Kho tên lửa chống tăng của Mỹ sắp cạn vì viện trợ Javelin cho Ukraine

Theo báo cáo của CSIS, Mỹ đã viện trợ khoảng 1/3 số tên lửa Javelin có trong kho dữ trự cho Ukraine trong khi cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

CNN dẫn lại một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết Washington hỗ trợ nhiều tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine tới mức kho dự trữ của nước này sắp cạn kiệt, không đủ cho lực lượng Mỹ sử dụng.

Theo Mark Cancian - cố vấn cấp cao Chương trình An ninh Quốc tế tại CSIS nhận định, cần mất nhiều năm mới có thể bổ sung thêm vũ khí mới cho kho dự trữ của Mỹ.

"Sẽ mất khoảng ba hoặc bốn năm để thay thế các tên lửa đã được chuyển giao cho Ukraine. Nếu Mỹ chuyển giao nhiều tên lửa hơn trong tương lai, thời gian thay thế càng kéo dài", ông Cancian nói.

11
Kho tên lửa Javelin của Mỹ sẽ sớm cạn nếu tiếp tục viện trợ cho Ukraine với tốc độ hiện tại. (Ảnh: CNN)

Ông Cancian ước tính có thể có 20.000 đến 25.000 đơn vị Javelin còn lại trong kho dự trữ của quân đội Mỹ và khoảng 7.000 tên lửa được gửi đến Ukraine, chiếm khoảng một phần ba kho tên lửa dự trữ.

Javelin là tên lửa chống tăng vác vai do công ty quốc phòng của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon chế tạo. Hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”, Javelin là loại vũ khí tự dẫn đường đến mục tiêu sau khi phóng, cho phép người điều khiển nó ẩn nấp và tránh bị phản công.

Chuyên gia CSIS nhận định Javelin đã tỏ ra hiệu quả khi giúp lực lượng Ukraine đối phó xe tăng Nga, bất chấp việc Kiev bị áp đảo hoàn toàn về mặt quân sự. Đây là vũ khí hữu ích cho Mỹ trong mọi cuộc xung đột bất ngờ.

“Mỹ duy trì kho dự trữ chuẩn bị cho một loạt xung đột toàn cầu có thể xảy ra. Tại một thời điểm nào đó, lượng dự trữ có thể thấp đến mức các nhà hoạch định quân sự sẽ đặt câu hỏi liệu kế hoạch dự phòng chiến tranh có thực hiện được hay không. Mỹ có khả năng đang tiến gần đến mức này”, ông Cancian cho biết thêm.

12
Binh sĩ Ukraine cùng với một số mẫu tên lửa chống tăng và phòng không do Mỹ cùng các nước NATO viện trợ. (Ảnh: Bộ quốc phòng Ukraine)

Trước đó, hôm 13/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết việc gửi các lô hàng vũ khí khổng lồ tới Ukraine, bao gồm hàng nghìn tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng của lực lượng Mỹ.

Còn theo tờ Financial Times (FT) cho biết Lầu Năm Góc đã triệu tập một phiên họp kín với đại diện các nhà thầu quân sự Mỹ trong ngày 13/4, nhằm thảo luận cách thức, biện pháp tăng cường hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Tám tập đoàn, nhà thầu quân sự lớn nhất của Mỹ trong đó có Lockheed Martin, Raytheon và L3 Technologies - đã được mời tham dự phiên họp này.