Do ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 3,82% - thấp hơn kịch bản xấu nhất Bộ Kế hoạch & Đầu tư từng dự báo.
Chiều nay (27/3), Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố số liệu kinh tế xã hội trong 3 tháng đầu năm 2019. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với cùng kỳ và thấp nhất trong 10 năm gần đây.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,12%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%.
Kết quả này đã phần nào phản ánh sự khó khăn của nền kinh tế, do tác động lớn từ diễn biến phức tạp của Covid-19.
Theo cơ quan thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng quý I chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nên đạt mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định, trong khi ngành khai khoáng giảm sâu yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
Khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng Covid-19 sẽ kết thúc sớm nên dự báo tình hình sản xuất trong quý II khả quan hơn.
Hoạt động thương mại và dịch vụ cũng diễn ra kém sôi động do Covid-19. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I giảm 18,1% so với cùng kỳ, giảm mạnh nhất là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
Ảnh hưởng của Covid-19, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước, mức thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chỉ số CPI bình quân quý I cao nhất 4 năm. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi.
Trước đó, trong kịch bản tăng trưởng báo cáo Chính phủ, Bộ kế hoạch & Đầu tư dự báo, trường hợp xấu nhất, GDP Việt Nam chỉ tăng 5,96% trong năm 2020 - mức thấp nhất trong 7 năm gần đây. Bộ này cũng cho biết, Việt Nam sẽ nằm trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất, sau Singapore, Thái Lan và Hong Kong.
Theo ước tính của TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có thể giảm tới 1 điểm %. Trong khi đó, ANZ cũng dự báo mức sụt giảm trong quý I có thể là 0,8 điểm % do ảnh hưởng từ virus corona.
Minh Sơn
Kinh tế Mỹ bắt đầu bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, sản lượng toàn cầu có thể tổn thất đến 2.700 tỷ USD
Theo dự đoán của các chuyên gia, nếu dịch Covid-19 tiến triển theo hướng tiêu cực, sản lượng toàn cầu có thể tổn thất đến ... |
Kinh tế tăng trưởng thế nào sau 10 năm
Trong 10 năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn cao, lạm phát không ở mức hai con số, còn thặng dư thương mại được ... |