Cải cách giáo dục không nên chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống giáo dục nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục Đào tạo, mà các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể cần có trách nhiệm cao trong việc giáo dục công dân nắm bắt được những kiến thức mới của xã hội
Trách nhiệm với xã hội
Qua nhiều thế hệ, môn đạo đức hay giáo dục công dân luôn dạy trẻ về những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nhưng tại sao tình trạng bạo lực học đường và những hành vi xấu hoặc vi phạm pháp luật vẫn xảy ra tràn lan trong xã hội?
Mặc dù một phần nguyên nhân có thể xuất phát từ môi trường giáo dục trong gia đình hay năng lực yếu kém của các nhà quản lý xã hội, nhưng phải thừa nhận rằng chương trình giáo dục nói chung và môn học giáo dục công dân nói riêng chưa đủ hấp dẫn và thiết thực để giúp người học cảm thấy gần gũi, áp dụng được trong đời sống hàng ngày.
Các bài học về đạo đức, pháp luật và trách nhiệm công dân… thường khô khan, mang nặng tính lý thuyết, chỉ gói gọn trong chương trình sách giáo khoa. Để người học nhận thấy tầm quan trọng và tính thiết yếu của những chủ đề này, cần gắn từng bài học với bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của đất nước và những tình huống cụ thể.
Các em cần được khơi dậy lòng yêu nước, thông qua những câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước của cha anh, hoặc chuyện về các nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, hoặc các tấm gương cá nhân tiêu biểu khác.
Nhà trường cũng cần tổ chức những dịp để học sinh cùng nhau thảo luận cởi mở về những vấn đề còn bất cập của địa phương, đất nước mình và tìm cách thay đổi dù chỉ bằng những hành động nhỏ nhất. Đồng thời, trẻ em và thanh thiếu niên nên được khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa như các chương trình thiện nguyện, chương trình bảo vệ môi trường… Có như thế, các em mới cảm thấy mình là một bộ phận của một cộng đồng to lớn hơn, và hình thành tinh thần công dân và trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng, đất nước, thay vì lối sống ích kỷ, “đèn nhà ai nấy rạng”.
Trong quá trình học tại trường phổ thông, học sinh nên được tư vấn, hướng dẫn xác định và theo đuổi những đam mê, sở trường của mình, để sau khi tốt nghiệp cấp 3, các em có thể lựa chọn một hướng đi phù hợp. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình phổ thông không nhất thiết phải học đại học, mà có thể lựa chọn học nghề.
Nền giáo dục cần khơi dậy được khát vọng của từng người, hay cao hơn nữa là khát vọng của quốc gia. Ảnh: Lê Văn
Hiện nay, nhiều thanh niên luôn nghĩ phải học đại học mới là thành đạt và có khả năng thăng tiến về địa vị, thu nhập. Nhưng đối với một số người, làm một người thợ xuất sắc có thể là con đường tốt hơn để có mức lương cao và sự nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, để đào tạo nghề trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ, cần chú trọng phát triển hệ thống trường đào tạo nghề hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và theo sát nhu cầu xã hội. Trường nghề cũng cần kết nối với các doanh nghiệp để trao đổi kiến thức, công nghệ, đồng thời mở rộng các cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên.
Tại bậc đại học, thay vì truyền thụ cho sinh viên quá nhiều kiến thức, chương trình đào tạo nên áp dụng mô hình tự lựa chọn, theo đó, sinh viên có thể tự chọn nhiều môn học theo nguyện vọng của mình, bên cạnh một số môn cơ bản bắt buộc. Sinh viên chỉ cần lên lớp một vài buổi một tuần, thời gian còn lại nên dành cho việc tự học, tự nghiên cứu, thay vì chỉ ngồi nghe thầy cô giảng.
Chỉ khi được tập trung cho những lĩnh vực mà mình có đam mê, sinh viên mới có đủ động lực và thời gian để nghiên cứu, sáng tạo, phát huy được hết tiềm năng cá nhân. Từ đó, nền giáo dục mới khơi dậy được khát vọng của từng người, hay cao hơn nữa là khát vọng của quốc gia.
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam cần phải xây dựng một triết lý giáo dục mới phù hợp với thời đại, trên cơ sở đó cần bình tĩnh xem xét, đánh giá các thành quả và những sai lầm để tiến hành điều chỉnh, bổ sung.
Những giá trị giáo dục truyền thống vẫn tốt và những kiến thức cơ bản không nên cải cách. Có chăng, cần cải cách phương pháp dạy và học, theo phương châm học đi đôi với hành, đồng thời cải cách cơ chế quản lý các trường công lập, đảm bảo quyền hạn và trách nhiệm của hiệu trưởng.
Trên thực tế đã có một số ít trường học (có lẽ đa số là trường tư thục, trường quốc tế) áp dụng các phương pháp giáo dục mới như đã nêu ở phần trên. Với xu hướng này, ta có thể lạc quan rằng sẽ ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục tiến bộ, hiện đại hơn nữa.
Câu hỏi lớn nhất là liệu Bộ Giáo dục và cả hệ thống chính trị có ủng hộ và có đủ quyết tâm theo đuổi những mục tiêu này cho toàn bộ hệ thống giáo dục hay không? Nếu những phương pháp giáo dục hiệu quả, hấp dẫn chỉ được thực hành ở một số trường học tại đô thị, thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho đa số trẻ em Việt Nam hiện vẫn được đào tạo trong hệ thống trường công, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Giáo dục cộng đồng
Một vấn đề không kém phần quyết định là nhà nước cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xã hội hóa giáo dục nước nhà. Bài học thực tế cho thấy việc các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đã tạo ra các cơ sở giáo dục đạt được các tiêu chuẩn như mong muốn và mở ra cơ hội liên doanh, liên kết, tích hợp các phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước vào nền giáo dục nước nhà.
Giáo dục cộng đồng cũng là một hướng quan trọng để nâng cao dân trí của nước ta. Trong hơn một thập kỷ qua và đặc biệt là trong khoảng ba năm trở lại đây, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã xuất hiện nhiều hoạt động giáo dục cho cộng đồng.
Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức các chương trình tìm hiểu về văn hóa truyền thống các địa phương vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán, Trung Thu; Trung tâm Văn hóa Pháp, Viện Goethe (Đức) và một số tổ chức nước ngoài khác thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, triển lãm về các chủ đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… mở cửa miễn phí cho công chúng. Trường Đại học Quốc gia và một số viện nghiên cứu đã thông báo trên mạng xã hội về địa điểm, thời gian tổ chức và nội dung của các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn để bất cứ ai quan tâm cũng có thể tham gia.
Nhiều không gian văn hóa nghệ thuật như Six Space và Heritage Space (Hà Nội) đã tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi học thuật với các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Một số thư viện tư nhân như Ago Hub (thư viện kiến trúc), Kids Need Book (thư viện sách tiếng Anh dành cho trẻ em)… đã được thành lập và được quảng bá rộng rãi, giúp gây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư đô thị.
Trên mạng xã hội Facebook cũng có nhiều hội nhóm nghiên cứu về pháp luật, lịch sử, văn hóa, trong đó các thành viên trao đổi với nhau rất nhiều kiến thức, thông tin hữu ích. Những hội nhóm này đã giúp mang lịch sử dân tộc đến gần hơn với người trẻ thông qua những bài viết, hình ảnh chân thực, hấp dẫn.
Sự phát triển nở rộ của những hoạt động giáo dục cộng đồng là một điểm sáng trong quang cảnh văn hóa, giáo dục Việt Nam hiện nay nhưng chủ yếu phục vụ thanh thiếu niên và những người hoạt động trong lĩnh vực tri thức. Còn thiếu vắng các hoạt động học tập phù hợp hơn với nhiều nhóm xã hội khác như người cao tuổi, lao động di cư, người nghèo đô thị, và người dân nông thôn.
Các đoàn thể quần chúng vẫn còn chú trọng vào chuyện lễ lạt, họp hành hình thức, chứ chưa dành cho họ sự quan tâm thích đáng về mặt giáo dục, phát triển con người.
Giáo dục cộng đồng có thể xuất phát từ những sự kiện, vấn đề thiết thân trong đời sống hàng ngày như sức khỏe, môi trường, pháp luật, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ, kỹ năng sinh tồn, đối phó với thiên tai, thảm họa, thông qua nhiều hình thức thể hiện linh hoạt, hấp dẫn như triển lãm, thư viện cộng đồng, các buổi tư vấn, thảo luận...
Việc thiết kế những hoạt động giáo dục cộng đồng cần gắn liền với hoàn cảnh địa phương và nhu cầu của người dân. Ví dụ, các điểm dân cư có thể tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, cập nhật thông tin về các vấn đề, các vụ việc tiêu cực xảy ra để mọi người biết và cùng nhau trao đổi, làm rõ nguyên nhân, qua đó tìm biện pháp phòng ngừa, bên cạnh việc phổ biến các kiến thức, kỹ năng sống và các chính sách, luật pháp của nhà nước. Có làm được như vậy thì cộng đồng mới hứng khởi tham gia, tạo nền tảng cho một xã hội học tập với tinh thần học tập suốt đời.
Như vậy, cải cách giáo dục không nên chỉ giới hạn trong phạm vi hệ thống giáo dục nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục Đào tạo, mà các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể cần có trách nhiệm cao trong việc giáo dục công dân nắm bắt được những kiến thức mới của xã hội, nắm bắt được chính sách, luật pháp hiện hành, tu bổ kỹ năng sống thích ứng với cuộc sống hiện tại và sống có trách nhiệm với xã hội, với môi trường xung quanh.
Nhà nước cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động giáo dục do các cá nhân và tổ chức xã hội tự thực hiện. Dù được tiến hành theo hình thức nào đi chăng nữa, giáo dục nên lấy người học làm trung tâm, nhấn mạnh sự tự chủ và tư duy sáng tạo của họ, đồng thời tăng cường mối gắn kết, trao đổi tri thức giữa các nhóm khác nhau. Đường lối giáo dục đó sẽ đem lại cho ta một nguồn lực làm biến đổi xã hội.
Nguyễn Văn Hưởng
Đại học Bách khoa TP HCM bị giả con dấu, lừa sinh viên học quốc tế
Văn bản thông báo về chương trình liên kết quốc tế của Đại học Bách khoa TP HCM với đối tác Australia bị làm giả, ... |
Điểm rèn luyện kém, hơn 100 sinh viên TP HCM phải ngừng học
Bị xếp loại rèn luyện kém năm học 2017-2018, nhiều sinh viên bậc cao đẳng trường Đại học Tài chính - Marketing phải dừng học ... |
Cặp 9X Thái Lan yêu nhau từ thời cấp 2 đến khi tốt nghiệp đại học
Câu chuyện tình yêu lãng mạn kéo dài hơn 9 năm của đôi trẻ Thái Lan hiện khiến nhiều người ngưỡng mộ. |
Thấy gì khi giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 53 trên thế giới?
Chuyên gia giáo dục phân tích một số đặc điểm khi giáo dục đại học Việt Nam xếp hạng 53 trên thế giới. |