Do ảnh hưởng của COVID-19, lễ cúng ông Công, ông Táo được các bà nội trợ tiết kiệm hơn, không cầu kỳ như mọi năm, bởi thế, nhiều mặt hàng vắng khách.
Theo tục lệ, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, mọi gia đình đều tất bật sửa soạn cỗ cúng Táo quân (hay còn gọi là ông Công, ông Táo). Vào ngày này, gia chủ sẽ dọn dẹp nhà cửa, ban thờ sao cho gọn gàng, sạch sẽ; đồng thời chuẩn bị một mâm tươm tất tiễn ông Táo quân về chầu trời. Tuy nhiên, năm nay, dưới tác động của đại dịch COVID-19, thủ tục này cũng đang được nhiều người dân tiết giảm.
Chợ Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm) nổi tiếng là "chợ nhà giàu" ở Hà Nội, buôn bán đủ các loại thực phẩm tươi ngon, giá cả đắt đỏ. Như mọi năm, sát ngày ông Công, ông Táo, chợ Cầu Gỗ tấp nập người mua sắm. Thế nhưng, chiều Chủ nhật (tức 21 tháng Chạp âm lịch), chợ Cầu Gỗ vẫn vắng người mua, các tiểu thương buồn bã vì cảnh ế ẩm.
Nhiều tiểu thương cho biết, doanh thu cửa hàng giảm 30 - 50% do ảnh hưởng của COVID-19. Chị Phạm Thanh Mai (42 tuổi) ở số 7 ngõ Cầu Gỗ cho biết: “Mọi năm những ngày cận 23 Tết, doanh thu cửa hàng ước đạt 20 triệu đồng/ngày. Năm nay chỉ còn khoảng một nửa”.
Theo chị Mai, thông lệ, một mâm cỗ cúng thường có các món như xôi gấc hay xôi hạt sen, gà hấp hoặc quay, nem, nộm, tôm chiên xù, canh mọc, khoai lang kén, sườn chiên mắm, thịt nấu đông, ốc om chuối đậu, rau củ luộc chấm kho quẹt, canh măng ngan... Giá một mâm cỗ dao động từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy loại. Tuy nhiên năm nay, người dân ít đặt mâm cỗ cúng hơn, nguyên nhân để tiết kiệm khoản chi.
|
Những món đồ cúng được làm sẵn, bày biện bắt mắt nhưng ít người hỏi mua. |
|
Một tiểu thương bán cá kho, thịt kho tàu cho biết: "Ảnh hưởng bởi dịch nên người mua chủ yếu đặt hàng online, vì vậy cửa hàng phải tăng cường ship cho khách". |
|
Các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo không chỉ phong phú mà còn được trang trí rất cầu kỳ, nổi bật. |
|
Cửa hàng nem truyền thống của anh Quân khá ế ẩm, lượng bán chỉ bằng 50% mọi năm. |
|
Theo cô Quỳnh (chủ cửa hàng chuyên nấu cỗ tại 44 cầu Gỗ): "Gà cánh tiên cân nặng 2kg-2,5kg giá bán từ 400.000-500.000 đồng/con; chim quay giá 90.000 đồng/con; xôi gấc, xôi đỗ xanh từ 30.000 - 50.000 đồng. Cô Quỳnh cho biết, mức giá này là phù hợp, không quá cao nhưng vẫn chưa đủ sức hút khách. |
|
Đủ các món ăn phong phú, bắt mắt đang chờ khách mua. |
|
Tại chợ Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), không khí mua sắm tại các cửa hàng vàng mã cũng trầm lắng. |
|
"Từ sáng đến giờ tôi mới bán được 10 bộ vàng mã cúng ông, Công ông Táo, chỉ bằng 1/3 mọi năm", chị Lan, chủ cửa hàng cho biết. |
|
Không chỉ thực phẩm, số lượng người hỏi mua cá chép năm nay cũng giảm rõ rệt. |
Trong khi các mặt hàng truyền thống ế ẩm thì những sản phẩm độc lạ lại hút khách, trong đó "hot" nhất là cá chép “handmade” bằng thạch rau câu hoặc bằng xôi. Người tiêu dùng có thể lựa chọn mua lẻ từng con hoặc mua theo bộ. Bộ ba ông cá thạch rau câu có giá bán từ 20.000 - 50.000 đồng/bộ tùy kích cỡ.
|
Hiện các mặt hàng cá chép giả này được rao bán rất nhiều trên các trang bán hàng online. (Ảnh: NVCC) |
Chị Nguyễn Thu Hà (26 tuổi) chủ cửa hàng thạch rau câu con cá online ở quận Mỹ Đình, cho biết nguyên liệu làm bộ cá chép được làm từ bột rau câu, sữa, cốt dừa. Để tạo màu sắc cho sản phẩm, cửa hàng lựa chọn từ quả gấc, lá nếp, ca cao…
“Món này làm rất tỉ mẩn, do đó mặc dù rất đông người đặt hàng nhưng tôi chỉ nhận 200 - 300 đơn là dừng. Doanh thu cửa hàng những ngày này ước đạt khoảng 10 triệu đồng”, chị Hà chia sẻ.
VŨ VÂN