Ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường tài chính

Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và tài chính khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần tập trung hướng tới phục hồi kinh tế một cách bền vững, đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế, thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay lại vị trí tiềm năng.

Rủi ro bất ổn đang hiện hữu

Theo Ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021” của Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) vừa công bố, mức tăng trưởng tiềm năng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nằm trong khoảng 6,12% - 6,32%/năm. Như vậy, trong hai năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam hoạt động dưới mức tiềm năng rất xa, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang có dấu hiệu bước vào chu kỳ đi xuống. Mặc dù tăng trưởng vẫn chưa rơi vào ngưỡng cảnh báo khủng hoảng nhưng đây rõ ràng là một yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của nền kinh tế cũng như tác động xấu đến các doanh nghiệp, theo đó gia tăng rủi ro tín dụng.

on dinh vi mo lanh manh thi truong tai chinh
Thị trường tài chính phát triển bền vững là điểm tựa để sản xuất phục hồi

PGS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học NEU cũng chỉ ra rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu. Cụ thể, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2, tỷ lệ M2/GDP và tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Xét trong dài hạn, khi tăng trưởng kinh tế dưới mức tiềm năng, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả trong khi cung tiền tăng sẽ là yếu tố tác động lên lạm phát trong trung và dài hạn. Ngoài ra, tác động của chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng giai đoạn 2020-2021 sẽ trở nên rõ nét hơn vào những năm sau và chắc chắn gây ra áp lực tăng giá. Như vậy, thách thức lớn cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới là xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát. Dù lạm phát có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro, nhưng cũng là một trở ngại khiến NHNN khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất.

Ngoài những bất ổn có thể nhận thấy trong kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính Việt Nam cũng đang cho thấy nhiều hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp niêm yết với lợi thế về tiếp cận vốn đã tối ưu hoá kết quả kinh doanh và sinh lời bằng cách tăng cường dòng vốn đổ vào kinh doanh chứng khoán và bất động sản.

Doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thị trường chứng khoán và bất động sản có biến động, nguồn vốn dành cho sản xuất kinh doanh có thể bị thu hẹp lại.

Với thị trường chứng khoán, rủi ro trên thị trường này đang gia tăng do dòng tiền vào thị trường cổ phiếu và số lượng nhà đầu tư mới tăng nhanh trong khi số lượng doanh nghiệp niêm yết mới còn ít; mất cân đối cung cầu trên thị trường, tính minh bạch chưa cao, gia tăng sự biến động mang tâm lý đám đông. Quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao do hình thức phát hành riêng lẻ là chủ yếu, lĩnh vực phát hành chủ yếu là bất động sản.

Nỗ lực phục hồi kinh tế

Các chuyên gia của NEU cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%, tuy nhiên mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ khó có khả năng đạt được. Vì vậy, để có thể phục hồi kinh tế, cần những hành động quyết liệt hơn.

Cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần đưa chính sách tập trung hướng tới phục hồi kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh sống chung với Covid-19, để đảm bảo cân bằng bên trong của nền kinh tế phải duy trì sản lượng gần mức tiềm năng; thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để đẩy nền kinh tế quay lại vị trí tiềm năng.

Mặt khác, chính sách cần được nới lỏng một cách thận trọng để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, khi dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp mạnh hơn, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất; Theo đuổi chính sách tài khoá nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2034, mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi, ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Đây cũng là nhân tố quyết định trong kiểm soát nợ công. Vì vậy, các chính sách cần tập trung vào cải cách thể chế đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Về chính sách tiền tệ, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan toả lớn, có tác động tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường. Chú trọng vào việc chuyển hướng các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nóng ở các thị trường tài sản.

Nêu giải pháp để lành mạnh thị trường tài chính, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, rủi ro đang hiện hữu, nhưng vẫn nằm trong chừng mực mà hoàn toàn có thể quản trị được nhờ vào hệ thống tài chính đang tốt. Kinh nghiệm của các nhà hoạch định chính sách cũng linh hoạt hơn nhất là trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Tuy nhiên trong dài hạn, theo TS. Võ Trí Thành, câu chuyện xử lý nợ xấu phải gắn với tái cấu trúc hệ thống NHTM, theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các TCTD. Thúc đẩy các TCTD áp dụng chuẩn mực Basel II, Basel III; chuẩn mực kế toán quốc tế mà trước tiên là IFRS 9, nâng cao chất lượng quản trị để điều hành, quản trị rủi ro theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Đánh giá rõ rủi ro tiềm tàng của các dòng tín dụng như chứng khoán, bất động sản.

Nêu kiến nghị về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong thời gian tới, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, đối với thị trường vốn, phải kiểm soát rủi ro nhưng cũng cần hỗ trợ để phát triển. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hướng các chính sách hỗ trợ tới khu vực kinh tế tư nhân, vào các chuỗi cung ứng, các ngành kinh tế chứ không hẳn là doanh nghiệp riêng lẻ.

Đặc biệt, nên bổ sung gói hỗ trợ “niềm tin” cho doanh nghiệp, niềm tin của xã hội và thị trường vào khu vực kinh tế tư nhân và ngược lại. Thực tế, khu vực tư nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế, những sự việc doanh nghiệp vi phạm vừa qua không phải là bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp.

https://thoibaonganhang.vn/on-dinh-vi-mo-lanh-manh-thi-truong-tai-chinh-126727.html

Quỳnh Trang / thoibaonganhang.vn