Nghiên cứu da điện tử của nữ giáo sư Zhenan Bao người Mỹ gốc Trung Quốc đạt giải đặc biệt tại lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture.
Tối 20/1, lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture đã xướng tên nhà khoa học nữ giáo sư Zhenan Bao với nghiên cứu “Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được sử dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến”.
GS Zhenan Bao tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt các ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà phát triển một loạt các mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và các phương pháp chế tạo các vật liệu này.
Da điện tử được phát triển từ các lớp nhựa bán dẫn công nghệ cao có thể co giãn, bắt chước khả năng uốn cong và chữa lành của da thật, đồng thời đóng vai trò là lưới cảm biến gửi tín hiệu cảm ứng nhiệt độ và cảm giác đau đến não. Da điện tử cũng có khả năng phân huỷ sinh học và thân thiện với môi trường.
Những chức năng trên rất hữu ích trong chẩn đoán và điều trị chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng thời có thể được ứng dụng vào các thiết bị điện tử để đeo và cấy ghép, mang lại trải nghiệm sống trọn vẹn hơn cho hàng triệu người khiếm khuyết các bộ phận cơ thể trên khắp thế giới hiện tại, cũng như tạo ra các đột phá về y tế trong tương lai.
GS Zhenan Bao nhận giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ VinFuture. |
Đặc biệt, Bao cùng các cộng sự đã phát triển một thiết bị thử nghiệm để cảm nhận những thay đổi hormone trong mồ hôi, đặc biệt là mức cortisol - một chỉ số quan trọng của stress, có thể giúp đánh giá sự lo lắng và trầm cảm. Công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo ra các thiết bị điện tử hữu cơ đặt bên trong cơ thể, giúp chữa lành các dây thần kinh bị tổn thương, đồng thời có khả năng thay đổi khi cơ thể thay đổi. Da điện tử cũng thích hợp dùng cho cả robot lẫn bộ phận giả của người.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS. Zhenan Bao cho biết bản thân rất vinh dự là người đầu tiên nhận giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ VinFuture. Bà cũng gửi lời cảm ơn Giải thưởng VinFuture và Hội đồng Giải thưởng.
“Trong suốt quá trình học thuật của mình, tôi đã dành nỗ lực cho những phát kiến về mặt khoa học để thay đổi 1 cách tích cực cuộc sống.
Xin cảm ơn Hội đồng giải thưởng đã nhận thấy sự hiện thực hóa trong nghiên cứu da điện tử. Đã có những thách thức trong y tế, biến đổi khí hậu và thiếu hụt năng lượng, nước… Tôi mong các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục dùng các nghiên cứu của mình để giải quyết các thách thức toàn cầu. Đặc biệt, tôi cũng mong xã hội sẽ hỗ trợ thêm cho các nhà khoa học nữ”, bà Bao nói.
GS Zhenan Bao nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Hóa học tại Đại học Chicago (Mỹ) năm 1995. Sau đó, bà làm việc tại phòng Nghiên cứu Vật liệu thuộc Phòng thí nghiệm Bell, Lucent Technologies, nơi bà được công nhận là một thành viên ưu tú của đội ngũ kỹ thuật vào năm 2001.
Bà gia nhập Đại học Stanford năm 2004 và hiện đang giữ danh hiệu giáo sư Kỹ thuật Hóa học K.K. Lee. Đồng thời, bà cũng có những đóng góp cho khoa Hóa học và khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu.
Từ năm 2018, Giáo sư Bao là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Hóa học và Giám đốc Nhóm Sáng kiến Đồ điện tử đeo trên người thuộc Đại học Stanford (eWEAR). Bà cũng đồng thời là giảng viên của Viện Precourt, Viện Woods, ChEM-H, Bio-X và là một nghiên cứu viên của Nhóm Chan-Zuckerberg BioHub.
Đến nay, GS Bao đã có hơn 700 bài báo khoa học được trích dẫn, tham khảo và hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ.
Quỹ VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân, với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người trên thế giới.
VinFuture, ra mắt ngày 20/12/2020, là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Hoạt động cốt lõi của quỹ này là trao giải thưởng VinFuture hằng năm cho các phát minh khoa học - công nghệ đột phá đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người.
Ngay trong năm đầu tiên phát động, hội đồng giám khảo đã nhận được 599 dự án chất lượng từ hơn 60 quốc gia tại 6 châu lục trên khắp thế giới. Trong đó, gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% được trích dẫn nhiều nhất thế giới và nhiều người trong số đó đã từng nhận được các giải thưởng cao quý như Nobel, Breakthrough, Tang, Japan Prize...
Hằng năm quỹ sẽ trao 4 giải thưởng: giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD - một trong các giải thưởng thường niên giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Phạm Quý
Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture? Các nhà khoa học bàn về năng lượng cho tương lai tại hội thảo VinFuture