Những tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình Nga – Ukraine

“Đàm phán Nga – Ukraine đang chuyển biến tích cực”, “Nga đang lắng nghe cẩn thận những đề xuất từ phía Ukraine và các cuộc đối thoại đang mang tính xây dựng”, “Lập trường Nga và Ukraine đã gần gũi với nhau hơn trong nhiều vấn đề”… là những đánh giá của cả phía Nga và Ukraine về kết quả của tiến trình đàm phán cho tới thời điểm hiện tại.

Hôm 14/3, cố vấn của Tổng thống Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych tin tưởng rằng Ukraine có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga “không muộn hơn tháng 5, đầu tháng 5... và có thể sớm hơn nhiều là chỉ trong một hoặc hai tuần nữa”. Mặc dù vậy, quan chức này lưu ý, ngay cả cả khi hai bên đã nhất trí về hòa bình, các cuộc đụng độ nhỏ ở cấp chiến thuật vẫn có thể xảy ra trong vòng một năm, bất chấp việc Ukraine kiên quyết yêu cầu loại bỏ hoàn toàn Quân đội Nga khỏi lãnh thổ của mình. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh vòng đàm phán thứ 4 với Nga ngày 14/3, theo hình thức trực tuyến, đã tạm dừng kỹ thuật để “các phân nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định”.

Những tín hiệu tích cực về giải pháp hòa bình Nga – Ukraine -0

Một trong những vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ảnh: AP

Trong khi đó, theo Tổng thống Ukraine Volodimir Zelensky, các cuộc đàm phán sẽ được nối lại và tiến trình đàm phán với Nga đang được nhiều bên hỗ trợ: “Tôi đã nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel. Chúng tôi có 100% sự hiểu biết lẫn nhau. Cuộc trò chuyện với Thủ tướng Israel Bennett cũng rất quan trọng. Là một phần của nỗ lực đàm phán nhằm kết thúc cuộc chiến này càng sớm càng tốt, với một nền hòa bình công bằng, phái đoàn của chúng tôi cũng đã làm việc về vấn đề này trong các cuộc đàm phán với bên Nga. Mọi thứ khá tốt, như tôi đã nói. Nhưng chờ xem, các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào ngày 15/3 (giờ địa phương)”.

Trước khi vòng đàm phán thứ 4 diễn ra, Trưởng đoàn Ukraine Mykhailo Podolyak cho hay, các bên sẽ thảo luận về một giải pháp hòa bình, lệnh ngừng bắn, việc Nga rút quân và những đảm bảo an ninh cho Ukraine trong tương lai. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng rất mong muốn được gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Thế giới đang theo dõi sát tiến trình đàm phán Nga – Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 14/3 hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa giới chức Ukraine và Nga cũng như những nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa hai bên. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, các cuộc đàm phán cần phải sớm đem lại kết quả, đó là cho phép thực thi lệnh ngừng bắn.

“Chúng tôi hoàn toàn nhất trí rằng phải có một lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt. Bởi vì điều này hiện tại rất quan trọng để không còn sinh mạng nào tiếp tục bị đe dọa. Phải có hành lang an toàn cho dân thường sơ tán khỏi những nơi có nguy cơ rủi ro cao mà không gặp bất cứ nguy hiểm nào. Điều này cần phải được thực hiện ngay lập tức. Chỉ có một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine”, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết.

Cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Thủ đô Rome (Italy). Tại cuộc hội đàm, ông Dương Khiết Trì đã nêu rõ quan điểm của Bắc Kinh đối với tình hình hiện nay tại Ukraine. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine để sớm đạt được các kết quả thực chất, giúp giảm leo thang căng thẳng.

Bên cạnh đó, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cũng hối thúc các bên kiềm chế tối đa, bảo vệ dân thường và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, cũng như cần đưa ra tầm nhìn dài hạn, ủng hộ tầm nhìn về an ninh chung, hợp tác toàn diện và bền vững. Trong khi đó, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, hai bên đã có cuộc hội đàm quan trọng và thẳng thắn, trong đó nhất trí “tầm quan trọng của việc duy trì các đường liên lạc mở giữa Mỹ và Trung Quốc”. Hòa chung nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và Ukraine, lãnh đạo Israel, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ngoại trưởng Qatar những ngày qua liên tiếp thực hiện các chuyến thăm, cuộc điện đàm để nỗ lực trung gian hòa giải cho Moscow - Kiev.

Kỳ vọng các nỗ lực ngoại giao giữa Ukraine và Nga sẽ giúp chấm dứt xung đột, thị trường dầu mỏ thế giới đã có phản ứng tích cực. Giá dầu thế giới giảm 8%, xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua. Cụ thể, tại thời điểm giao dịch lúc 14h45 (giờ Việt Nam) ngày 15/3, giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) kỳ hạn giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức giá 97,43 USD/thùng, giảm 5,88 USD/thùng, tương đương với mức giảm 5,42% so với chốt phiên ngày 14/3. Giá dầu Brent Biển Bắc cùng thời điểm là 100,84 USD/thùng, giảm 6,06 USD/thùng, tương đương mức giảm 5,63 USD/thùng so với chốt phiên trước đó. Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày 1/3, dầu WTI xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng. Trước đó, dầu WTI từng mất giá 5,8% sau khi chốt phiên giao dịch ngày 14/3.

“Kỳ vọng vào diễn biến tích cực trong đàm phán ngừng bắn Nga-Ukraine làm dấy lên hy vọng giúp giảm căng thẳng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Lệnh phong tỏa được được áp dụng tại nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 cũng gây ra quan ngại về cầu suy yếu”, ông Toshitaka Tazawa, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Fujitomi Co Ltd. (Nhật Bản), nhận định.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, tình hình vẫn có thể leo thang, nếu tiến trình đàm phán chững lại; Nga mở thêm các đợt tấn công, Ukraine có khả năng đang dồn lực để phản công lại. Mỹ và châu Âu vẫn đang mở rộng trừng phạt lên Nga, với gói trừng phạt thứ 4 được EU thông qua ngày 14/3. Nhật Bản cùng nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới G7 cũng công bố các lệnh trừng phạt mới. NATO đang xem xét họp trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tính đến châu Âu nhóm họp cùng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong NATO và với các đồng minh châu Âu, nhưng hiện chưa có quyết định cuối cùng nào về chuyến công du. Trong khi đó, các thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đang quan ngại cuộc xung đột ngày một tăng giữa Nga và Ukraine cuối cùng có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột trực tiếp với Quân đội Nga. Do đó, các nghị sỹ của cả hai đảng đều ủng hộ quyết định của Tổng thống Biden trong việc vạch ra giới hạn liên quan đến việc đưa Quân đội Mỹ vào thực địa ở Ukraine hoặc thực thi vùng cấm bay do những động thái như vậy có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn nhiều.

Khổng Hà

Xung đột Nga - Ukraine định hình trật tự mới trên bản đồ năng lượng thế giới Xung đột Nga - Ukraine định hình trật tự mới trên bản đồ năng lượng thế giới
Điều kiện nào để Nga ngừng bắn tại Ukraine Điều kiện nào để Nga ngừng bắn tại Ukraine
Tổng thống Ukraine không còn tha thiết gia nhập NATO? Tổng thống Ukraine không còn tha thiết gia nhập NATO?

/ cand.com.vn