Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong tổng số 5 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo phương thức PPP, sau khi mở thầu và đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu (ngày 12/10/2020) có 4 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo); một dự án Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Khác so với các dự án BOT giai đoạn trước đây, theo Bộ Giao thông Vận tải, các dự án cao tốc Bắc-Nam đã được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng như triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng bằng vốn Nhà nước, đến nay đạt khoảng 92% khối lượng; hiệu quả tài chính được cải thiện rõ rệt do có sự tham gia vốn Nhà nước, trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư (khoảng 19.987/39.426 tỷ đồng của 5 dự án).
Dự án cao tốc Bắc-Nam được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. |
Mặt khác, mức lãi suất huy động vốn vay tính toán trong hồ sơ mời thầu xác định bằng bình quân trung bình lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 3 ngân hàng thương mại nên phù hợp với thị trường; việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch...
Chưa kể, tuyến đường này được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ; mức thu phí sử dụng dịch vụ được quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ; tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt nên chi phí đầu tư được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Chỉ ra nguyên nhân dự án thành phần đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia, theo đánh giá sơ bộ của Bộ Giao thông Vận tải, đây là dự án có tỷ lệ huy động vốn tín dụng lớn (15.551 tỷ đồng); trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP.
Lường trước được các khó khăn này, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai dự án. Theo đó, các ngân hàng đều bày tỏ nhận thức được trách nhiệm trong việc ưu tiên xem xét, cung cấp tín dụng cho dự án quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên theo quy định pháp luật về tín dụng, việc cho vay thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn.
Ngoài ra, phía Bộ GTVT cũng nhìn nhận các nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở dự án này cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác, do đó căn cứ mức độ hấp dẫn, năng lực vốn chủ sở hữu và khả năng huy động vốn tín dụng, nhà đầu tư có quyền quyết định lựa chọn dự án để nộp hồ sơ dự thầu.
“Như vậy, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng”, đại diện Bộ GTVT cho hay.
Nhằm giải quyết những khó khăn về huy động vốn tín dụng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, Bộ GTVT đã báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư theo hình thức BOT nhằm tạo niềm tin, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong giai đoạn tới.
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức PPP để sớm áp dụng và triển khai các dự án.
Đặng Nhật
Cao tốc Bắc-Nam sắp khởi công sẽ được thu phí như thế nào? |
Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam tại Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai |