Lý do fan K-pop 'phá' mít tinh của Trump

Cộng đồng fan K-pop tại Mỹ dường như muốn khẳng định họ không chỉ là nhóm người hâm mộ nhạc Hàn, mà còn quan tâm tới cả chính trị.

Năng lực tổ chức của những người hâm mộ K-pop từ lâu đã trở thành huyền thoại. Thông qua các nhóm hâm mộ được ví von như những "đội quân", họ nỗ lực hợp tác hành động để thần tượng của mình trở thành chủ đề thịnh hành trên truyền thông hoặc giúp sản phẩm âm nhạc mà thần tượng mới phát hành dẫn đầu các bảng xếp hạng.

ly do fan k pop pha mit tinh cua trump
Tổng thống Trump tại buổi vận động tranh cử ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma, ngày 20/6. Ảnh: Washington Post.

Giờ đây, giữa đại dịch Covid-19, một cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra và những cuộc tranh luận nổi lên mạnh mẽ về vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ, tập thể các "chiến binh không gian mạng" này đang cố gắng tạo ảnh hưởng trên một sân khấu mới: Đấu trường chính trị Mỹ.

Fan K-pop cuối tuần trước gây chú ý khi một số người tuyên bố họ đã lập kế hoạch "phá hoại" cuộc mít tinh của Tổng thống Donald Trump ngày 20/6 tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma, bằng cách huy động mọi người ồ ạt đăng ký tham dự sự kiện nhưng không đến.

Vài tuần qua, các tín đồ K-pop, chủ yếu sử dụng các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Tiktok, Instagram, đã làm quá tải một ứng dụng của cảnh sát Dallas dùng để thu thập thông tin về người biểu tình, lan truyền chóng mặt những dòng hashtag phản đối chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng. Fan của nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BTS còn tuyên bố quyên góp được một triệu USD cho phong trào Black Lives Matter (Mạng người da màu cũng quan trọng). Hoạt động của các nhóm hâm mộ vẫn tiếp tục tăng mạnh, khi K-pop ngày càng trở nên thịnh hành ở Mỹ.

"Những fan K-pop nói tiếng Anh đang tham gia vào làn sóng hiện nay, họ không phải người nước ngoài mà chính là người Mỹ", CedarBough Saeji, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa K-pop, nhận định.

"Họ là những người trẻ, tiến bộ, hướng ngoại và thực sự lão luyện trong việc sử dụng các nền tảng trực tuyến, những người phải liên tục ở nhà và có nhiều thời gian online hơn vì Covid-19. Việc họ theo đuổi các vấn đề chính trị không phải điều đáng ngạc nhiên", Saeji nói. "Họ là những người trẻ sẵn sàng tìm hiểu về một nền văn hóa mới nhằm thỏa mãn đam mê của mình đối với các sản phẩm văn hóa đại chúng. Đây là những người trái ngược hoàn toàn so với các nhóm ủng hộ Trump, những người vỗ tay khi ông chê bai bộ phim \'Parasite\' và nói rằng \'Cuốn theo chiều gió\' mới là điện ảnh thực thụ".

Người dân Hàn Quốc có xu hướng theo dõi sát sao bầu cử Mỹ bởi nó có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ đồng minh giữa Washington và Seoul cũng như chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên. Dù vậy, nhìn chung họ vẫn cảnh giác với các phe phái trong chính trị Mỹ.

Hôm 22/6, nhiều người Hàn Quốc tỏ ra lo ngại về việc các nhóm fan K-pop tuyên bố phá hoại buổi mít tính của Trump. "Tại sao fan K-pop lại can thiệp vào tình hình chính trị Mỹ", một người dân biết tin qua báo địa phương nói.

"Thông điệp của K-pop ít khi nghiêng về chính trị nhưng nhìn chung, chúng thường đề cao sự tự tin và trao quyền lực cho người yếu thế", tác giả trang blog "Ask a Korean" với bút danh T.K. Park, cho hay. "Chẳng hạn, nhiều người trở thành fan của nhóm nhạc BTS bởi họ cảm thấy được cộng hưởng mạnh mẽ với thông điệp \'yêu bản thân bạn\' mà nhóm truyền tải".

Theo T.K. Park, những nội dung như thế thu hút được đông đảo khán giả là phụ nữ và những người đủ màu da khác nhau. "Thông điệp đó thúc đẩy họ biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ hơn với mọi khía cạnh cuộc sống, bao gồm cả chính trị".

Mặt khác, họ cũng có những kỹ năng cần thiết. "Fan K-pop biết cách tổ chức thông qua các hội nhóm người hâm mộ", Park cho hay và lấy ví dụ về những chiến dịch mà fan K-pop thực hiện nhằm thúc đẩy ca khúc của thần tượng trên các bảng xếp hạng hay quét sạch vé concert chỉ trong vài phút. "Tất cả những hoạt động này đều có thể được chuyển đổi sang sử dụng trong chính trị một cách dễ dàng", Park nói. 

ly do fan k pop pha mit tinh cua trump
Một nhóm người hâm mộ K-pop tại sự kiện âm nhạc thường niên KCON năm 2015 ở thành phố Newark, bang New Jersey, Mỹ. Ảnh: NYTimes.

Một phát ngôn viên của Twitter cho biết K-pop là chủ đề liên quan đến âm nhạc được tweet nhiều nhất thế giới, với hơn 6,1 tỷ lượt tweet năm 2019, tăng 15% so với năm 2018. BTS là nghệ sĩ được tweet nhiều nhất trong liên tiếp ba năm qua.

Việc chuyển hướng sang chính trị dường như cũng là một phần trong nỗ lực của các fan K-pop tại Mỹ nhằm tạo ra ấn tượng tích cực, giúp thay đổi quan niệm lâu nay về họ như những nhóm hâm mộ quá khích, điên cuồng, đôi khi nguy hiểm, chuyên gia nhận định.

"Điều quan trọng nhất về xu hướng này là nó cho thấy người trẻ đã nhìn nhận được quyền lực chính trị của họ và đang sử dụng nó", Saeji bình luận. "Và bạn biết họ sẽ làm gì tiếp theo không? Họ sẽ đi bỏ phiếu. Fan K-pop hiện tại không còn cảm thấy hoài nghi nữa mà họ cảm thấy được trao quyền".

ly do fan k pop pha mit tinh cua trump Dự đoán bị cười nhạo của ông Trump thành hiện thực

Những cảnh báo cách đây 3 năm của ông Trump về việc tượng những người lập quốc của Mỹ sẽ bị kéo đổ giờ đã ...

ly do fan k pop pha mit tinh cua trump Tổng thống Trump cáo buộc người tiền nhiệm Obama ‘phản quốc’

The Hill đưa tin, ông Trump đã cáo buộc Cựu Tổng thống Obama mắc tội phản quốc khi có liên quan đến cuộc điều tra ...

https://vnexpress.net/ly-do-fan-k-pop-pha-mit-tinh-cua-trump-4119458.html 

/ vnexpress.net