Tuyến tiền liệt tăng dần kích thước do ảnh hưởng của testosterone có thể khiến nam giới bị đi tiểu nhiều, tiểu gắng sức, tiểu gấp…
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Hiền, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu hết nam giới đều bị phì đại tuyến tiền liệt lành tính, với tỷ lệ 40% ở người trên 50 tuổi. Tỷ lệ này ở tuổi 60 đến 59%, sang tuổi 80 khoảng 90% mắc bệnh.
Tuổi thọ dân số ngày càng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nam giới mắc bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt tăng theo. Tuyến tiền liệt là cơ quan chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục nam -testosterone. Nó tăng dần kích thước do ảnh hưởng của testosterone từ lúc nam giới bước vào độ tuổi dậy thì.
Bác sĩ siêu âm cho bệnh nhân tiền liệt tuyến |
Bình thường tuyến tiền liệt nam giới trưởng thành nặng khoảng 20 g, ổn định đến năm 40 tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt luôn rất cao khi họ bước qua tuổi trung niên. Tuyến tiền liệt phì đại nặng từ 30 g đến hàng trăm g. Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai từng điều trị cho một trường hợp bị phì đại tuyến tiền liệt nặng 180 g.
Theo tiến sĩ Hiền, kích thước to hay nhỏ không quá quan trọng bằng triệu chứng lâm sàng. Khi có biển hiện đi tiểu không hết, tiểu ngắt quãng, tia nước tiểu yếu, tiểu phải gắng sức, đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp... thì nam giới nên đi khám để được điều trị. Bệnh ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh, nhất là tiểu đêm khiến họ không có giấc ngủ ngon. Có bệnh nhân một đêm đi tiểu đến 12 lần.
Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc, sau 3-6 tháng không cải thiện sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị khác như mổ, đốt laser, sóng cao tần... Uống thuốc chỉ mang tính chất tạm thời, người bệnh phải uống liên tục, kéo dài. Phẫu thuật được coi là tiêu chuẩn “vàng”, giúp giải quyết vấn đề đi tiểu của người bệnh, tuy nhiên nhược điểm là phải nằm viện điều trị dài ngày, truyền máu, nguy cơ hội chứng nhược trương… Về lâu dài, bệnh có thể biến chứng như đi tiểu không tự chủ được khoảng 10-20%, 30% xuất tinh ngược dòng…
Hiện nay, người bệnh có thể điều trị bằng cách nút mạch, trên nguyên tắc gây tắc các nhánh của động mạch tuyến tiền liệt làm mô tuyến hoại tử, co nhỏ lại, làm giảm hay mất các triệu chứng do tăng sản tuyến tiền liệt gây ra. Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, người bệnh chỉ cần nằm bất động 8 giờ sau can thiệp là có thể về nhà, hầu hết không bị đau đớn gì.
Đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện hơn 200 ca nút mạch, chưa có bệnh nhân nào bị tai biến. Bảo hiểm y tế đã chi trả cho kỹ thuật này, nếu thuộc diện đồng chi trả 80% bệnh nhân đóng thêm 2-3 triệu đồng.
Cụ ông 104 tuổi được mổ cắt u tuyến tiền liệt |
Kỹ thuật mới trị bệnh đàn ông |
Vì sao lại bị ung thư tuyến tiền liệt? |
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/khoe-dep/dan-ong/nam-gioi-bi-phi-dai-tuyen-tien-liet-dieu-tri-nhu-the-nao-3667921.html