Quy định con mèo

Hôm qua tôi mới biết luật pháp Việt Nam cấm giết và buôn bán thịt mèo từ năm 1998 đến năm 2020.

Hôm qua tôi mới biết luật pháp Việt Nam cấm giết và buôn bán thịt mèo từ năm 1998 đến năm 2020.

Số là FOUR PAWS ("bốn bàn chân"), một tổ chức chuyên bảo vệ chó mèo quốc tế mới ra một báo cáo riêng về tình hình giết thịt mèo ở Việt Nam. Tôi lượn lờ đọc tin tức về Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, thì thấy báo Pháp (Franceinfo) và báo Ý (La Stampa) đều đang sốt sắng đưa chuyện dân ta ăn thịt mèo.

Phải thú thực là tôi không định viết về văn hóa ăn thịt mèo. Dù tôi không ăn thịt mèo bao giờ, thì chuyện này, cũng như văn hóa ăn thịt chó, động đến chỉ thấy một cuộc luận chiến dai dẳng của quan niệm, mãi không thấy hồi kết trong khi đất nước còn đang có bao nhiêu vấn đề quốc kế dân sinh. Nhưng vì báo bạn đã đưa, nên tôi đành thực thi đúng trách nhiệm phóng viên, đi tìm báo cáo này và đọc.

Trên trang facebook của tổ chức FOUR PAWS Việt Nam, bài công bố báo cáo mấy ngày trước thu được tổng cộng 43 "likes". Người Việt Nam ăn thịt mèo thật ra cũng đâu phải chuyện chấn động gì. Tôi đọc nhanh qua báo cáo, thông điệp đã quen thuộc nếu bạn là người Việt Nam: văn hóa ăn thịt mèo tạo cơ sở cho hoạt động tội phạm, trong bối cảnh nước ta không hề có cơ sở nuôi mèo lấy thịt, nguồn cung nhiều khả năng đến chủ yếu từ việc trộm cướp mèo.

Nhưng có một chi tiết làm tôi chú ý: các nhà vận động quốc tế, trong báo cáo về mèo tại Việt Nam, tự tin khẳng định rằng, khác với chó, mèo là loài được luật pháp nước ta bảo vệ. Có một quy định năm 1998 cấm việc bán thịt mèo. Ồ, sao không cấm bán thịt chó mà lại cấm bán thịt mèo nhỉ, tôi nghĩ, mình không hề biết quy định này.

Đó là Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng". Trong chỉ thị được ký bởi Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, ngôn ngữ rất thẳng thắn: "Thu hồi giấy phép kinh doanh, dẹp ngay các quán ăn bằng thịt mèo (tiểu hổ), xử lý nghiêm những đối tượng chuyên đi bắt mèo".

Tôi đọc thêm và phát hiện ra đến tận ngày 3/1/2020, Thủ tướng mới ký văn bản chấm dứt hiệu lực của chỉ thị này. Tức là quy định cấm bán thịt mèo đã tồn tại trong suốt 22 năm qua. Hoặc ít nhất, "quy định pháp luật" này đã tồn tại đến tận năm 2016, khi mà "chỉ thị của thủ tướng" không còn được coi là văn bản quy phạm pháp luật.

Và tôi nghĩ về số phận của một quy định pháp luật. Đó mới là lý do tôi viết bài này. Một quy định được ban hành bởi Thủ tướng, tồn tại trong suốt hai thập kỷ, và đến khi kết thúc vòng đời, dường như không hề đi vào cuộc sống. Ai đó có thể cho rằng từ năm 1998 đến nay, nền kinh tế đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp-dịch vụ thì việc giữ mèo để diệt chuột không còn phù hợp nữa. Nhưng đó chỉ là quan điểm thôi, còn nguyên tắc là nguyên tắc, quy định là quy định, và trong suốt từng ấy năm không có văn bản thay thế, thì "dẹp ngay" luôn là một mệnh lệnh của chính phủ Việt Nam. Và đó là một mệnh lệnh... tàng hình.

Tôi nghĩ về số phận của một văn bản pháp luật; và mong độc giả cũng hãy nghĩ theo hướng này. Chúng ta không ở đây để bàn chuyện ăn thịt mèo, mà đi tìm kiếm ý nghĩa của một "cuộc đời văn bản". Mệnh lệnh không được thực hiện này nói lên điều gì về hệ thống pháp luật nước ta?

Bạn đọc có thể cho rằng tôi lẩn thẩn. Việc một quy định không/chưa đi vào thực tiễn là điều phổ biến. Nơi nơi người ta vẫn lấn chiếm vỉa hè; xả rác ra đường. Nhưng thứ nhất, khi xả rác hoặc lấn vỉa hè, người ta luôn biết rằng mình-đang-làm-sai. Thứ hai, những quy định đó vẫn đang có hiệu lực. Chúng ta có quyền nói rằng mình vẫn đang "từng bước đẩy lùi" hoặc "cải thiện" vấn đề. Quy định về thịt mèo kỳ dị hơn thế, nó đã sinh ra và biến mất, trong 2 thập kỷ, mà sự tồn tại của nó với hầu hết dân số (gồm cả cán bộ hành pháp) là hoàn toàn đáng ngờ.

Tôi lại nghĩ không thông, và quyết định xách xe máy ra đường. Sáu rưỡi tối, tôi dặn vợ chờ cơm và bật Google Maps lên tìm quán thịt mèo gần nhất. Quanh Hà Nội tất nhiên có rất nhiều.

Bảy giờ tối, tôi đi xuyên qua những vườn cây không ánh đèn ở khu Đại Mỗ, và tìm thấy một quán thịt chó và mèo. Quán được dựng bằng tấm tôn, cửa được phủ tấm nhựa trong kèm chữ "Điều hòa" to tướng. Có lẽ chưa đến giờ nhậu, chỉ có một thực khách đang ngồi ăn một bát bún (không biết là chó hay mèo) rồi tất tả đi luôn. Người ta quả nhiên đối xử với món này một cách rất thông thường.

Tôi đứng ngoài nhìn cái quán một hồi lâu, và tự hỏi rằng có điều bình thường nào ở đây là bất thường. Kín các mặt tường của quán, trong và ngoài, ông chủ đã cho in rất to những bức ảnh các món ăn. Những đĩa xào và đĩa nướng được trang trí cà rốt tỉa và rau mùi, những bát canh béo, rựa mận, bún măng. Tôi tự bật cười một mình, vì trong một văn cảnh khác, với một nguyên liệu khác, thì các nhà quay phim quốc tế đã dùng chính những đĩa xào có rau mùi này để quảng bá cho văn hóa Việt Nam.

Tự cái quán kể được một câu chuyện. Đằng sau những bức ảnh in khổ siêu lớn trên tường kia là cả một cuộc phát huy và kế thừa văn hóa đã kéo dài nhiều thập niên, là niềm tự hãnh của một đầu bếp – mà tôi không nghi ngờ gì về kỹ thuật đặc hữu của anh/chị này với một loại nguyên liệu đòi hỏi sơ chế phức tạp – từ thui rơm đến mổ thịt. Trong suốt hai thập kỷ qua, dòng chảy văn hóa này chưa bao giờ gián đoạn.

Bạn đọc có thể cho rằng tôi lẩn thẩn. Sao lại quan tâm đến thịt mèo như vậy? Nhưng như đã nói, vấn đề ở đây không phải là mèo hay thỏ, mà đã có một quy định của chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã "tàng hình" trong 22 năm. Nghĩ theo cách nào thì đây cũng không phải chuyện nên xem thường. Ta có trách nhiệm tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra thông qua tiền lệ pháp luật này.

Thông thường, khi một chính sách không đi vào đời sống, có mấy lý do dễ gặp: 1. Không công khai hoặc cung cấp cho bên bị ảnh hưởng các quy tắc mà anh ta phải tuân thủ; 2. Không đưa được ra các quy tắc dễ hiểu; 3. Ban hành các quy tắc mâu thuẫn; 4. Các yêu cầu vượt quá quyền hạn của bên bị ảnh hưởng; 5. Đưa ra quá nhiều quy tắc, mà chủ thể không thể định hướng hành động theo chúng.

Nhưng việc cấm bán thịt mèo thật ra không gây mâu thuẫn nào kể trên, rất dễ hiểu. Khâu ban hành dường như không gặp lỗi kỹ thuật nào. Và có lẽ vì không có mâu thuẫn nên nó mới tồn tại được 22 năm. Thế tại sao nó vẫn là một "mệnh lệnh tàng hình"?

Ở đây có một trạng thái khá đặc thù của xã hội Việt Nam. Đó là đôi khi chúng ta có thể ngầm thống nhất với nhau, rằng mình sẽ lờ đi một quy định pháp luật, một cách êm thấm, không trải qua xung đột chủ đạo nào.

Bạn đọc đã nhận ra rằng có một lực cản từ phía cộng đồng chống lại việc "dẹp ngay các quán thịt mèo" - đơn giản là vẫn còn nhiều người thích ăn thịt mèo. Nhưng thông lệ, ngay cả khi có lực cản từ cộng đồng, thì xã hội cũng phải trải qua chút ít xung đột. Bên hành pháp ra tay, ai đó phản kháng. Pháp luật vỉa hè thì thỉnh thoảng còn thấy bà bán rong khóc lóc bấu chân anh dân phòng đòi cái quang gánh, nhiều khung cảnh kịch tính. Pháp luật môi trường đôi lúc còn thấy những người xả rác ngoài phố bị lên án dữ dội. Nhưng quy định con mèo, vì nó bất tiện, vì nhóm chịu tác động là số ít, nên nó được thống nhất là bỏ qua cho êm. Kể cả bạn có biết đến chỉ thị năm 1998 đi nữa, chẳng nhẽ đi đường gặp quán bán thịt mèo lại gọi điện lên đường dây nóng của địa phương tố giác, bị dở hơi đâu?

Hai mươi hai năm ấy đã trôi qua bình yên, chỉ thị trôi vào dĩ vãng. Chỉ bất hạnh cho mấy con mèo, và tiếc cho đôi chút hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

"Quy định con mèo" không chỉ là chuyện mèo. Có những quy tắc trong xã hội ta được tuân thủ rất cẩn mật, toàn dân đồng lòng với chính quyền, cứ nhìn đợt dịch Covid này thì biết. Nhưng có một số quy tắc khác, vì nhiều lý do, đặc biệt là vì văn hóa sống và làm việc theo pháp luật hình như bị xem nhẹ, đã được quyết định là lờ đi cho nhanh. Nó không đi vào thực tế không phải vì khâu ban hành pháp luật bị sai, mà chỉ đơn giản là người Việt Nam... không thích thực hiện thôi. Bạn có thể giúp tôi bằng việc tự kể thêm các ví dụ về những luật định "không thực hiện chả chết ai", từ pháp luật giao thông, thủ tục hành chính, pháp luật thuế đến pháp luật lao động.

Tôi nghĩ gọi đây là "trạng thái đặc thù" của chúng ta có lẽ không ai phản đối. Bạn vẫn có thể cho rằng tôi quá lẩn thẩn với mấy con mèo; nhưng toàn bộ cộng đồng cùng đồng tâm lờ đi một nguyên tắc luật pháp, chuyện này nghĩ mãi vẫn thấy kỳ dị, và không biết có phổ biến trên thế giới không.

Đức Hoàng

Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 Đà Nẵng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND
Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu trẻ tử vong do tai nạn thương tích Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu trẻ tử vong do tai nạn thương tích
/ vnexpress.net