Tôi ra lô Tư Chính hồi tháng 5 vừa rồi, đã thấy thấp thoáng những con tàu khác, không có cờ đỏ sao vàng. Tuần trước, lòng bỗng cồn cào, tôi gọi ra cho một số chiến sỹ nhà giàn: “Các anh thế nào?” - “Chúng tôi vẫn công tác tốt. Chỉ cần mọi người giữ lòng, chỉ cần đất liền được bình yên”.
Tôi ra lô Tư Chính hồi tháng 5 vừa rồi, đã thấy thấp thoáng những con tàu khác, không có cờ đỏ sao vàng. Tuần trước, lòng bỗng cồn cào, tôi gọi ra cho một số chiến sỹ nhà giàn: “Các anh thế nào?” - “Chúng tôi vẫn công tác tốt. Chỉ cần mọi người giữ lòng, chỉ cần đất liền được bình yên”.
Nghe họ nói thế, nhưng tôi chẳng dám khẳng định các anh đang hoàn toàn yên ả. "Các anh cần gì không?", tôi gặng hỏi. Một người nói anh muốn xin vài ấm trà mạn Thái Nguyên để uống đêm. Tôi và một số bạn bè quyên góp chè, trong lòng tôi luôn hiện ra cảnh những đêm thao thức của lính nhà giàn, chong mắt ra biển khơi gió lộng.
Trong chuyến đi Trường Sa tháng 5 rồi, tôi đã đếm và ghi chép. Quần đảo có chín ngọn hải đăng, khác nhau hoàn toàn về thiết kế, chiều cao, màu sắc, tính chất sáng. Ở nơi xa khơi này, chớp sáng của hải đăng, chính là Tổ quốc.
Chín ngọn hải đăng, chín mắt thần đặc biệt. Tàu thuyền từ đất liền ra khơi sẽ nhìn thấy hải đăng Đá Lát, ngọn đèn cao nhất mà cũng gian khó nhất. Đẹp nhất lại phải kể tới hải đăng Đá Tây nằm cạnh đảo Đá Tây. Mỗi ngày, bình minh hay hoàng hôn, ánh nắng đều xuyên suốt tạo nên vẻ kỳ vĩ, vừa hắt thẳng lên ngọn đèn, vừa chiếu xuống biển có thềm san hô muôn màu. Từ sắc màu thiên nhiên pha trộn ấy, khúc xạ lên ngọn tháp. Đá Tây cũng là một trong những điểm tránh trú bão của quần đảo. Bão to đến, tàu thuyền sẽ về lòng hồ Đá Tây neo trú.
Hải đăng Sinh Tồn có kiến trúc vững chãi với chân đế vuông, uy nghi nổi trên nền xanh của đảo. Hải đăng Sơn Ca trông rất lãng mạn, hình trụ, cửa sổ tròn, sơn màu đỏ vàng, chóp đèn giống như vương miện chúa biển.
Những con người chăm ngọn đèn không bao giờ tắt ấy đa phần gắn bó với đảo rất nhiều năm, có người vài ba chục năm là bình thường. Lúc rủi ro, hiểm nguy trên biển, tàu thuyền cần nhất hải đăng. Chớp sáng của hải đăng chính là Tổ quốc, là nhịp tim, là mắt thần chốn đảo xa quyết định hướng đi cho tàu thuyền lênh đênh trên biển cả.
Tôi gặp anh Trịnh Văn Nguyên quê ở Hải Phòng, người có 23 năm công tác tại 6 trong 9 ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa. Chừng ấy năm công tác, anh có 17 lần ăn Tết ở đảo xa, 8 năm liên tiếp đón giao thừa ở đây. Tôi hỏi anh về nỗi vất vả, anh cười. Anh bảo, ở đây khí hậu khắc nghiệt, gió bão thất thường, "đến cây lá còn khổ sở, người dẫu gì cũng còn nghe hơi ấm từ nhau". Ám ảnh nhất với anh là ánh mắt bạc phếch, vô hồn, cạn khô của ngư dân bỗng rỉ ra một dòng nước đục màu muối.
Đó là khi anh nhớ những lần cùng đồng đội cứu hộ ngư dân trên biển. Thường đó là những ngày thiên tai, người đi biển sau giông bão bị mất phương hướng và chỉ còn biết dạt trôi theo sóng biển, đợi chờ một phép màu được cứu. Khi được lực lượng gác hải đăng phát hiện, báo cho bộ đội trên đảo để làm công tác cứu hộ cứu nạn, những ngư dân sẽ gặp phép màu.
Thường khi các anh nhìn thấy, họ đã đói khát nhiều ngày, gần như tin rằng không còn cơ hội sống sót. Nước chảy từ mắt họ trôi trên gò má đen đúa. Anh bảo giọt nước mắt đầu tiên có lẽ là giọt nước mắt tuyệt vọng, vì không dám tin mình còn thấy mặt người. Mãi một lúc sau họ mới tin là "được gặp bộ đội mình" – tia sáng cuối cùng với họ giữa biển mênh mông. Và khóc vì sung sướng.
Vậy mà anh Nguyên vẫn không ít lần cảm thấy bất lực và có lỗi, vì có những ngư dân không thể tìm ra hải đăng để trở về. Khác đại biểu lên thăm đảo, với ngư dân, bộ đội luôn có cảm xúc đặc biệt. Vì mưu sinh, ngư dân phải bám biển, bám hải đăng, dựa vào bộ đội mình. Các anh đều có cảm giác ngư dân là máu mủ của mình. Có những người lính tâm sự, họ nhìn thấy ngư dân khắc khổ mà như nhìn thấy bố, mẹ, anh chị em, bà con của họ ở quê nhà. Đó là khi cái cảm giác máu mủ, dân tộc, quê hương trỗi dậy rất mãnh liệt.
Hai nhăm năm trôi qua, rất nhiều lớp người đã thiết kế, thi công, đúc cẩu, nổ mìn, dọn đá, tạo luồng dài cả cây số để đặt bằng được ngọn đèn sáng. Kỳ tích ấy tính đúng theo nghĩa đen, là bằng máu xương, nước mắt.
Hải đăng có số phận và đời sống vừa gắn liền với đảo, vừa làm nên một không gian riêng. Mỗi ngọn hải đăng có biên chế dăm người, thay nhau túc trực suốt 24 giờ, thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền cũng như sự thay đổi của thời tiết trên biển. Vừa canh gác, bảo dưỡng, vận hành hải đăng, họ vừa tăng gia sản xuất như bộ đội, cũng trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà. Bộ đội hay gọi hải đăng là nhà đèn, anh em ở đó là thợ đèn. Từ ngữ ý chỉ nơi giữ gìn, chăm lo nguồn sáng vĩnh cửu bất kể ngày đêm, mưa gió.
Tôi nhớ rất rõ một chiều trên đảo Nam Yết, đằng kia văn công ca hát rộn ràng, chung quanh toàn bộ đội, đằng này đủ năm anh em nhà đèn trầm lặng. Có lẽ bao ngày qua họ vẫn luôn như thế. Một người đang tỉ mỉ lau ô cửa. Lau đi lau lại dù nó rất sạch rồi. Người khác ngồi bình thản, tay phải đặt hờ lên thành ấm trà. Sau lời chào hỏi của tôi, lập tức không khí đổi khác. Người đang lau cửa bước xuống, người ngồi bàn nước đứng lên, đâu đâu thêm vài người xôn xao tụ lại. Vẫn chỉ sáu cái chén con con, cứ xếp đi đặt lại, quanh quất chờ trà ngấm đều để rót. Ai cũng kiệm lời, bình dị. Ai quê nào, họ giữ nguyên giọng như thế để trò chuyện.
"Đồng chí đi công tác vất vả quá, còn ra tận đây thăm anh em". Tôi suýt bật cười khi nghe đến "ra tận đây". Từ cầu tàu, trung tâm đảo, đi bộ thảnh thơi lắm chỉ mất mươi, mười lăm phút mà anh làm như thể xa xôi.
Đang dở chuyện, bỗng hồi còi hú lên, nhà đèn nhất loạt đứng dậy, mắt ngời ngời như gặp tình thân. Hỏi ra, tàu thuyền ngư dân lúc ghé thăm trạm được, lúc không, họ kéo còi chào. Chẳng gặp nhau đâu, âm thanh cũng đủ dấy lên niềm thân thuộc.
Trong cuốn sổ "Tâm tình người lính" ở đảo Đá Đông có hàng trăm trang viết tay của nhiều thế hệ chiến sĩ. Tôi mở trang nhật ký có tên Chỉ huy trưởng Trần Văn Phúc, anh nhắn gửi đồng đội của mình: "Hãy luôn giữ vững lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển đảo quê hương".
Lữ Mai