Ở Việt Nam, rằm tháng 7 (Âm lịch) với người miền Bắc chủ yếu được coi là ngày xá tội vong nhân, còn với đồng bào miền Nam lại có ý nghĩa chính là Vu Lan báo hiếu. Cùng một ngày nhưng hai lễ mang hai ý nghĩa khác nhau và đều rất nhân bản, bổ sung cho nhau, trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh ngày càng phổ biến.
Ý nghĩa hai sắc hoa hồng trong lễ Vu Lan |
Mùa Vu Lan đến, trên áo con hoa trắng lệ rơi |
Ảnh minh họa |
Từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình là Thanh Đề ra khỏi kiếp ngạ quỷ khi bà đang bị giam ở tầng ngục sâu nhất dành cho những người khi còn sống phạm những tội ác ghê gớm nhất, Vu Lan đã trở thành ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung)- không chỉ nhớ ơn cha mẹ của kiếp này mà còn của các kiếp trước.
Ngày nay mùa Vu Lan về người ta còn có quy ước, ai còn mẹ sẽ được cài bông hoa màu hồng lên áo, ai mẹ đã mất thì cài hoa trắng. “Bông hồng cài áo” thực ra là tên một đoạn văn viết về mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào tháng 8/1962 và cũng là tên một bài hát của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã sáng tác trong thập niên 1960, lấy ý từ bài viết trên.
Lễ hội “Bông hồng cài áo” được thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức lần đầu tiên cho tăng ni và Phật tử chùa Pháp Hội (Sài Gòn), sau này được nhân rộng như hiện nay và trở thành một tục lệ tốt đẹp.
Ở miền Bắc, trước đây cúng rằm tháng 7 mỗi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh tại sân nhà hoặc vỉa hè. Lễ cúng tổ tiên là cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy!
Mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm: quần áo chúng sinh với các màu: xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng (bằng giấy)…; các loại ngô, khoai lang luộc, cháo hoa, bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, nước lã, tiền vàng… Cúng xong người ta thường gọi trẻ con ở xung quanh đến cho chúng tranh cướp các lễ vật và quan niệm chúng tượng trưng cho những cô hồn.
Rằm tháng 7 là tết Trung Nguyên, còn được gọi là lễ xá tội vong nhân. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các quan niệm, truyền thuyết của Phật giáo và Đạo giáo thường pha trộn, ảnh hưởng lẫn nhau.
Theo Đạo giáo hàng năm cửa địa ngục được mở từ ngày 2/7 và đóng lại vào ngày rằm tháng 7, ngày này ma quỷ lại phải trở về địa ngục. Trong những ngày ma quỷ được thả khỏi địa ngục, người ta phải tổ chức cúng để ma quỷ không quấy phá.
Ở Việt Nam, nhiều gia đình coi việc cúng các cô hồn đói khát, không nơi nương tựa, không chỉ để chúng khỏi quấy phá, mà còn là một việc làm phúc, giúp cho các cô hồn ít ra cũng có được một ngày không bị đói khát, đỡ tủi phận.
Đây là một việc làm mang tính nhân văn rất cao trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Người ta cho rằng, các linh hồn dù cho đã gây ra những tội ác thì trong quá trình chịu hình phạt, quả báo, cũng có (và cần có) một ngày được xá tội.
Như trên chúng tôi đã nói, ở Việt Nam (và một số nước Á Đông) tổ chức lễ Vu Lan vào rằm tháng 7 là để tỏ lòng hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng là để giúp đỡ những linh hồn đói khát, không nơi nương tựa, không có thân nhân trên dương thế thờ cúng.
Trước đây (nhất là ở miền Bắc) cúng rằm tháng 7 chủ yếu là cúng cô hồn. Rất nhiều người ở lứa tuổi 60 – 70 chỉ nhớ đến những mâm cúng chúng sinh, dành cho các cô hồn, mà họ đã từng được chứng kiến, từng được “mời” tranh cướp. Chúng tôi nghĩ đây là một điều rất đặc biệt và có ý nghĩa hết sức tốt đẹp.
Có lẽ người xưa quan niệm kính hiếu với bố mẹ, ông bà tổ tiên là việc cần làm bắt buộc phải làm trong cả cuộc đời của mỗi người, cho nên họ muốn dành gần như trọn cả rằm tháng 7 cho linh hồn những người thiệt thòi, cô đơn, oan khuất. Đây không chỉ là cái nhìn xót thương, nhân đạo với các cô hồn, mà còn là quan niệm: chúng sinh cần được nhìn nhận bình đẳng, công bằng.
Ngày nay lễ cúng rằm tháng 7 nghiêng hẳn về việc báo hiếu cha mẹ, tổ tiên. Điều này rất cần được khuyến khích, nhưng có nên lãng quên một tập tục rất tốt đẹp, nhân đạo của tổ tiên chúng ta: thương xót với những cô hồn đói khát không nơi nương tựa.
Và cũng có một thực tế đáng buồn là khi người ta làm những lễ báo hiếu rất to (hình thức), thì đạo hiếu thực tế trong xã hội lại ngày càng xuống cấp; xảy ra nhiều hiện tượng bất hiếu đau lòng. Phải chăng ở đây quy luật “thùng rỗng kêu to” vẫn đúng!
Việc tổ chức lễ Vu Lan, xá tội vong nhân ở Việt Nam và các nước Á Đông đều xuất phát từ đạo Phật, với những ý nghĩa hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên cũng cần phê phán những tư tưởng mê tín coi tháng 7 là tháng cô hồn, không đem lại may mắn, nên tránh việc mua bán, xây nhà… trong thời gian này, bởi nó không có căn cứ và đi ngược lại với tình cảm xót thương và tin vào tính thiện của con người- dù đó là cô hồn, của cha ông ta.
http://daidoanket.vn/tin-tuc/van-hoa/ram-thang-7-voi-le-vu-lan-va-xa-toi-vong-nhan-377655