Một số nước như Anh, Pháp, Thái Lan cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp vì lo lắng các em dễ bị phân tâm, ảnh hưởng tới kết quả học tập.
Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư 32 về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó quy định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý từ giáo viên.
Quy định mới này gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số nước trên thế giới cũng không ít lần xảy ra tranh cãi việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học.
Tháng 9/2018, Australia ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học. Một trong số những quan ngại đó chính là hành vi bắt nạt trên mạng.
Bộ trưởng Giáo dục Australia đương thời – ông Rob Stokes nhấn mạnh: “Mặc dù smartphone kết nối chúng ta với thế giới theo cách chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng nổi cách đây một thập kỷ, nhưng chúng làm dấy lên nhiều vấn đề mà những thế hệ đi trước chưa từng phải đối diện.
Trong các lớp học và sân chơi trên khắp thế giới, smartphone trao cơ hội kết nối cho học sinh và phụ huynh, nhưng chúng cũng tạo ra nhiều vấn đề khác: từ bắt nạt trên mạng, mạng xã hội, smartphone gây ra nhiều quan ngại cho các bậc phụ huynh, giáo viên và học sinh”.
Trung Quốc cho phép học sinh sử dụng điện thoại ở trường học, với gần 70% số học sinh tiểu học và trung học cơ sở sở hữu điện thoại thông minh.
Năm 2012, hơn 98% số trường học ở Anh quyết định cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Kể từ tháng 9/2018, học sinh ở độ tuổi 11 - 16 sở hữu điện thoại di động ở trường học phải nộp cho giáo viên hoặc cất trong tủ đồ của lớp và chỉ được nhận lại khi tan trường.
Chính quyền Anh ra lệnh cấm mạnh tay bởi điều đó đem đến lợi ích rõ ràng: cải thiện điểm số, loại bỏ những hành vi sử dụng điện thoại vì những mục đích không liên quan tới học tập.
Chính quyền liên bang ở Mỹ không có quy định cấm mang và sử dụng điện thoại ở trường học với lý do, điện thoại là một công cụ hữu hiệu giúp ích cho việc học tập trong nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, một giảng viên của trường Seton Hall cho rằng việc sử dụng điện thoại sẽ khiến người dùng mất đi sự tập trung và năng lực học tập. Tuy nhiên thầy cũng nhìn thấy vai trò của điện thoại trong đời sống: “Chúng tôi đang rèn luyện sinh viên trở thành một người năng động trong một thế giới đang nhiều biến đổi liên tục, và công nghệ đóng vai trò to lớn trong sự thay đổi đó”.
Các nghiên cứu khoa học của Mỹ chỉ ra rằng phần lớn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ không phải để học mà để gửi tin nhắn cũng như đăng các dòng trạng thái lên mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng học của học sinh.
(Ảnh minh hoạ: G.D) |
Từ năm học 2018-2019, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước. Theo đó, cấm sử dụng điện thoại di dộng, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học.
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer nhấn mạnh: "Cởi mở với công nghệ của tương lai không có nghĩa chúng ta phải chấp nhận mọi cách sử dụng chúng".
Gần 90% trẻ em từ 12-17 tuổi ở Pháp có điện thoại di động. Những người ủng hộ lệnh cấm trên hy vọng quy định này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của các nội dung bạo lực và khiêu dâm trong trẻ em.
Từ tháng 7/2020, học sinh cấp 2, 3 của Nhật Bản được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Sau khi tới trường, các em được yêu cầu để điện thoại vào tủ cá nhân để tránh mất tập trung trong giờ học.
Đối với hầu hết các trường học ở Thái Lan, việc sử dụng điện thoại bị nghiêm cấm. Bởi lẽ, học sinh dùng điện thoại để nhắn tin hay truy cập Internet thì sẽ phân tâm. Chỉ khi học cách đặt điện thoại sang một bên, học sinh mới bắt đầu thực sự học tập và tận hưởng cuộc sống ngoại tuyến.
Có kiểm soát của giáo viên
Nêu ý kiến về quy định sử dụng điện thoại di động với học sinh, TS Nguyễn Văn Cường, Đại học Potsdam, Đức cho rằng, điện thoại di động ngày nay có thể được sử dụng như một phương tiện dạy học trong nhà trường. Tất nhiên, việc sử dụng thiết bị này trong giờ học cần có sự kiểm soát của giáo viên và chỉ phục vụ mục tiêu học tập.
TS Nguyễn Văn Cường cho biết, ở các nước phát triển hiện nay cũng như vậy. Như ở Đức, học sinh được mang điện thoại đến trường và sử dụng trong giờ học khi được phép của giáo viên. Học sinh nào để điện thoại có chuông hoặc tin nhắn cá nhân trong giờ học thì bị xử lý và vi phạm nội quy lớp học.
Trong giờ nghỉ, học sinh có quyền sử dụng điện thoại cá nhân.
(Ảnh minh hoạ: Zing) |
Việc cấm sử dụng điện thoại cứng nhắc không còn phù hợp nữa, vì hiện nay điện thoại di động có thể được sử dụng như một phương tiện hữu ích.
Theo TS Nguyễn Văn Cường, cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ việc học là phù hợp với xu thế hiện nay. Vấn đề là các trường cần có các biện pháp phù hợp để vừa đáp ứng mục tiêu dạy học vừa quản lý được việc sử dụng điện thoại của học sinh.
Nhà trường cần có quy định rõ ràng, phổ biến cho học sinh và giáo viên cũng như yêu cầu học sinh nghiêm túc chấp hành. Kinh nghiệm cho thấy là quy định này sẽ được vận hành tốt ở trường phổ thông.
Học sinh cấp 2, cấp 3 được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập |
Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp chẳng khác gì "thả gà ra đuổi" |
Bộ Giáo dục-Đào tạo nói gì về quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp? |