Nếu người thân không đeo khẩu trang, không vệ sinh đúng cách hay nhiễm Covid-19, phụ nữ Nhật sẽ là đối tượng bị dư luận chỉ trích, áp lực tinh thần đè nặng.
Không lâu sau khi Nhật Bản tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 vào mùa xuân năm ngoái, Nazuna Hashimoto trở nên hoảng loạn. Phòng tập thể dục ở Osaka nơi cô làm huấn luyện viên cá nhân đã tạm ngừng hoạt động. Bạn bè của Nazuna Hashimoto cũng không ra khỏi nhà.
Sợ ở một mình, cô gọi bạn trai mới quen vài tháng rủ đến nhà mình. Sau đó, đôi khi cô không thể ngừng khóc. Căn bệnh trầm cảm được chẩn đoán hồi đầu năm nặng càng thêm nặng. "Thế giới tôi đang sống vốn nhỏ bé lại càng nhỏ hơn", cô nói.
Đến tháng 7, Hashimoto thấy đời không lối thoát và quyết định tự tử. Bạn trai may mắn phát hiện, gọi cấp cứu nên cứu sống cô.
Đại dịch gây khó khăn cho nhiều người ở Nhật Bản và càng áp lực hơn với phụ nữ. Tại Tokyo, khoảng 1/5 phụ nữ sống một mình. Khuyến cáo ở nhà và tránh gặp người thân khiến cảm giác cô lập thêm trầm trọng. Một số phụ nữ vật lộn để vừa chăm con, vừa làm việc tại nhà hoặc chịu đựng bạo lực và tấn công tình dục gia tăng.
Năm 2020, tại Nhật Bản, 6.976 phụ nữ tự vẫn, nhiều hơn gần 15% so với năm 2019. Trong khi đó, dù nam giới tự tử nhiều hơn phụ nữ, nhưng vẫn ít so với năm 2019.
Mỗi vụ đều là kết quả của bi kịch cá nhân - khởi nguồn từ một loạt lý do phức tạp. Tuy nhiên, con số phụ nữ tự chấm dứt đời mình tăng suốt 7 tháng liên tiếp vào năm ngoái khiến quan chức chính phủ và chuyên gia sức khỏe tâm thần lo ngại.
Phụ nữ Nhật Bản là người chăm sóc sức khỏe chính trong gia đình. Đôi khi họ sợ hãi vì bị dư luận sỉ nhục nếu mình hoặc người thân không đeo khẩu trang, không vệ sinh đúng cách. Áp lực lớn hơn nếu chẳng may gia đình có người nhiễm virus.
Yuki Nishimura, giám đốc của Hiệp hội Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Nhật Bản cho biết: "Phụ nữ phải chịu gánh nặng trong việc phòng chống virus. Họ có thể bị coi thường nếu làm không đúng".
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang hồi phục sức khỏe sau khi nhiễm Covid-19 đã tự tử tại nhà riêng. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản thu thập được bằng chứng cho thấy người này đã đau khổ thế nào khi nghĩ mình có thể lây nhiễm cho người khác.
"Thật không may, xu hướng hiện nay là đổ lỗi cho nạn nhân", Michiko Ueda, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda ở Tokyo, người đã nghiên cứu về vấn đề tự tử, cho biết. Tiến sĩ Ueda phát hiện trong các cuộc khảo sát năm ngoái rằng 40% người được hỏi lo lắng về áp lực xã hội nếu nhiễm virus.
Các chuyên gia cũng lo ngại việc các ngôi sao điện ảnh và truyền hình Nhật Bản liên tiếp tự sát vào năm ngoái có thể đã thúc đẩy một chuỗi người bắt chước theo. Sau khi Yuko Takeuchi, một nữ diễn viên nổi tiếng tự tử vào cuối tháng 9, số phụ nữ tự tử trong tháng tiếp theo đã tăng gần 90% so với năm trước.
Trong thời kỳ đại dịch, phụ nữ bị mất việc làm rất nhiều. Khoảng một nửa số phụ nữ ở Nhật làm bán thời gian hoặc hợp đồng. Khi công việc kinh doanh đóng băng, các công ty sẽ cắt giảm nhân viên đó trước. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, 1,44 triệu công nhân như vậy mất việc, hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.
Số vụ tự tử ở phụ nữ 40 tuổi tại Nhật tăng gần 25% vào năm ngoái. Ở thanh thiếu niên, số nữ sinh trung học tự sát tăng gấp đôi.
Với cá nhân Hashimoto, nỗi sợ hãi phụ thuộc tài chính khiến cô tuyệt vọng. Dù khi phòng tập thể dục mở cửa trở lại, nữ huấn luyện viên cá nhân vẫn không thấy đủ ổn định cảm xúc để làm việc. Cảm giác tội lỗi vì dựa dẫm bạn trai về tình cảm và tài chính tăng dần. "Tôi muốn trút bỏ gánh nặng cho anh ấy," cô nói.
Một toa tầu điện ngầm chỉ dành cho phụ nữ ở Tokyo. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả những người không bị mất việc vẫn căng thẳng. Trước đại dịch, làm việc tại nhà là cực kỳ hiếm ở Nhật Bản. Sau đó, phụ nữ đột nhiên phải lo lắng đáp ứng công việc từ xa, lo giữ an toàn vệ sinh cho con cái, bảo vệ cha mẹ già. Trong khi kết nối với bạn bè và những kênh hỗ trợ khác của họ lại giảm dần.
Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện tâm thần và tiếp tục dùng thuốc, sự tự tin của Hashimoto đã được cải thiện. Cô tìm được một công việc bốn ngày một tuần. Vì vậy, hiện tại, Hashimoto giúp những người khác học cách giải quyết vấn đề của mình và kết nối họ với chuyên gia bằng cách phát triển một ứng dụng Bloste (xả hơi) .
"Nhật Bản chú trọng thúc đẩy phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển kinh tế. Nhưng tôi xem trọng sức khỏe tinh thần của họ hơn", cô nói.
Nhật Minh (Theo New York Times)
"Đại dịch tự tử" ở Nhật, Hàn giữa Covid-19
Tỷ lệ tự tử trong nhóm phụ nữ trẻ tuổi ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng đáng kể, nhiều người cho rằng tình ... |