Tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Đìu hiu ngày đầu bán vé!

Sau 15 ngày tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành với lượng khách có những ngày đông đúc, trong ngày 21/11 (ngày đầu Hà Nội thực hiện thu phí khách đi tàu) nhiều toa tàu bất ngờ vắng khách, có thời điểm sảnh lên tàu chỉ có nhân viên nhà ga.

Khách đi lại chưa nhiều

Theo ghi nhận, trong buổi sáng ngày 21/11, ngày đầu tiên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bán vé, lượng khách đi lại ít, mỗi toa tàu chỉ lác đác vài người, trái ngược hoàn toàn với cảnh người dân chen nhau đứng trong các toa tàu ở ngày cuối (20/11) tàu chạy miễn phí. Qua mỗi một ga, đoàn tàu lại đón nhận số lượng khách ít ỏi chỉ 2-3 người, nhiều ghế trong khoang còn trống. Tuy nhiên, theo đại đa số hành khách đi tàu đều chung nhận định, tàu đi lại nhanh, thuận tiện.

Bác Nguyễn Văn Tiến (Yên Nghĩa- Hà Đông) chia sẻ: “Mấy ngày nay tôi thường đi tàu điện này để ra nhà con gái ở Giảng Võ, nếu so sáng ngày chính thức bán vé với các sáng cuối tuần trước được miễn phí, lượng khách giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nhận thấy với mức giá 30.000đ (không giới hạn lượt đi trong ngày), phương tiện sạch sẽ, đi lại nhanh là rất hợp lý. Tôi nghĩ ai có việc cần đi, dù mất phí thì họ vẫn chọn phương tiện công cộng hiện đại này”.

IMG_5874-1637545944414.JPG

Thời gian đầu, Metro Hà Nội bố trí nhân viên đứng tại máy bán vé tự động để hướng dẫn người dân mua vé.

Trong khi đó, chị Quỳnh Hoa, nhân viên văn phòng làm việc ở Ba Đình cũng bày tỏ: “So với tàu bên Nhật Bản, mình thấy cách phục vụ, quy trình lên tàu ở đây cũng khá chuyên nghiệp, văn minh, tốc độ khá tốt. Tiện hơn xe buýt vì tách biệt với dòng người trên đường". Nhân viên ga đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho biết, khách muốn đi tàu, tại ga Cát Linh sẽ gửi xe tại đầu ngõ 168 Hào Nam, cách đó khoảng 300m. Điểm trông giữ xe được bố trí ngay phía cuối ga Cát Linh, người dân không phải đi bộ quá xa. Giá vé cho mỗi xe máy là 5.000 đồng/lượt.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, trong 15 ngày vận hành miễn phí, đơn vị đã vận hành được 2.554 chuyến tàu an toàn, chở 380.510 hành khách.

Như vậy, bình quân 1 ngày tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận chuyển được khoảng 25.000 hành khách, trong đó lượng người đi bình quân của ngày làm việc là khoảng 19.000 hành khách. Về lượng phân bổ hành khách, theo ông Trường, nhà ga Cát Linh chiếm 28%, ga Yên Nghĩa chiếm 24%. Còn lại 10 nhà ga chiếm hơn 40%. Riêng nhà ga Cát Linh mỗi ngày có từ 1.000-1.500 người gửi xe máy. Riêng trong sáng 21/11, đơn vị đã phát hiện trường hợp khách cố tình mua vé 8.000 đồng nhưng vẫn đi đến ga cuối là Yên Nghĩa (quy định 15.000 đồng). Đơn vị đã xử lý, yêu cầu người này trả thêm phí để đổi vé.

Giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông phù hợp với khả năng chi trả của người dân

Đánh giá về thời gian đầu khai thác, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, người dân Hà Nội rất hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, thành phố phát triển giao thông công cộng mà xương sống là đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. “Có thể thấy rằng người dân vô cùng chia sẻ với phương thức vận tải mới và tiếp cận nhanh, thể hiện ở chỗ những ngày đầu Metro Hà Nội phải tăng cường rất đông nhân lực để hướng dẫn người dân đi tàu. Đến nay, những người đi tàu đã trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên cho người khác”, ông Trường nói.

Ông cũng thông tin thêm, trong ngày đầu bán vé thu tiền, hành khách chưa quen việc mua vé và sử dụng. Do đó, Metro đã bổ sung 100 người để hướng dẫn khách mua vé đồng thời sẽ khắc phục ngay những tình huống phát sinh. Giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông được Nhà nước trợ giá 60-70% và phù hợp với nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dân.

Cụ thể, hành khách đi vé lượt (8.000-15.000 đồng/vé) có thể mua từ máy bán vé tự động (thực hiện theo hướng dẫn trên máy) hoặc mua tại quầy của nhân viên. Để thuận tiện khi mua vé tại máy bán vé tự động, hành khách nên chuẩn bị tiền có mệnh giá dưới 100.000 đồng. Hành khách đi vé ngày (30.000 đồng/vé, có hiệu lực trong ngày, không giới hạn lượt đi), mua tại quầy bán vé trực tiếp.

Người mua vé tháng phổ thông (200.000 đồng/tháng; vé có tác dụng trong 30 ngày, sau 30 ngày trả lại vé cũ để lấy vé mới), mua tại quầy bán vé, cung cấp thông tin cá nhân và trả tiền sẽ được nhận vé ngay. Với vé tháng mua tập thể được giảm 30% (140.000 đồng/vé), với số lượng từ 30 người trở lên. Mua vé tháng ưu tiên (giảm 50% (100.000 đồng/tháng): Học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp), mua tại quầy vé.

Người mua cung cấp thông tin cá nhân chứng minh là đối tượng ưu tiên (như thẻ học sinh, sinh viên hoặc xác nhận là lao động tại các khu công nghiệp), nhận thẻ như vé tháng bình thường có dán tem ưu tiên. Hành khách đi miễn phí là những người đã được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí của Trung tâm quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đưa thẻ miễn phí xe buýt tại quầy vé để được phát thẻ vé 0 đồng như 15 ngày đi miễn phí.

Tuyến đường sắt dài 13 km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng, thời gian chỉ mất 13 phút và không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng. Dọc đường sắt có 52 tuyến xe buýt, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ. Trong giai đoạn từ 21/11 đến 6/5/2022, các đoàn tàu hoạt động từ 5 giờ 30-22 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút có một chuyến tàu dừng tại ga.

Đặng Nhật

Vé tàu Cát Linh-Hà Đông như xe buýt, ai cũng có thể đi được Vé tàu Cát Linh-Hà Đông như xe buýt, ai cũng có thể đi được
Tàu Cát Linh- Hà Đông chuẩn bị bán vé, khách mua vé đi tàu thế nào? Tàu Cát Linh- Hà Đông chuẩn bị bán vé, khách mua vé đi tàu thế nào?
Ảnh: Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông "hút" giới trẻ dịp cuối tuần Ảnh: Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông "hút" giới trẻ dịp cuối tuần
/ cand.com.vn