Ông Biden thăm nhà máy chế tạo tên lửa Javelin, hứa tăng viện trợ cho Ukraine

Trong chuyến thăm đến nhà máy chế tạo tên lửa Javelin, Tổng thống Mỹ Biden cam kết sẽ mở rộng gói viện trợ cho Ukraine lên 33 tỷ USD.

Theo Reuters, ngày 3/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm đến nhà máy chế tạo tên lửa của tập đoàn Lockheed Martin ở Alabama, đây nơi sản xuất tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin đang được Mỹ  và một số nước đồng minh viện trợ cho Ukraine.

“Những vũ khí này qua tay các bạn và đang nằm trong tay những anh hùng Ukraine, đang tạo ra sự khác biệt”, Tổng thống Biden phát biểu tại cơ sở lắp ráp tên lửa chống tăng Javelin của Lockheed Martin tại thành phố Troy, bang Alabama ngày 3/5.

17
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm đến nhà máy sản xuất tên lửa ở bang Alabama hôm 3/5. (Ảnh: AP)

Tuyên bố là vậy nhưng tại sự kiện trên Tổng thống Mỹ đã có hai lần nói hớ về vai trò của Javelin tại Ukraine, khi nói rằng Mỹ “đảm bảo rằng Nga có Javelin” và ghi nhận sự kháng cự thành công của Hungary đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Cũng trong chuyến thăm trên Tổng thống Biden cam kết sẽ nỗ lực hết sức để Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ trị giá 33 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 20 tỷ USD cho viện trợ quân sự.

“Cuộc chiến này sẽ không hề rẻ, nhưng người Nga sẽ phải trả cái giá đắt hơn”, ông Biden nhấn mạnh khi lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Ở thời điểm hiện tại, các gói viện trợ cho Ukraine hầu như không vấp phải các ý kiến phản đối đến từ các nhà lập pháp Mỹ ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Nhưng khi các gói viện trợ được tăng lên hơn 20 tỷ USD thì sẽ là một câu chuyện khác bởi phe Cộng hòa chưa chắc ủng hộ đề xuất này của ông Biden.

Hiện tại Mỹ đã cung cấp các gói viện trợ quân sự trị giá 3,4 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt (24/2), bao gồm lựu pháo M777, hệ thống tên lửa phòng không Stinger phòng không, tên lửa chống tăng Javelin, đạn dược và nhiều trang bị khác.

Nhu cầu về tên lửa Javelin ở chiến trường Ukraine vẫn cao khi cuộc chiến chuyển từ xung quanh Kiev sang miền đông Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ đã gửi hơn 5.500 hệ thống Javelin tới Ukraine, dù vậy con số này dường như không đủ. Phía Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Washington chuyển nhiều tên lửa hơn trong thời gian tới.

18
19
Bên trong dây chuyển sản xuất tên lửa Javelin ở Alabama. (Ảnh: AP)

Jim Taiclet, giám đốc điều hành của Lockheed Martin cho biết phía Ukraine yêu cầu Mỹ có một cam kết rõ ràng về số tên lửa Javelin sẽ được chuyển giao trong thời gian tới. Tập đoàn này cũng đang nỗ lực mở rộng dây chuyển sản xuất tên lửa tại cơ sở Troy, Alabama và một số nơi khác.

Hiện Raytheon Technologies (RTX.N) và Lockheed Martin đều đang cùng sản xuất Javelins, trong khi Raytheon sản xuất Stingers.

Lockheed Martin cho biết cơ sở Troy của họ có quy mô khoảng 600 người, đang sản xuất 5 loại tên lửa khác nhau và là nhà máy lắp ráp cuối cùng duy nhất cho các tên lửa Javelin, cơ sở này có khả năng sản xuất 2.100 tên lửa mỗi năm.

Lockheed Martin đã và đang đầu tư để tăng cường sản xuất Javelin và có thể sử dụng quỹ riêng của công ty để xúc tiến các hợp đồng cho các nhà thầu phụ. Nhưng sự gián đoạn của chuỗi cung ứng chip ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tăng sản lượng đối với dây chuyển sản xuất Javelin. Mỗi tên lửa Javelin chứa khoảng 250 bộ vi xử lý nhưng linh kiện cho việc sản xuất tên lửa này luôn trong tình trạng thiếu hụt.