Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture?

Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức tối nay (20/1) tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

VinFuture là một trong những giải thưởng giá trị nhất thế giới. Đêm trao giải VinFuture tối nay (20/1) chứng kiến sự có mặt của nhiều nhà khoa học nổi tiếng top 1% thế giới.

Chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018

Nhà khoa học người Pháp, GS Gérard Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, là người tiên phong trong lĩnh vực kỹ thuật điện và laser. Năm 2018, ông được trao giải Nobel Vật lý cùng với đồng nghiệp (GS Donna Strickland) nhờ phát minh ra phương pháp khuếch đại xung chirped, một “phương pháp tạo ra xung quang cực ngắn, cường độ cao”.

Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture? - 1
GS Gérard Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018.

Công trình sáng tạo của họ có thể được tìm thấy trong các ứng dụng gồm phẫu thuật sửa mắt, và dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến liệu pháp điều trị ung thư và các nghiên cứu vật lý khác trong tương lai.

GS Mourou cũng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực laser cực nhanh, điện tử tốc độ cao và y học. Những công bố khoa học mang tính đột phá của ông đã được tôn vinh bằng nhiều giải thưởng danh giá toàn cầu từ năm 1995 đến nay.

Cha đẻ công nghệ OLED

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, nhà khoa học vật lý đang làm việc tại Đại học Cambridge (Anh), Giám đốc Chương trình Winton về Vật lý bền vững của Trung tâm Maxwell thuộc Đại học Cambridge. Ông còn là một trong các nhà vật lý ảnh hưởng nhất thế giới với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới.

Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất trong các nghiên cứu của GS Sir Richard Henry Friend là nghiên cứu về OLED được sử dụng để phát triển màn hình phẳng, màn hình cuộn và màn hình chuyển động. Đây là ứng dụng được biết đến nhiều nhất là TV màn hình OLED.

Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture? - 2
GS Sir Richard Henry Friend.

Ông được vinh danh tại giải thưởng công nghệ thiên niên kỷ - giải Millennium Prize danh giá, cho sự phát triển của điện tử nhựa năm 2010. Ông được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ vì “Đóng góp cho khoa học vật lý” năm 2003.

Người đứng sau công nghệ ‘đột phá’ vaccine

Tiến sĩ Katalin Kariko, trường Y thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) nghiên cứu về ứng dụng trị bệnh của mRNA được phiên mã trong ống nghiệm.

Bà đã có những nghiên cứu mang tính đột phá trong việc sửa đổi mRNA giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào. Cũng nhờ công nghệ chỉnh sửa mRNA “đột phá” giúp nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 nhanh hơn và chính xác hơn.

Những nhà khoa học người Việt

Tham gia Hội đồng giải thưởng VinFuture còn có 3 nhà khoa học người Việt nổi tiếng thế giới.

GS Vũ Hà Văn là nhà toán học và khoa học dữ liệu tại Đại học Yale, Mỹ. GS Văn đạt nhiều thành tựu xuất sắc, gồm giải thưởng Polya được trao bởi Hiệp hội Toán học ứng dụng và công nghiệp (Society of Industrial and Applied Mathematics), Giải thưởng Fulkerson được trao bởi Hiệp hội Toán học Mỹ (American Mathmatical Society).

Nhà khoa học người Việt thứ 2 có tên trong danh sách Hội đồng giải thưởng VinFuture là GS Đặng Văn Chí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học của Viện Ung thư quốc gia Mỹ.

Ông nghiên cứu về ung thư và nhà huyết học - ung thư học nổi tiếng toàn cầu. Các nghiên cứu của GS Chí tập trung tìm ra “bí mật” về quá trình trao đổi chất của các tế bào ung thư, đặc biệt là với tác động từ đường (glucozo). Nghiên cứu này giúp giải thích một dấu hiệu của bệnh ung thư được gọi là “hiệu ứng Warburg”. Hiện nay, các liệu pháp được đưa ra dựa trên công trình này đang trong các giai đoạn phát triển lâm sàng.

Top 1% nhà khoa học ảnh hưởng thế giới

GS Nguyễn Thục Quyên, khoa Hóa & Hóa sinh, Đại học California, Santa Barbara (Mỹ) là đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture.

Bà nhận được nhiều giải thưởng danh giá như giải thưởng nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), giải thưởng nghiên cứu cao cấp Alexander von Humboldt năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2016. Đặc biệt, bà được bình chọn là trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2015, 2016, 2017 và 2018 và nằm trong top 1% nhà nghiên cứu khoa học Vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới.

Những nhà khoa học nổi tiếng thế giới nào sẽ có mặt ở lễ trao giải VinFuture? - 3
GS Nguyễn Thục Quyên.

Tham dự giải thưởng còn có GS Michael Porter, nhà kinh tế học đang làm việc tại trường Kinh doanh Harvard, Đại học Harvard. Ông là cha đẻ học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”. GS Leslie Valiant, Đại học Harvard, nhà khoa học máy tính và nhà lý thuyết tính toán người Mỹ gốc Anh, đang giữ vị trí giáo sư chuyên ngành khoa học máy tính và toán ứng dụng tại Đại học Harvard, chủ nhân giải thưởng A.M. Turing năm 2010 cũng sẽ tham dự.

Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất gồm: Giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD và 3 giải đặc biệt, mỗi giải 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nữ, người đến từ nước đang phát triển hay nghiên cứu lĩnh vực mới.

Các dự án trải qua nhiều vòng xét duyệt bởi 12 thành viên Hội đồng sơ khảo và sau đó là 11 thành viên Hội đồng Giải thưởng.

/ vtc.vn