Hầu như mỗi lần ngân hàng (NH) thương mại điều chỉnh mức phí dịch vụ, nhất là các loại phí liên quan đến giao dịch ATM, Internet Banking, Mobile Banking… là khách hàng lại phản ứng. Vì sao?
Các loại phí liên quan đến giao dịch ATM thực tế có tác động rất lớn đến chủ thẻ, khách hàng, bởi không như các nước khác, thẻ ATM ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt. Số liệu thống kê của Hội thẻ NH Việt Nam cho thấy khoảng hơn 90% giao dịch tại hệ thống máy ATM vẫn là rút tiền mặt, dù tỉ lệ này đã giảm nhiều so với trước. Và mỗi lần rút tiền tại ATM là khách hàng lại tốn phí, nên chủ thẻ phản ứng là dễ hiểu.
Trong khi đó, cũng theo số liệu được các NH thương mại và Hội thẻ NH Việt Nam đưa ra, chi phí mỗi giao dịch rút tiền tại ATM (gồm cả chi phí duy trì, bảo dưỡng) là từ 7.000 đến 10.000 đồng. Nếu so với mức trần quy định về phí rút tiền nội mạng 3.300 đồng/giao dịch (sau thuế GTGT) và phí rút tiền ngoại mạng hiện nay cũng áp dụng cùng mức 3.300 đồng/giao dịch, thì các NH đang lỗ nặng. Đó là chưa kể hiện phần lớn các NH đều đang áp dụng mức phí rút tiền nội mạng phổ biến là 1.100 đồng/lần, thậm chí một vài NH còn miễn phí nên mới đây, cả Agribank, VietinBank, Vietcombank… đều thông báo sẽ áp dụng biểu phí rút tiền nội mạng mới tại ATM để bù đắp chi phí đầu tư.
Nhưng ở góc độ khác, cần sòng phẳng với chủ thẻ - khách hàng của NH trong câu chuyện này. Thực tế hiện nay, khi đề ra kế hoạch kinh doanh, các NH đều hướng nguồn thu sang dịch vụ, chuyển thu nhập từ lãi sang phí nên nhiều NH điều chỉnh tăng các loại phí liên quan đến thẻ ATM, thẻ tín dụng, NH điện tử… ATM là tiện ích nên khách hàng phải trả phí và tăng phí để bù đắp chi phí đầu tư là khó tránh nhưng các NH cũng đang hưởng lợi từ dịch vụ này. NH sẽ giảm được rất nhiều chi phí hoạt động do giảm giao dịch trực tiếp với khách hàng, không cần mở quá nhiều phòng giao dịch, giảm bớt nhân viên làm việc và nhiều chi phí khác. Thông qua hệ thống máy ATM, các NH cũng dễ dàng quảng bá mạng lưới, hình ảnh, thương mại và các sản phẩm dịch vụ của mình tới khách hàng, chủ thẻ.
Để sử dụng thẻ ATM, các NH quy định chủ thẻ phải duy trì một số dư nhất định trong tài khoản, bình quân khoảng 50.000 đồng/tài khoản. Với 2 triệu khách hàng, NH sẽ có khoảng 100 tỉ đồng và NH hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tiền không kỳ hạn (lãi suất chỉ từ 0,2%-0,5%) để kinh doanh, cho vay với lãi suất cao hơn nhiều.
Mỗi khách hàng tới mở thẻ ATM, mở tài khoản thanh toán là cơ hội tiếp cận khách hàng đó sử dụng thêm các sản phẩm khác như gửi tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm… Lúc đó, NH có thể lỗ từ thu phí ATM nhưng sẽ bán chéo sản phẩm và thu được doanh thu, lợi nhuận từ các sản phẩm dịch vụ khác. Do đó, thay vì đồng loạt tăng các khoản phí với quá nhiều loại và tăng mức thu như hiện nay, các NH có thể nghiên cứu cung cấp gói sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tài chính để có thêm nguồn thu.
Từ câu chuyện khách hàng phản ứng tăng phí ATM, tôi lại nhớ chuyện khách hàng vào quán uống cà phê, họ có thể sẵn sàng trả 100.000 đồng cho một ly cà phê nhưng sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu ra về phải trả thêm 5.000 đồng tiền gửi xe.
Sau Agribank, đến lượt Vietinbank và BIDV tăng phí rút tiền ATM
Không lâu sau khi Agribank tăng phí rút tiền mặt ATM, 2 ngân hàng lớn khác là Vietinbank và BIDV cũng điều chỉnh tăng mức ... |
Thêm VietinBank, Vietcombank tăng phí rút ATM nội mạng
Sau Agribank, hai ông lớn ngân hàng cũng tăng phí rút nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng, một vài loại thẻ phải chịu ... |
TS - Luật sư Bùi Quang Tín