Lũ quét ở Nghệ An: Nước dâng cao, đường sạt lở, các đoàn cứu hộ bị cô lập

Thông tin trên được một lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thông tin với PV Báo Điện tử VTC News vào lúc 11h30 ngày 23/7, khi vị này đang bị cô lập lại rốn lũ.

Theo vị lãnh đạo này, nhận thấy tình hình lũ trở nên phức tạp, đoàn cứu nạn, cứu hộ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã xuất phát từ Vinh lúc 12h khuya ngày 22/7, đến các xã miền núi để ứng phó.

Quốc lộ 7 (đoạn qua xã Tương Dương) chìm trong biển nước.

Quốc lộ 7 (đoạn qua xã Tương Dương) chìm trong biển nước.

"Với tinh thần không thể chậm trễ, đoàn cứu hộ đi khoảng 70 người, có mặt tại Khe Bố (xã Tam Quang) lúc 2h30 ngày 23/7. Tuy nhiên, nước dâng cao, đến hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận sâu bên trong", vị này cho hay.

Ngoài lực lượng chi viện này, hai ngày qua, 18 đồn biên phòng với hàng nghìn chiến sỹ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã trực tiếp ở tại địa phương, cùng với chính quyền ứng phó thiên tai.

"18 đồn biên phòng, chỗ bị nặng, chỗ bị nhẹ, nhưng phần lớn hiện nay đang bị cô lập không thể liên lạc được với nhau. Lực lượng cứu hộ đang trong tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", lên không được, xuống cũng không được. Đoàn chúng tôi đi đầu tiên nên có mặt được ở Khe Bố, các đoàn sau hiện đang tắc ở Con Cuông, xa hơn chúng tôi nhiều", vị này nói thêm.

Chúng tôi khó khăn mới liên lạc được với một chiến sỹ tại Đồn Biên phòng Keng Đu, đóng tại biên giới Việt - Lào (huyện Kỳ Sơn cũ), sóng điện thoại chập chờn, chiến sỹ này cũng xác nhận đang bị cô lập vì đường sá bị sạt lở, nước dâng cao không thể di chuyển.

Nước ngập tới nóc nhà.

Nước ngập tới nóc nhà.

"Thiệt hại về tài sản thì khó có thể ước chừng, quá mất mát cho bà con rồi. Còn về người thì chưa có thống kê", chiến sỹ này nói nhanh qua điện thoại.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Bộ Quốc phòng vừa có công điện gửi các đơn vị yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở tỉnh Nghệ An, Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng máy bay trực thăng cứu hộ khi có lệnh.

Theo Công ty thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An), lũ bắt đầu xuất hiện lúc 4h sáng 22/7 với lưu lượng 583m3/s, mực nước hồ cùng thời điểm là 189,08m. Lũ sau đó tăng nhanh đạt 1.500m3/s lúc 10h cùng ngày, mực nước hồ là 189,69m.

Lúc 10h15, công ty nhận được lệnh vận hành giảm lũ cho hạ du của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An.

Đến 16h, hồ chứa bắt đầu vận hành điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng 508m3/s (các cửa van mở hoàn toàn), tổng lưu lượng nước xả qua công trình 845m3/s, mực nước hồ cùng thời điểm là 191,23m (mực nước đón lũ thấp nhất là 191,5m).

Người dân sơ tán, tránh lũ, bị cô lập.

Người dân sơ tán, tránh lũ, bị cô lập.

Đến 2h sáng 23/7, lũ về hồ đạt đỉnh với lưu lượng 12.800m3/s. Tại thời điểm xuất hiện đỉnh lũ, hồ chứa thủy điện Bản Vẽ đã xả nước qua công trình cùng thời điểm là 3.285m3/s, cắt giảm đến 74% lưu lượng đỉnh lũ. Việc cắt, giảm lũ cho hạ du làm mực nước hồ tăng nhanh, hồ chuyển dần sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình.

Tuy nhiên do vùng hạ du đang xảy ra ngập lụt nghiêm trọng nên công ty đã báo cáo chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, xin chuyển từ chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình sang chế độ vận hành bất thường để hạn chế việc xả nước xuống hạ du, tiếp tục đóng góp vào việc giảm ngập lụt cho hạ du.

Tối 22/7, UBND tỉnh Nghệ An gửi thông báo khẩn đến các địa phương, lưu lượng về thượng lưu hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10.500m3/s (tần suất 0,02%, tức là 5.000 năm xảy ra một lần).

Tuệ Lâm / VTC News