…
Đặng Nhật