Khi GDP phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài

Tâm lý mặc cảm, tự ti, thiếu tinh thần hỗ trợ giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì ta chỉ có kéo nhau xuống và làm thuê cho nước ngoài. Hãy nhìn các con số GDP-Xuất khẩu-Nhập khẩu, hiểu nó và hành động kịp thời.

Xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD được ca ngợi là một trong những thành tích kinh tế nổi bật của năm 2019, năm GDP đạt hơn 266 tỷ USD. Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào tương quan giữa GDP, xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy một bức tranh thật của nền kinh tế.

Ai cũng biết, nền kinh tế Việt Nam thuộc diện cởi mở nhất trên thế giới, với tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP hơn 200%.

Kếu so sánh tương quan GDP với giá trị xuất, nhập khẩu thì nền kinh tế của chúng ta khác biện so với phần còn lại. Khi tỉ lệ GDP–Xuất khẩu – Nhập khẩu của ta gần như là 100-100-100 thì Thái lan là 100-46-45. Tỉ lệ này ở các nước lớn như Hoa kỳ là 100-8-12, còn Trung Quốc là 100-18-15. Nước nhỏ dân ít như Israel không những GDP gấp rưỡi ta mà cũng ít lệ thuộc bên ngoài khi có tỉ lệ 100-16-20 (Các tỷ lệ trên là tương đối từ một số nguồn chính thức).

Có 2 trường hợp cận biên liên quan tỉ lệ 100-100-100 của ta (năm 2019 GDP 255 tỉ USD, xuất khẩu 264 tỉ USD, nhập khẩu 253 tỉ USD):

(1) Toàn bộ hàng nhập khẩu là để tiêu dùng, thì giá trị GDP đúng bằng giá trị xuất khẩu.

(2) Toàn bộ hàng hàng nhập khẩu là để xuất khẩu, thì giá trị GDP là toàn bộ hàng để tiêu dùng trong nước.

Thực tế sẽ nằm ở khoảng giữa hai cận biên này. Giả sử giá trị nhập khẩu 1/3 để tiêu dùng, 1/3 đầu vào xuất khẩu, 1/3 đầu vào sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, thì 2/3 GDP nằm ở hàng xuất khẩu. Cơ cấu này thì tiêu dùng trong nước chỉ hấp thu 1/3 GDP.

Sản xuất xuất khẩu = 100 (nhập khẩu) + 200 (gia tăng)

Sản xuất tiêu dùng = 100 (nhập khẩu) + 100 (gia tăng)

Nhập khẩu tiêu dùng = 100.

Nếu muốn tăng GDP thì phải tự sản xuất mà tiêu dùng, giảm bớt nhập khẩu. Nền kinh tế Mỹ gấp 85 lần Việt Nam, nhưng nhập khẩu chỉ gấp 10 lần. Nền kinh tế Trung Quốc gấp 55 lần nhưng nhập khẩu chỉ hơn 8 lần. Kinh tế Nga gấp 6,5 lần nhưng nhập khẩu còn ít hơn ta. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc thì kim ngạch nhập khẩu đều không quá 15% GDP.

khi gdp phu thuoc qua lon vao nuoc ngoai
Hãy nhìn các con số GDP-Xuất khẩu-Nhập khẩu, hiểu nó và hành động kịp thời. Ảnh: Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng/TTXVN

Giả sử GDP của Việt Nam gấp hơn 2 lần hiện nay và tương đương cơ cấu của Thái lan bây giờ, thì cơ cấu GDP-Xuất khẩu-Nhập khẩu theo giá trị sẽ là 600-300-300 (USD) cũng là cơ cấu lý tưởng. Cơ cấu này thì tiêu dùng trong nước hấp thu 2/3 GDP.

Sản xuất xuất khẩu = 100 (nhập khẩu) + 200 (gia tăng)

Sản xuất tiêu dùng = 100 (nhập khẩu) + 400 (gia tăng)

Nhập khẩu tiêu dùng = 100.

Người điều hành kinh tế mà chỉ nghĩ ta yếu kém hơn người thì khó mà có ý chí tự lực, tự cường. Người tiêu dùng, kể cả những người vẫn làm ra sản phẩm trong nước, nhưng đến khi tiêu dùng lại chỉ thích ngoại là tâm lý giết dần sản xuất trong nước. Xuất khẩu dựa vào nhập khẩu là chính, thì giá trị gia tăng đóng góp GDP chủ yếu lại dựa vào sản phẩm của nông dân.

Ngành nông nghiệp trồng lúa hãy tự làm lấy phân bón, có thể còn đắt so với nhập khẩu, nhưng nhập khẩu chèn ép thì không thể rẻ được. Thuốc trừ sâu phải giảm bớt dùng. Các nước người ta dùng máy cấy hết rồi mà ta cứ sạ hạt dày thì vừa tốn giống vừa phải nhập và dùng thuốc trừ sâu gấp hơn 3 lần so với cấy máy. Cấy dày là lạc hậu, là thụt lùi, là giết môi trường. Bộ trưởng nông nghiệp và các chủ tịch tỉnh ít nhất phải biết điều đó.

Với ngành chăn nuôi, heo cũng đóng góp GDP gần 20 tỷ USD, hãy tự làm, đừng để nước ngoài mang con giống, thức ăn đến. Họ tự nhiên có được thị trường, kiếm lợi mang về, còn ta thì hết làm thuê ở nước ngoài lại làm thuê trong nước cho người ngoài. Đất nước nông nghiệp, dân chịu khó mà không làm được hay sao?! Đừng xem đó là thành tích kêu gọi đầu tư nước ngoài. Đừng chèn ép doanh nghiệp trong nước và người trong nước.

Ngành da giày có thể ta chưa làm được nguyên liệu tốt, nhưng chẳng lẽ người ta làm được, mình lại không làm. Thời xa xưa ta đã biết thuộc da. Trước đây cũng có hàng chục doanh nghiệp giờ còn rất ít. Hãy tạo điều kiện để những người làm nghề còn sót lại đừng bỏ nghề.

Ngành sợi, dệt một thời đóng góp cái mặc cho người Việt giờ không còn thấy đâu. Các nhà máy với bao người được vinh danh ngày xưa, giờ không còn dấu vết. Ta gì cũng tự ti, bao nhiêu năm sống nhờ tự cung, tự cấp, bỗng lại thấy nhà máy bẩn thỉu, nhếch nhác bắt đóng cửa, di dời nhường chỗ cho những chung cư sạch sẽ lấp lánh, lung linh.

Các nhà máy cơ khí ai cũng hiểu là không thể thiếu khi muốn công nghiệp hoá, không thể thiếu đối với đất nước gần 100 triệu dân. Tuy nhiên, nhiều nhà máy có sứ mệnh một thời số phận cũng bị đứt gãy khi đứt gãy về chính sách phát triển, đứt đoạn về nhân lực kế thừa, đứt đoạn về đầu ra. Đầu vào cho chế tạo máy là sắt thép thì bao nhiêu năm không có một cân. Khi đổi mới, người ta cũng chỉ quan tâm thép xây dựng. Trước đây có cả một bộ lo về cơ khí, luyện kim, giờ thì vắng bóng ngay cả một chuyên viên chuyên ngành có kinh nghiệm.

Đối với những hàng cao cấp, hàng có hàm lượng trí tuệ, know-how đừng ảo tưởng mình làm được, nhiều khi có nhiều tiền cũng không làm. Thị trường có quy luật cạnh tranh, mỗi một giai đoạn phải có bước đi phù hợp. Tư nhân bỏ tiền thì cứ việc, nhưng tư nhân thua lỗ, thiệt hại cũng là tiền của đất nước này. Những người có trách nhiệm động viên, khích lệ là đúng, nhưng đừng quá đà cổ vũ để doanh nghiệp đi sai quy luật, hoặc vô tình tiếp tay cho những ý đồ khác của họ.

Giờ nói bắt đầu từ đâu đối với cả nền kinh tế không dễ, nhưng trước hết ngành gì làm được ngay thì không chần chừ. Từ trên xuống dưới phải có tinh thần sử dụng hàng sản xuất trong nước. Các nước Nhật, Hàn trước khi phát triển cũng đều có tinh thần dân tộc rất cao.

Tâm lý mặc cảm, tự ti, thiếu tinh thần hỗ trợ giữa người sản xuất và người tiêu dùng thì ta chỉ có kéo nhau xuống và làm thuê cho nước ngoài. Hãy nhìn các con số GDP-Xuất khẩu-Nhập khẩu, hiểu nó và hành động kịp thời.

Ngô Văn Tuyển

khi gdp phu thuoc qua lon vao nuoc ngoai GDP quý I tăng thấp nhất 10 năm

Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% - thấp hơn kịch bản xấu nhất Bộ Kế hoạch & Đầu ...

khi gdp phu thuoc qua lon vao nuoc ngoai Kinh tế tăng trưởng thế nào sau 10 năm

Trong 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn cao, lạm phát không ở mức hai con số, còn thặng dư thương mại được ...

/ vietnamnet.vn