Những ngày AFF Cup 2018 chuẩn bị khởi tranh, ở khắp nơi chúng ta nói về các cầu thủ trên sân, về Quang Hải, về Xuân Trường, Văn Quyết hay Tiến Dũng… Nhưng có vẻ ta chưa dành một thời lượng thích hợp để bàn về cầu thủ thứ 12 - những khán giả Việt Nam - vốn là một phần sức mạnh quan trọng của đội tuyển nhưng đang có một “thái độ thi đấu” rất đáng xem xét.
Những ngày AFF Cup 2018 chuẩn bị khởi tranh, ở khắp nơi chúng ta nói về các cầu thủ trên sân, về Quang Hải, về Xuân Trường, Văn Quyết hay Tiến Dũng… Nhưng có vẻ ta chưa dành một thời lượng thích hợp để bàn về cầu thủ thứ 12 - những khán giả Việt Nam - vốn là một phần sức mạnh quan trọng của đội tuyển nhưng đang có một “thái độ thi đấu” rất đáng xem xét.
Đầu năm 2009, tôi dự khán một trận đấu lớn của giải Serie A giữa Roma và Milan, vốn được nhà chức trách cảnh báo là "khá nguy hiểm", do có thể sẽ có đụng độ giữa các nhóm cổ động viên hai đội.
Trên sân Olimpico, một khán đài không khán giả được tạo ra làm đệm giữa hai khu có cổ động viên đối địch. Tôi ngồi ở một trong hai khu đó, nhìn thấy, nghe thấy, chứng kiến tất cả trong bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng vốn đã được báo chí nhắc đến rất nhiều, coi đó như một thứ "đặc sản chết chóc" của bóng đá Ý: ẩu đả giữa các nhóm cổ động viên và pháo sáng nghi ngút trên khán đài.
Ẩu đả ngoài sân tôi đã chứng kiến, khi các nhóm cổ động viên quá khích lao vào đánh nhau trong những màn phô bày bạo lực, điều chẳng hề liên quan đến tình yêu với trái bóng tròn. Cảnh sát dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám đánh lộn, và xe cấp cứu hoạt động không ngưng nghỉ. Pháo sáng tôi cũng đã nhìn thấy qua tivi. Có những vụ ném pháo sáng xuống sân khiến các trận đấu bị tạm dừng ít phút để cứu hỏa vào sân dập đi, có những vụ bắn pháo từ khán đà bên này sang khán đài bên kia gây chết người. Nhưng bị ném pháo sáng đúng chỗ mình ngồi thì chưa từng.
Vậy mà hôm ấy, tôi và nhiều người Ý khác đã chạy bán sống bán chết khi nhìn thấy những quả pháo sáng bị một nhóm quá khích đối địch ném về phía mình. Lửa hồng rực bắn tóe ra khi pháo chạm các hàng ghế.
May thay, trận đấu không bị gián đoạn, nhưng các tifosi ngồi xem trận đấu với nỗi lo lắng, không biết rồi đây có bị ném nữa không. Bạo lực sân cỏ và những hành vi gây rối vì pháo nói trên được cho là một trong số những nguyên nhân khiến số lượng khán giả đến sân xem các trận của giải Serie A giảm nhiều. Họ sợ. Họ không biết điều gì có thể xảy đến với mình.
Cảm giác bất an đó trở lại khi tôi nhìn tấm ảnh các cổ động viên Việt Nam đang đốt pháo sáng trên một khán đài của sân vận động ở Indonesia tại ASIAD vừa rồi. Một tấm ảnh khác nữa chụp cận cảnh một người hâm mộ của đội tuyển, với cờ quấn quanh đầu, tay cầm pháo sáng đang cháy và môi nở nụ cười. Tôi không hiểu anh ấy cười cái gì. Điều gì khiến anh ta cảm thấy mãn nguyện đến thế? Liệu anh có hiểu rằng anh đang gây nguy hại cho bản thân mình và những người khác xung quanh, có hiểu được rằng việc cầm một quả pháo sáng trên tay có thể dẫn đến những hệ luỵ khác mà ngay sau đấy, chúng ta đã biết, Liên đoàn Bóng đá Châu Á quyết định phạt Liên đoàn Bóng đá Việt Nam 12.500 USD.
12.500 USD - khoảng 300 triệu đồng - cho một sự cố liên quan đến những quả sáng có giá cao lắm chỉ tới một triệu đồng. Và mức phạt ấy luôn đi kèm theo những cảnh báo khác: nếu tái diễn, có thể sẽ phạt nặng hơn, thậm chí có thể khiến đội tuyển của chúng ta phải đấu trên sân nhà trong tình trạng không có khán giả.
Điều gì sẽ xảy ra nếu đội tuyển Việt Nam đá một trận quốc tế nào đó ở sân Mỹ Đình không khán giả, chỉ vì một kẻ vô ý thức nào đó tươi cười cầm một quả pháo sáng "cho vui" và "tạo không khí", cứ nghĩ đó là cách thể hiện tình yêu với màu cờ sắc áo?
Những hình ảnh về một góc khán đài nào đó ở V-League rực lửa không có gì xa lạ. Một số cổ động viên của đội Hải Phòng thậm chí đã coi việc đối pháo sáng trên sân là một "đặc sản" gắn liền với tên tuổi của họ, một dạng thức đặc biệt để thể hiện tình yêu với bóng đá.
Tôi không biết tại sao họ định nghĩa như thế. Nhưng có thể, họ đã nhìn thấy cảnh tượng trên ở một số sân bóng lúc nào cũng nóng bỏng ở Ý và muốn "học tập", mà không hề ý thức được rằng, cổ vũ kiểu đó có thể được quy vào quá khích, một hình thức gần như là bạo lực sân cỏ và đang được một số nền bóng đá từng bị huỷ hoại bởi tệ nạn này tìm cách dẹp bỏ.
Rất nhiều biện pháp đã được bóng đá Ý đưa ra. Trước hết từ chính các câu lạc bộ vì có cổ động viên quá khích bị phạt, không chỉ vì đốt pháo sáng, pháo nổ, mà còn các hành vi bạo lực ngoài sân cỏ hoặc có thái độ phân biệt chủng tộc. Danh tính người đó sẽ được xác định, được đưa lên báo chí, và tuỳ vào mức độ nghiêm trọng mà bị cho vào danh sách những người bị cấm đến các sân vận động và có thể sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Văn hóa pháo sáng vì đâu mà vẫn còn tái diễn? Một phần vì các chế tài đã lỏng lẻo. Người ta đã nương tay cảnh báo và trừng phạt với các cổ động viên của mình, thậm chí không muốn làm họ phật lòng, bỏ sân. Người ta "du di" cho nhau vì ừ "thì cũng là anh em cả". Nhưng khi ra đấu trường quốc tế, chỉ có văn hóa luật lệ, minh bạch và bình đẳng. Cổ động viên hồn nhiên đem pháo sáng sang nước người, chuyện sẽ khác.
Cho đến nay, Liên đoàn đã xử một số trường hợp đốt pháo sáng trên sân, cụ thể là phạt ban tổ chức các sân để cho cổ động viên mang pháo vào sân và đốt trên khán đài, đồng thời phạt các câu lạc bộ có cổ động viên có hành vi này. Tuy nhiên, mức phạt còn thấp, chỉ 20 triệu đồng, không đủ sức răn đe, ngăn chặn.
Người ta chưa làm được một việc rất cần thiết mà bóng đá Ý đã làm: xác định danh tính của những kẻ vô ý thức ấy để từ đó tiếp tục có các mức phạt khác theo cá nhân. Và có lẽ chính vì không "sờ" được tận gáy của những kẻ như thế, mà cái trò tai hại này đã được xuất khẩu ra nước ngoài, khi cổ động viên ta đã đốt pháo sáng trong một số trận đấu sân khách của đội tuyển Việt Nam. AFC đã từng phạt VFF 15 nghìn USD vì "quân ta" đốt pháo sáng trên sân Campuchia vào tháng 8-2017, khi đội tuyển Việt Nam sang đó đá một trận vòng loại ASIAD 2018.
Tôi chỉ lo rằng, nếu không có những biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ bằng cách tuyên truyền, giáo dục và răn đe bằng cả chế tài lẫn hình phạt trước pháp luật, rồi đây, rất có thể chúng ta sẽ phải ngồi tivi xem đội tuyển thi đấu mà không có cổ động viên trong các trận quốc tế.
Anh Ngọc
CĐV quá khích làm xấu mặt bóng đá Việt Nam trước thềm AFF Cup
Rượt trọng tài, đánh nữ cầu thủ, đốt pháo sáng, khán giả quá khích, thiếu ý thức đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ... |
Bóng đá Việt Nam bị phạt 12.500 đôla vì pháo sáng ở Asiad
Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF phải nộp phạt do CĐV đốt pháo sáng trong trận bán kết bóng đá nam giữa Olympic Việt ... |
Ảnh: Đốt pháo sáng, nhảy múa cổ vũ tuyển Việt Nam giành huy chương đồng
Hàng nghìn người hâm mộ có mặt tại SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội) cổ vũ, hò reo tiếp sức cho Olympic Việt Nam đang thi ... |