Phiên họp "một phút" mang tính bước ngoặt về chiến sự Nga - Ukraine

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lần đầu tiên nhất trí về một tuyên bố chung cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Dù phiên họp chỉ kéo dài khoảng một phút nhưng kết quả đưa ra được giới chuyên gia đánh giá là "bước ngoặt" nhằm tiến tới một giải pháp hoà bình cho Ukraine.

Phiên họp
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên ra tuyên bố chung về xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc họp hôm 6/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm cả Nga, đã ra một tuyên bố chung bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến việc duy trì hoà bình và an ninh cho Ukraine, đồng thời ủng hộ tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột hiện nay giữa Moscow và Kiev. 

Theo Reuters, dự thảo tuyên bố do Na Uy và Mexico đưa ra và không đề cập tới những cụm từ như "chiến tranh", "xung đột" hay "chiến dịch quân sự đặc biệt". Đại diện thường trực của Mexico tại Liên hợp quốc Juan Ramon de la Fuente Ramirez, cho biết việc Nga ủng hộ tuyên bố chung phản ánh rằng Moscow sẵn sàng cho các giải pháp ngoại giao.

Phiên họp
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cũng tham dự phiên họp về duy trì hòa bình và an ninh Ukraine. Ảnh: Reuters.

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh và nêu rõ: "Lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đã có tiếng nói chung về hòa bình ở Ukraine. Như tôi vẫn thường nói, chúng ta phải cùng nhau hành động để thế giới không còn tiếng súng nổ và giữ vững các giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc".

Hồi tuần trước, ông Guterres đã hội đàm với Tổng thống Nga Putin tại Moscow và Tổng thống Ukraine Zelensky tại Kiev. Chuyến công du này đã mở đường cho một chiến dịch phối hợp giữa Liên hợp quốc và Hội chữ Thập đỏ, giúp sơ tán khoảng 500 dân thường khỏi thành phố Mariupol và nhà máy gang thép Azovstal của Ukraine. 

Được biết, tình hình Ukraine sẽ tiếp tục trở thành chủ đề trong cuộc họp trực tuyến ngày 8/5 của các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với sự tham dự trực tuyến của Tổng thống Ukraine Zelensky. Ngay sau đó, ông Zelensky muốn mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz – nước chủ tịch G7 đến thăm trực tiếp thủ đô Kiev.

Phiên họp
Ông Zelensky muốn mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Kiev vào ngày 9/5. Ảnh: Bundesregierung/Denzel.

 “Tôi tin rằng Thủ tướng Đức cần phải đến Ukraine. Ngài ấy đã nhận được lời mời và có thể biến điều đó thành hiện thực vào ngày 9/5. Tầm quan trọng của chuyến thăm này về cả thời gian và địa điểm là điều không cần phải giải thích", ông Zelensky nói. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Scholz có tới kế hoạch tới Kiev vào ngày 9/5 hay không.

Trước đó, Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio đã hối thúc Liên minh châu Âu (EU) cùng nhau hành động, để giúp khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ giữa Nga và Ukraine.

Hôm 6/5, ông Zelensky đã nêu ra những điều kiện tối thiểu để Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình với Nga, nhấn mạnh rằng Moscow phải rút lực lượng khỏi tất cả các vùng lãnh thổ đã giành được quyền kiểm soát kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Vấn đề lãnh thổ là một trong những trở ngại khiến Nga và Ukraine đến nay vẫn chưa thể đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột. Ukraine nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán về vị thế trung lập, song không bao giờ thỏa hiệp về lãnh thổ. 

Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây coi là không hợp pháp. Vài ngày trước khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, Nga cũng công nhận độc lập cho hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass, miền Đông Ukraine.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phien-hop-mot-phut-mang-tinh-buoc-ngoat-ve-chien-su-nga-ukraine--i652838/

Linh Đan / cand.com.vn