Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng điều ông lo ngại nhất TP HCM còn có những ổ dịch khác trong cộng đồng mà chưa phát hiện.
Ý kiến này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 Quốc gia nói tại buổi làm việc trực tuyến với các tỉnh thành có dịch chiều 10/2 (29 Tết), sau khi nghe thứ trưởng Y tế Nguyễn Trưởng Sơn đánh giá về tình hình dịch bệnh ở TP HCM.
"Tôi từng nói phải xác định tất cả nguồn lây nhiễm đều nguy cơ như nhau. Ngoài việc truy vết ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố cần xét nghiệm những nơi nguy cơ cao như quán cà phê, bến xe khu vực cửa ngõ", ông Đam đề nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 Quốc gia. Ảnh: VGP. |
Ngoài ra, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chuyển ngay 30.000 kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP HCM phục vụ công tác truy vết, tìm ra nguồn gốc ổ dịch. "Hiện, chúng ta có 150.000 kit để chia về các tỉnh. Tuy nhiên, tôi đề nghị số kit này ưu tiên TP HCM phục vụ công tác xét nghiệm, điều tra nguồn gốc dịch trên diện rộng", ông Đam nói.
Trước đó, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dịch tại TP HCM có tình huống tương đối phức tạp. Cụ thể, sau khi các ca tiếp xúc F1 kết quả xét nghiệm âm tính thì các ca F2 liên quan lại dương tính với virus nCoV.
"Chúng tôi đã đặt ra 2 giả thiết về nguồn gốc lây nhiễm Covid-19 tại TP HCM. Tình huống một là các F1 nhiễm virus nhưng đã khỏi, qua thời gian ủ bệnh nên kết quả âm tính. Tình huống hai là các F1 này chính là các F0 lây nhiễm cho ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 1979", ông Sơn nói và cho rằng để có đánh giá chính xác, TP HCM cần xét nghiệm diện rộng những ca tiếp xúc, người nhà liên quan các ca Covid-19 ghi nhận thời gian qua.
Dự cuộc họp chiều nay cùng Ban chỉ đạo chống Covid-19 Quốc gia với tư cách một công dân thành phố, nguyên Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân đề xuất nên ra tiêu chí cụ thể để xác định một địa phương xuất hiện dịch nhằm có biện pháp xử lý phù hợp và không gây hoảng loạn.
Nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM. |
Ông Nhân dẫn chứng TP HCM hiện ghi nhận 46 người đang điều trị, tức một triệu dân có 5,1 người nhiễm; Hải Dương ghi nhận 322 ca, tức một triệu dân có hơn 100 người nhiễm, cường độ lây nhiễm gấp 34 lần TP HCM. Tương tự Quảng Ninh ghi nhận 53 ca bệnh, tức một triệu dân có 46 người nhiễm, cường độ cao hơn thành phố 9 lần.
Cũng theo nguyên Bí thư Thành uỷ TP HCM, 1.600 nhân viên bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất là nguy cơ lớn nhất hiện nay. Vì vậy, nên chăng thành phố tính toán bố trí chỗ ở cho số người này trong 2-3 tuần để kiểm soát, nếu ổn mới cho về tiếp xúc gia đình, để bảo đảm an toàn.
Theo ông Nhân, năm ngoái khi xuất hiện dịch, nếu chọn "sướng trước thì khổ sau kéo dài", nên thành phố đưa ra phương châm "khổ trước sướng sau", áp dụng các biện pháp khắt khe trong 2 tuần dập dịch và đã thành công.
"Với làn sóng dịch thứ ba này, tôi nghĩ thành phố nên công bố một kế hoạch 4 tuần để kiểm soát lây nhiễm, không để xảy ra dịch", ông Nhân nói và cho biết đề xuất thời gian khoảng 4 tuần vì một chu kỳ lây nhiễm khoảng 2 tuần, sau hai tuần đầu thành phố thực hiện thêm một lần xử lý nữa để kiểm soát triệt để.
"Trong 4 tuần này dù thành phố có áp dụng các biện pháp khắt khe nhưng sau đó hết dịch thì người dân rất đồng tình", ông Nhân nói.
Từ ngày 5/2 đến nay, TP HCM ghi nhận 32 ca Covid-19 ở 8 quận: 1, 3, 10, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, và TP Thủ Đức. Một ca nghi nhiễm đang chờ Bộ Y tế xác nhận. 3.141 người đang cách ly ở các khu tập trung và 1.681 người cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Hữu Công
Phó Thủ tướng: Không để chuyện giãn cách xã hội trên diện rộng quay trở lại |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khoanh gọn, dập sớm ổ dịch ở Đà Nẵng |