Nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine

Chiều 29/3, các chuyên gia đàm phán của Nga và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán hòa bình mới tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ để nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Truyền hình nhà nước Ukraine đưa tin, các chuyên gia đàm phán của hai bên bắt đầu cuộc họp mà không có màn bắt tay như thông lệ.

Tổng thống nước chủ nhà Recep Erdogan đã nồng nhiệt chào đón hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine tại Cung Dolmabahce ở thành phố Istanbul. Mở đầu bài phát biểu trước khi hai bên tiến hành đối thoại, Tổng thống Recep Erdogan đã gọi đại diện Nga và Ukraine là “những người bạn quý”, đồng thời nhấn mạnh “không có người nào thua trong một nền hòa bình công bằng.

Kéo dài cuộc xung đột hiện nay không có lợi cho bất kỳ ai”. Ông cho rằng đây là thời điểm để các cuộc thương lượng mang lại kết quả rõ ràng. Ông nhận định tiến trình đàm phán đang làm gia tăng hy vọng về hòa bình, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc họp này sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia và khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hy vọng tiến triển trong các cuộc đối thoại tại Istanbul sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa hai người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định Ankara sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp như vậy, đồng thời nhấn mạnh cả thế giới đang chờ tin tốt lành từ cuộc đàm phán tại Istanbul và cuộc họp đã sẵn sang để bắt đầu.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 28/3 tuyên bố mục tiêu của nước này tại cuộc đàm phán với Nga sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhất trí một lệnh ngừng bắn. Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Kuleba đã đưa ra tuyên bố trên và cho biết ngoài việc mong muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn còn có vấn đề nhân đạo.

Nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine -0

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu chào mừng hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh vẫn có khả năng nước này và Ukraine đạt được một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán sắp tới. Ông khẳng định Nga mong muốn có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ sự trung gian nào của phương Tây trong các cuộc đàm phán với Kiev.

Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội cho hoạt động ngoại giao. Đó là lý do tại sao chúng tôi đồng ý với các cuộc đàm phán, đang được nối lại ở Istanbul”. Ngoại trưởng Sergei Lavrov giải thích rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, đã nỗ lực rất nhiều để đưa hai bên vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, không cần thiết phải đưa Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ - những nước ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột – vào tiến trình đàm phán hòa bình.

Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine đã bước sang tháng thứ hai và phương Tây đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về những điều kiện mà Ukraine có thể chấp nhận được trong một thỏa thuận hòa bình với Moscow, đặc biệt liên quan đến những đảm bảo an ninh mà các thành viên của liên minh này có thể cung cấp cho Kiev. Bên cạnh đó, cũng có những sự chia rẽ trong NATO về việc hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine hay câu hỏivề việc liệu trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin có mang lại hiệu quả hay không. Một số khác biệt đã xuất hiện vào cuối tuần trước sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng người đồng nhiệm Nga “không thể tiếp tục nắm quyền” - bình luận làm dấy lên nhiều tranh cãi và lo ngại.

Khi được hỏi về bình luận này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra nhận định rằng: “Chúng ta không nên leo thang căng thẳng, dù là qua lời nói hay hành động” và rằng, để tránh đối đầu quân sự, mục tiêu là đạt được lệnh ngừng bắn hiện nay và sau đó Nga phải rút quân, chuyển qua các biện pháp ngoại giao. Có cùng lập trường, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Steffen Hebestreit nói rằng: “Giữa những tình huống tồi tệ mà chúng ta phải đối mặt trong những ngày tới và thực sự là trong những tuần tới, ưu tiên cao nhất hiện nay là đạt được lệnh ngừng bắn”. Đức phản đối việc điều lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tới Ukraine và từ chối thiết lập vùng cấm bay.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tuần trước, ông Olaf Scholz cảnh báo không nên tiến hành bất kỳ bước đi vội vã nào, chẳng hạn như việc từ bỏ thỏa thuận Sáng lập quan hệ Nga - NATO (Founding Act of Russia - NATO). Chính phủ Đức coi việc duy trì thỏa thuận này vẫn có vai trò cần thiết.

Chấm dứt thỏa thuận này sẽ chỉ là động thái mang tính biểu tượng và không giúp ích gì cho việc chấm dứt chiến sự. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho rằng EU cần tiếp tục đối thoại với Nga về tình hình Ukraine, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ của mình.

Tuy nhiên, những thành viên NATO khác lại cho rằng, lập trường mà Đức và Pháp đang theo đuổi với Nga sẽ phản tác dụng và có thể đem lại lợi thế cho Moscow. Anh, Ba Lan, cùng với các quốc gia Trung và Đông Âu - ngoại trừ Hungary, đều bày tỏ hoài nghi về việc Nga và Ukraine đàm phán được một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được. Thậm chí, một nhà ngoại giao từ một nước Đông Âu đã nhận định rằng, những bên thúc đẩy Ukraine đồng ý với thỏa thuận hòa bình mà không có điều khoản Nga rút toàn bộ quân là những người đang “ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ hoài nghi về triển vọng đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine với những điều khoản có thể chấp nhận được.

Một khía cạnh bất đồng khác giữa các nước NATO là họ nên tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraine ở mức độ nào giữa những lo ngại về phản ứng của Nga. Các nhà lãnh đạo từ Anh, các nước vùng Baltics và hầu hết các nước Đông Âu kêu gọi các đồng minh NATO cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là khả năng phòng không để nước này đẩy lùi các cuộc tiến công của Nga. Tuy nhiên, dù vẫn cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng chính phủ một số nước Tây Âu cho rằng sẽ có một vài hạn chế về những loại vũ khí có thể cung cấp do lo ngại căng thẳng có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Một quan chức Pháp cho biết, việc gửi xe tăng - điều mà Tổng thống nước này đã công khai bác bỏ và các chiến đấu cơ sẽ “châm dầu vào lửa” cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với giới quan sát ở Moscow đã khen ngợi ông Emmanuel Macron khi nói rằng lập trường của nhà lãnh đạo Pháp mang tính tích cực và giúp ích cho việc tránh leo thang căng thẳng. Nguồn tin này cho rằng Tổng thống Pháp hiểu rõ việc điều vũ khí với Ukraine sẽ chỉ tạo thêm nhiều mục tiêu tấn công cho Quân đội Nga và khiến việc đạt được lệnh ngừng bắn ngày càng khó khăn hơn.

Những tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình Nga – Ukraine Những tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình Nga – Ukraine

“Đàm phán Nga – Ukraine đang chuyển biến tích cực”, “Nga đang lắng nghe cẩn thận những đề xuất từ phía Ukraine và các cuộc ...

/ cand.com.vn