Cáp quang liên tiếp đứt, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Cáp quang biển thường xuyên đứt ảnh hưởng tới người dùng Internet Việt Nam, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ứớc tính trung bình mỗi năm khoảng 100 sự cố cáp quang biển trên toàn cầu. Nhiều nguyên nhân dẫn hiện tượng này như thiên tai (động đất, sóng thần), các hoạt động của con người như đánh bắt cá, thả neo, tàu ngầm; đặc biệt ở khu vực hoạt động hàng hải nhộn nhịp. Bên cạnh đó còn lý do từ các sinh vật biển, chẳng hạn như cá mập; thiết bị cũng có thể tự hỏng, nhưng điều này rất hiếm gặp vì doanh nghiệp giám sát, bảo trì thường xuyên. Tuy nhiên, việc đứt cáp diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng tới nhiều người dùng Internet.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Vũ Thế Bình, Hiệp hội Internet Việt Nam, các hệ thống cáp quang biển chủ yếu được đầu tư và vận hành bởi các liên minh doanh nghiệp viễn thông toàn cầu hoặc khu vực. Vì vậy trách nhiệm vận hành và đảm bảo hoạt động của mỗi tuyến cáp quang biển thuộc về liên minh các đơn vị tham gia đầu tư và vận hành tuyến cáp đó, trong đó có thể có các nhà viễn thông của Việt Nam.

Còn việc đảm bảo chất lượng kết nối Internet cho người sử dụng là trách nhiệm của nhà mạng trong nước. Các nhà mạng đầu tư hoặc thuê dung lượng tuyến cáp quang biển, cáp quang đất liền để đảm bảo dịch vụ cho khách hàng của họ.

Đại diện một công ty viễn thông bày tỏ, cáp quang biển là hệ thống truyền dẫn để kết nối Internet quốc tế được đầu tư, xây dựng và vận hành bởi một tổ chức bao gồm nhiều doanh nghiệp (nhà mạng/nhà cung cấp dịch vụ Internet - ISP) thuộc nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Quá trình khai thác, điều phối hoạt động của tuyến cáp sẽ do Ban quản trị được thành lập từ sự thống nhất giữa các thành viên. Khi xảy ra các hiện tượng bất thường gây gián đoạn lưu lượng, Ban quản trị sẽ thông báo tới các doanh nghiệp thành viên.

Cáp quang liên tiếp đứt, ai sẽ chịu trách nhiệm? - 1
Cáp quang AAE có chiều dài 23.000 km, kết nối Hong Kong, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ, Oman, UAE, Qatar, Yemen, Arab Saudi, Djibouti, Ai Cập, Hy Lạp, Ý, Pháp.

Nhà mạng trong nước cần làm gì?

Việc đứt gãy cáp quang theo chuyên gia và các công ty viễn thông là sự cố bất khả kháng. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Trung tâm Internet Việt Nam, để khắc phục tình trạng này trước hết doanh nghiệp cần tăng lưu lượng các tuyến khác, điều tiết, ưu tiên lưu lượng để đảm bảo dịch vụ được thông suốt, đúng với cam kết cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Song song với đó, họ cần đấu nối ứng cứu khẩn đến các hướng nhà cung cấp dịch ưu tiên, lên kế hoạch đấu nối tăng cường mở rộng cáp biển hoặc mở rộng các kênh kết nối trên đất liền, vệ tinh … theo nhiều hướng khác nhau. Từ đó mới đảm bảo an toàn cao nhất, sẵn sàng ứng cứu cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển bùng nổ trong tương lai.

Về ý kiến nhà mạng nên giảm giác cước, theo ông Thắng, đây là bài toán tổng thể, doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối lựa chọn các giải pháp đảm bảo cam kết chất lượng dịch vụ với khách hàng, hài hòa giữa việc thu hút khách hàng với duy trì hoạt động và tăng trưởng của doanh nghiệp để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đây là các sự cố bất khả kháng, thách thức không nhỏ với các nhà mạng. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp viễn thông tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị giai đoạn phát triển hậu đại dịch.

Trong thời gian qua khi ảnh hưởng đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp viễn thông đã có những hỗ trợ lớn cho khách hàng, người dân như gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước...

Ông Vũ Thế Bình, Hiệp hội Internet nhận định các nhà mạng viễn thông Việt Nam quá quen với trục trặc của cáp quang biển. Hơn nữa các nhà mạng Việt Nam đã tham gia nhiều liên minh đầu tư xây dựng các tuyến cáp quang biển khác nhau, đa dạng. Việc đầu tư và tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam về hệ thống cáp quang biển là kịp thời. Gần đây chúng ta thấy nhiều sự cố nhưng chất lượng Internet Việt Nam không ảnh hưởng lớn. Điều đó cho thấy các nhà mạng đã thích ứng được với tình trạng sự cố thường xuyên của các tuyến cáp quang biển, và có giải pháp dự phòng phù hợp.

Một trong những giải pháp hỗ trợ lâu dài là phát triển nội dung trong nước hoặc dịch chuyển các nội dung từ nước ngoài về Việt Nam. Định hướng này không chỉ giúp các nhà viễn thông tối ưu kênh kết nối quốc tế, mà còn thúc đẩy phát triển Internet, ứng dụng và nội dung trong nước.

Cáp quang liên tiếp đứt, ai sẽ chịu trách nhiệm? - 2

Kế hoạch của nhà mạng

Hàng năm, Viettel đều có quy hoạch, dự báo và chuẩn bị tài nguyên dự phòng cho các sự cố cáp biển. Khi xảy ra gián đoạn, Viettel luôn có hành động kịp thời để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Các giải pháp được ưu tiên thực hiện nhanh nhất là điều chuyển lưu lượng quốc tế từ các nhánh gặp sự cố sang các hướng khác đang hoạt động bình thường để giảm tải hiện tượng nghẽn. Quá trình này được Viettel xử lý tự động bằng hệ thống công cụ phần mềm để tối ưu thời gian.

Cùng với đó, dựa trên mức độ ảnh hưởng của sự cố, Viettel sẽ nghiên cứu, tính toán bổ sung dung lượng băng thông quốc tế cho các hướng để tăng năng lực kết nối, phục vụ người dùng, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đang thuê kênh truyền của Viettel. Cụ thể, vào tháng 9/2021, Viettel đầu tư, bổ sung thêm khoảng 1.600GB băng thông quốc tế khi các tuyến cáp biển xảy ra sự cố trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu truy cập Internet để học tập, làm việc, họp hành, giải trí,… tăng cao.

Thực tế, các sự cố cáp biển không ảnh hưởng đến chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước sử dụng phần mềm do Viettel phát triển và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam do các ứng dụng này chạy trên mạng cáp quang trong nước. Do đó, đối với nhu cầu giảng dạy, học tập, hội họp,…Viettel cũng khuyến khích người dùng ưu tiên sử dụng các phần mềm của các doanh nghiệp trong nước hoặc các doanh nghiệp triển khai ứng dụng trên chính hạ tầng của mình.

Đại diện FPT Telecom cũng bảy tỏ, nhà mạng ở Việt Nam khi sử dụng cáp quang biển đều phải dự phòng tình huống sự cố xảy ra. Tất cả nhà mạng đều dàn băng thông của mình ở nhiều tuyến cáp chứ không tập trung ở một hoặc hai tuyến nhằm giảm thiểu rủi ro.

Với FPT Telecom, trong 2 năm gần đây, nhà mạng này tăng lưu lượng băng thông quốc tế hơn gấp đôi để dự phòng cáp quang biển gặp sự cố liên tục do nhiều các nguyên nhân khác nhau. Ngay khi sự cố xảy ra, những nguồn băng thông thiếu hụt sẽ được ứng cứu bằng các nguồn dự trữ, đảm bảo khách hàng bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất, không bị gián đoạn dịch vụ hoặc dịch vụ phục hồi trong thời gian ngắn nhất.

Hai, ba năm tới, chúng ta sẽ có thêm một số tuyến cáp quang biển mới. Vị đại diện FPT Telecom tin rằng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ bổ sung vào băng thông tuyến quốc tế cho khách hàng tại Việt Nam.

Còn theo thông tin của VNPT, quang biển AAG bị đứt mới đây gây mất 1440G lưu lượng từ VNPT đi Hong Kong. Sự cố có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ Internet quốc tế của khách hàng. VNPT lập tức thực hiện phương án khắc phục là điều chỉnh lưu lượng qua các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định để đảm bảo chất lượng dịch vụ của khách hàng. Thời gian qua VNPT liên tục định tuyến, tối ưu mạng lưới để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

THANH HẢI - HÀ CƯỜNG

Vì sao cáp quang biển liên tục đứt? Vì sao cáp quang biển liên tục đứt?
Cáp quang biển AAE-1 lại gặp sự cố Cáp quang biển AAE-1 lại gặp sự cố
Hai tuyến cáp quang biển gặp sự cố Hai tuyến cáp quang biển gặp sự cố

/ vtc.vn