Shangri-La 2024: Đối thoại vì hợp tác và an ninh khu vực

Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút nhiều vị lãnh đạo quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng cùng hàng trăm đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới để thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt, từ đó đề xuất những biện pháp giảm căng thẳng, xây đắp lòng tin vì hợp tác, hòa bình và an ninh của khu vực cũng như trên thế giới.

Đối mặt với nhiều thách thức an ninh, quốc phòng

Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 diễn ra từ ngày 31-5 đến ngày 2-6 vừa qua tại Khách sạn Shangri-La ở Singapore đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận không chỉ khu vực mà trên thế giới. Khoảng khoảng 550 đại biểu đến từ 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có các vị lãnh đạo quốc gia và người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách quốc phòng - an ninh, cùng thảo luận về những thách thức an ninh nghiêm trọng mà khu vực và thế giới đang phải đối mặt. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến dẫn đầu tham dự hội nghị.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi với Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế

Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên tại Shangri-La ở Singapore, là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia. Qua nhiều năm tổ chức, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn an ninh và quốc phòng hàng đầu châu Á.

Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng, khó lường. Trên thế giới, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine vẫn khốc liệt, có nguy cơ leo thang, lôi kéo thêm các thành viên liên minh quân sự NATO can dự trực tiếp; tác động sâu sắc tới hòa bình, an ninh và ổn định không chỉ của châu Âu mà cả thế giới.

Tương tự, cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel cũng chưa tìm thấy lối thoát hòa bình, đẩy hàng triệu người dân Palestine vào thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng. Xung đột quân sự Hamas - Israel càng kéo dài càng dẫn tới những hệ lụy khôn lường về an ninh đối với khu vực không chỉ là “rốn dầu” của thế giới mà còn có vị trí địa chính trị quan trọng trên toàn cầu.

Tại khu vực, tình hình an ninh, căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á, xung quanh eo biển Đài Loan cũng như vấn đề Myanmar… vẫn chưa lắng dịu, tiềm ẩn các nguy cơ đối với hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực. Trong đó, các tranh cãi, va chạm trên vùng biển quan trọng chiến lược toàn cầu như Biển Đông luôn gây lo ngại sâu sắc đối với không chỉ các quốc gia khu vực.

Là diễn đàn đối thoại quốc phòng - an ninh hàng đầu châu Á, và nhà lãnh đạo và đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La năm 2024 đã tập trung bàn thảo xoay quanh các chủ đề “Sự răn đe và trấn an ở châu Á - Thái Bình Dương”; “Hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ”; “Myanmar: Cơ hội ngoại giao trong bối cảnh tầm nhìn khác nhau về hòa bình”. Đối thoại đã trao đổi về vai trò, quan điểm của Mỹ và Trung Quốc đối với an ninh khu vực, quản lý khủng hoảng, thực thi luật hàng hải và xây dựng lòng tin, chiến tranh mạng, hợp tác an ninh và hợp tác trong hoạt động nhân đạo…

Trong 3 ngày họp, giới chức an ninh và quốc phòng cấp cao đến từ 40 quốc gia cũng đã thảo luận về việc thực thi luật biển và xây dựng lòng tin; cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu; AI, an ninh mạng và xung đột tương lai; phối hợp tiến hành các hoạt động nhân đạo trên thế giới... Giới quan sát hy vọng, những cuộc đối thoại, trao đổi, gặp gỡ tại Đối thoại Shangri-La năm 2024 sẽ giúp cùng nhìn nhận những nguy cơ, thách thức an ninh và và quốc phòng; từ đó thúc đẩy đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm tránh căng thẳng leo thang, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ xung đột, hướng tới gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.

Những thông điệp rõ ràng từ Việt Nam

Đoàn Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 theo lời mời của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã tích cực tham dự các hoạt động đa phương và song phương trong 3 ngày diễn ra đối thoại. Đoàn Việt Nam đã tham dự các phiên thảo luận toàn thể, đồng thời đã có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo quốc phòng các nước và các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các đối tác trong thời gian tới.

Tại cuộc gặp Thư ký thường trực Bộ Quốc phòng Singapore Chan Heng Chee, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận đã thống nhất từ Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Singapore năm 2023; thúc đẩy hợp tác tìm đào tạo, tìm kiếm cứu nạn, chuyển đổi số trong quân đội; đề nghị kéo dài thời gian công tác của sĩ quan liên lạc Việt Nam làm việc tại Trung tâm chia sẻ thông tin an ninh hàng hải Singapore. Tại cuộc gặp Tiến sĩ Bastian Giegerich, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành Viện IISS - đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao vai trò của Đối thoại Shangri-La với an ninh, an toàn ở khu vực, khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Đối thoại Shangri-La, đồng thời đề nghị Văn phòng IISS khu vực châu Á đặt tại Singapore tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam, trong đó có Viện Chiến lược Quốc phòng.

Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2024, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Lê Quang Đạo đã có bài phát biểu tại phiên họp với chủ đề “Thực thi pháp luật trên biển và xây dựng lòng tin”, trong đó khẳng định tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đã và đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế để cùng đối phó, giải quyết. Thiếu tướng Lê Quang Đạo nhấn mạnh, yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hợp tác quốc tế là xây dựng lòng tin.

Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho rằng thời gian tới, các thách thức trên biển tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn nữa về hợp tác quốc tế thực thi pháp luật trên biển. Do đó, người đứng đầu lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị, các nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và pháp luật của các nước để thực hiện hiệu quả, thực chất hơn nữa các văn bản đã tham gia, ký kết; thúc đẩy ký kết các cơ chế hợp tác mới và đưa ra các sáng kiến thiết thực, hiệu quả hơn nữa để giải quyết, xử lý các thách thức an ninh biển; và các bên cần tiếp tục xây dựng lòng tin trong thực thi các văn bản hợp tác đã ký kết và trong xây dựng các văn bản hợp tác mới.

Cũng như các hội nghị trước đó, qua tham dự Đối thoại Shangri-La 2024, Việt Nam luôn thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, thường xuyên đưa ra quan điểm cũng là thông điệp rõ ràng trước những thách thức an ninh trong khu vực, trên cơ sở kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, tôn trọng luật pháp quốc tế.    https://www.anninhthudo.vn/shangri-la-2024-doi-thoai-vi-hop-tac-va-an-ninh-khu-vuc-post578453.antd

Hoàng Hà / anninhthudo.vn