Tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại châu Âu liên tục lập những đỉnh mới trong những ngày gần đây. Điều này khiến châu Âu tiếp tục là tâm dịch COVID-19 lớn nhất thể giới.
Mới đây nhất, vào ngày 16/1, Viện Robert Kock công bố, tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Đức lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 ca/100.000 dân trong 7 ngày. Số ca nhiễm mới cao nhất ghi nhận trong một ngày ở Đức là trên 92.000 trường hợp vào ngày 14/1.
Còn tại Bỉ, báo cáo của Đại học Louvain công bố hôm 14/1 cho biết, trung bình mỗi ngày có trên 24.000 ca mắc mới trong hai tuần qua. Trong đó, 86% số ca mắc mới nhiễm biến thể Omicron, còn lại là các ca nhiễm biến chủng Delta. Phần lớn số ca mắc mới được ghi nhận trong lĩnh vực hàng không, nhà hàng, khách sạn. Sự gia tăng này phù hợp với tính toán sau kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.
Biến thể Omicron cũng khiến số trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh phải nhập viện tăng cao hơn, theo kết luận trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh tiến hành vào ngày 14/1. 42% số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện là dưới 1 tuổi, cao hơn so với tỷ lệ khoảng 30% trong các đợt bùng phát trước.
Trước tình hình này, nhiều nước châu Âu đang sử dụng chứng chỉ COVID-19 như một công cụ thúc ép người dân phải đi tiêm mũi vaccine thứ ba.
Quy định chung của châu Âu là chứng chỉ COVID-19 chỉ có giá trị nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine trước đó không quá 3 tháng. Riêng tại Đức, chứng chỉ có đầy đủ giá trị khi người dân đã tiêm đủ 3 liều vaccine. Pháp, Áo, Hà Lan, Italy, Cộng hòa Czech… cũng đều bổ sung các biện pháp khắt khe hơn so với chuẩn chung trên toàn châu Âu.
Liên minh châu Âu quy định, chỉ cần tiêm đủ 2 liều vaccine là chứng chỉ COVID-19 có hiệu lực tại tất cả các nước châu Âu. Nhưng Chính phủ Đức đã ra quyết định, trong nội bộ nước này, chứng chỉ phải thể hiện đã tiêm 3 liều vaccine thì mới có giá trị để vào quán bar hoặc nhà hàng.
Luật chung của Liên minh châu Âu quy định, việc tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính dưới 72 giờ đồng nghĩa chứng chỉ có hiệu lực. Ngày 6/1 vừa qua, Quốc hội Pháp đã sửa quy định ngặt nghèo hơn, theo đó trong nội bộ nước này, Pháp sẽ không gộp kết quả xét nghiệm PCR vào chứng chỉ. Muốn chứng chỉ có hiệu lực, chỉ có cách duy nhất là tiêm vaccine.
PV (th)
Châu Âu đang dần coi COVID-19 là ‘căn bệnh bình thường’ như cúm |
Hà Nội FC đón tân binh châu Âu được định giá 18 tỷ đồng |
Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Đức-EU trả giá? |