Hôm thôn Mỹ Điền bị phong tỏa, Hoàng Thị Nhàn gặp chị Lường Thị Tiểu, công nhân khu công nghiệp Đình Trám đang ra đồng hái rau dại về nấu mì tôm.
Hỏi chuyện, chị Nhàn mới biết vợ chồng Tiểu đều là người dân tộc Thái, từ quê ở Mường La, Sơn La xuống Bắc Giang làm được 20 ngày. Họ mới nhận mỗi người hơn 600.000 đồng tiền lương thì ba thôn My Điền 1, 2, 3 của huyện Việt Yên bị phong tỏa vì Covid-19, hôm 10/5. Ở quê, nữ công nhân này còn phải nuôi hai con 6 tuổi, 9 tuổi và mẹ chồng già yếu.
Biết hoàn cảnh của Tiểu, chủ nhà trọ tặng vợ chồng chị 5 kg gạo, 5 quả trứng để cứu đói tạm thời. Nhàn cũng lên mạng xã hội kêu gọi mọi người ủng hộ.
Công nhân ở Việt Yên soi đèn bắt cua, ốc về cải thiện bữa ăn những ngày đầu phong tỏa. Ảnh: Hoàng Nhàn. |
"Nhiều người là dân tộc thiểu số, vừa đặt chân đến khu công nghiệp thì dịch bệnh. Tiếng Kinh của họ không sõi, người thân cũng không có. Họ thường ở trọ trong các ngõ sâu nên những ngày đầu phong tỏa, các đoàn tiếp tế chưa biết để giúp", chị Nhàn kể.
Nhàn cũng là chủ của 38 phòng trọ ở thôn My Điền 1, với khoảng 60 công nhân đang ở. Lệnh phong tỏa ban hành, nữ chủ trọ đang mang bầu tháng thứ năm vội chạy xe đi mua nhu yếu phẩm tiếp tế cho những người ở trọ ở nhà mình, mỗi suất hơn 100.000 đồng. Chị cũng hứa giảm tiền phòng tháng 5.
Trên mạng xã hội, hễ thấy ai có khả năng trở thành mạnh thường quân, Nhàn lập tức vào nhắn tin, "kêu khổ" hộ các công nhân ngoại tỉnh. Một trong những mạnh thường quân đầu tiên mà chị cầu cứu là anh Nguyễn Tuấn Anh, 34 tuổi, người ở cách tâm dịch chỉ 1,5 km.
Từ hôm 8/5, khi có tin Việt Yên xuất hiện ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, Tuấn Anh đã chủ động lấy nhu yếu phẩm trong tiệm tạp hóa của nhà gửi cho nhân viên y tế chống dịch. "Một số người bạn là bác sĩ chia sẻ, nhân viên y tế rất vất vả nên tôi muốn giúp họ", anh nói. Nhưng khi ba thôn My Điền bị phong tỏa, tình cảnh công nhân khiến anh sốt ruột hơn.
"Vô vàn những cảnh khó khăn. Có chủ trọ gửi cho tôi cảnh công nhân chan nước lọc vào cơm để nuốt cho dễ trôi", Tuấn Anh nói. Cùng với vài người bạn, anh góp gạo, góp tiền mua nhu yếu phẩm chuyển thẳng đến các chốt kiểm dịch. Khi nghe chị Nhàn kể về những công nhân dân tộc thiểu số phải hái rau dại, soi đèn bắt cua trong đêm kiếm cái ăn, nhà còn ba bao gạo và 300 quả trứng, Tuấn Anh chẳng suy nghĩ nhiều, chở thẳng đến chốt kiểm dịch, nhờ Nhàn mang về chia nhỏ, phát chống đói cho công nhân.
Hai người bỗng dưng trở thành đầu mối của một mạng lưới tiếp tế. Tuấn Anh là điểm tiếp nhận ở ngoài vùng phong tỏa, Nhàn và bạn bè ở trong vùng phong tỏa nhận hàng hóa, chia nhỏ, chuyển về các nhà trọ để phát cho công nhân. "Tất cả cũng chỉ như muối bỏ biển vì công nhân quá đông", bà chủ trọ kể. Hiện tại, ba thôn My Điền có khoảng 20.000 người thuê trọ.
Mấy hôm đầu, được cứu trợ 50 kg gạo, Nhàn đành "bấm bụng" chia thành 60 suất để nhiều người được nhận cứu trợ hơn. Hôm 18/5, chị kêu gọi được 30 suất cơm. Vừa lên mạng thông báo, mọi người đã nườm nượp đến. Không đủ phân phát, chị bê luôn nồi cơm vừa nấu của nhà ra chia.
Chìa hai suất ăn có thịt lợn, rau cải và lạc rang vừa được nhận, Lường Thị Tiểu hồ hởi: "Tám ngày rồi, hôm nay mới được một bữa có thịt". Mấy ngày qua, nhờ các mạnh thường quân, vợ chồng chị không phải ra đồng hái rau, có lạc, có trứng và gạo ăn qua bữa.
Tuấn Anh (thứ hai từ phải sang) đang tiếp nhận thực phẩm cứu trợ cho công nhân. Ảnh: Huyện đoàn Việt Yên. |
Từ khi Covid-19 bùng phát ở quê nhà, anh Tuấn Anh thường đi ngủ lúc một giờ sáng và dậy trước 6 giờ. "Tôi phải để điện thoại về chế độ máy bay, tranh thủ ngủ. Sáng ra, tin nhắn người tặng, người xin đồ tiếp tế nườm nượp dội về", anh kể. Ông bố ba con ngày thường ít để tâm chuyện bếp núc nay lúc nào cũng kè kè giấy bút để theo dõi tiền được chuyển về tài khoản mình bao nhiêu, nhu yếu phẩm được ủng hộ từng nào. Sau đó, anh xem mọi người thiếu gì thì "đi chợ", chuyển đến nơi cần.
Hôm 12/5 là sinh nhật con út tròn hai tuổi, nhưng Tuấn Anh không thể dự vì sợ mình tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao. Người đàn ông này đã tự cách ly vợ con đã gần 10 ngày. "Đến hôm nay thì vợ tôi đã cáu. Nhưng thấy người ta cần mà mình không giúp, lòng không yên được", anh cười, nói.
Nhiều hôm cả ngày lao xe ngoài đường chở đồ tiếp tế, buổi trưa anh Tuấn Anh chỉ lót dạ bằng gói mì tôm để tiết kiệm thời gian. Từ ngày đầu phong tỏa đến nay, anh cùng với những người bạn đã kêu gọi được bốn tấn gạo, 400 thùng mì tôm, rau, trứng... cho hàng nghìn công nhân ở tâm dịch.
"Công nhân là đối tượng cần giúp đỡ nhất. Họ không có người thân ở gần, không có người tiếp tế nên Uỷ ban MTTQ, ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã luôn ưu tiên hỗ trợ họ", chị Nguyễn Thị Hương, chuyên viên Huyện đoàn Việt Yên, nói.
Chị Hương cho biết, người dân ở khắp nơi đang chung sức hỗ trợ công nhân. Nhiều gia đình trong vùng cách ly ở My Điền nhường đồ cứu trợ cho công nhân vì đã được gia đình tiếp tế. Họ còn hái rau, củ trong vườn mang ủng hộ người ở trọ.
"Làm công tác chống dịch thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Thấy xe của chúng tôi chở đồ cứu trợ đến các chốt, nhiều người cứ tự quăng lên xe những bao gạo, thùng mì tôm, nhờ mang đến tiếp tế cho công nhân", nữ cán bộ Huyện đoàn nói.
Công nhân nhận gạo, lạc, dầu ăn và ngô từ các mạnh thường quân. Ảnh: Hoàng Nhàn. |
Hà Thị Mai (22 tuổi, quê Lạng Sơn) mới đi làm tại khu công nghiệp Đình Trám được hơn 10 ngày. Cô thuê một phòng nhỏ tại My Điền 3. Trước lúc có dịch, cô thường đi làm tăng ca, ăn hai bữa ở công ty nên chưa kịp sắm nồi, xoong. Lệnh phong tỏa ban hành, "gia sản" của Mai chỉ là 10 gói mì tôm. Cô lo đói, nhưng chẳng dám cầu cứu bố mẹ nghèo ở quê.
Ngày đầu tiên, chủ trọ của Mai mang cho mỗi người một cốc nước mía hỏi han tình hình, hứa giảm nửa tiền trọ. Sang ngày thứ hai, chủ trọ tiếp tục chia cho mỗi phòng 5 gói mì tôm kèm chục trứng. Ngày thứ 3, bà lại tặng mỗi phòng ít rau kèm theo vài cân gạo "ăn cho đỡ xót ruột".
Không nấu cơm, không dám sang hàng xóm mượn nồi vì ngại tiếp xúc gần, Mai để gạo sang một bên. Hôm đó, lên hội nhóm công nhân khu công nghiệp Việt Yên, thấy một cô gái sống ở xóm trọ bên kêu đói đã mấy ngày, cô chia cho người này một nửa. "Người ta tiếp tế cho tôi, tôi lại hỗ trợ người khác. Trong hoạn nạn, đùm bọc nhau là lẽ thường", Mai nói.
Từ ngày 18/5, toàn huyện Việt Yên phong tỏa, có 95.000 công nhân ở trọ tại huyện bị "mắc kẹt". Các mạnh thường quân trên cả nước cũng đang khẩn trương chở nhu yếu phẩm về phục vụ tâm dịch. Tin nhắn dội về máy anh Tuấn Anh nhờ nhận hàng cứu trợ nhiều hơn. Chị Nhàn cũng bận chia, phát đồ cho công nhân, quên mình đang mang bầu, phải tránh tiếp xúc.
Huyện đoàn Việt Yên đã lập nhóm "Ý kiến công nhân trong vùng dịch" trên mạng xã hội, bao gồm một số chủ nhà trọ, công nhân, chủ các CLB nhà trọ. "Bất cứ khi nào công nhân cần, huyện đoàn sẽ lập tức cứu trợ hoặc đề nghị mạnh thường quân cứu trợ", chuyên viên Huyện đoàn Nguyễn Thị Hương, nói.
Phạm Nga - Hải Hiền
Thêm 111 ca COVID-19, Bắc Giang 78 ca
Chiều 19/5, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 111 ca COVID-19, trong đó 2 ca được cách ly ngay, ... |
Quân đội lập 2 bệnh viện dã chiến ở Bắc Giang, Bắc Ninh
Bộ Quốc phòng vừa có lệnh hỏa tốc thành lập 2 bệnh viện dã chiến tại Trường Sĩ quan Chính trị ở Bắc Ninh và ... |
9 giờ thần tốc lấy mẫu xét nghiệm 11.000 công nhân
Hơn 11.000 mẫu xét nghiệm công nhân hai công ty Crystal Martin Việt Nam và Công nghệ Lens Việt Nam, được lấy trong 9 giờ. |
Bắc Giang cách ly công nhân 2 phân xưởng Công ty TNHH Hosiden Việt Nam trong đêm
Những lao động làm việc tại phân xưởng số 1 và số 4 của Công ty TNHH Hosiden Việt Nam phải thực hiện cách ly ... |